19/01/2025 | 07:14 GMT+7, Hà Nội

Bức tranh bất động sản 2019: Những "nét vẽ" mang gam màu sáng

Cập nhật lúc: 08/05/2019, 06:00

Thị trường bất động sản năm 2019 được giới chuyên gia dự báo sẽ phát triển theo hướng ổn định. Đâu là những cơ sở để đặt ra kỳ vọng về một bức tranh sáng của thị trường trong tương lai?

Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ

Một trong những động thái đặt ra kỳ vọng cho các nhà đầu tư, đó chính là Chỉ thị 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh. Giới chuyên gia cho rằng, chính sáchcủa Thủ tướng Chính phủ đã tạo động lực khơi thông thị trường, giải quyết những tồn đọng, rào cản ảnh hưởng tới lĩnh vực bất động sản trong thời gian qua.

Theo đó, những giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ đưa ra đang chạm tới các vấn đề nóng nhất của thị trường bất động sản. Mà đầu tiên phải kể tới đó là hành lang pháp lý. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng hoàn thành dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, trong đó ban hành sửa đổi, bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đối với các loại hình nhà ở mới. Bên cạnh đó, Chỉ thị nêu rõ, yêu cầu chủ đầu tư triển khai xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, xã hội.

Trước những khó khăn về vốn, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu một số định chế tài chính để huy động nguồn lực cho thị trường bất động sản như định hướng sửa đổi, bổ sung, ban hành mới quy định pháp luật để khai thác, sử dụng các nguồn lực, nhất là từ đất đai để phát triển thị trường bất động sản và chống đầu cơ trong lĩnh vực bất động sản. Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ, không để xảy ra tình trạng bong bóng bất động sản.

Đánh giá về tác động của chính sách này, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, sau Chỉ thị 11/CT-TTg, thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ phát triển ổn định, bền vững hơn. Đặc biệt, bất động sản nghỉ dưỡng được kỳ vọng sẽ phát triển sau chỉ đạo gỡ vướng chính sách cho condotel và villa resort.

Trong khi đó,ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cũng cho rằng, Chỉ thị của Thủ tướng sẽ là một trong những động lực quan trọng nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển theo hướng ổn định.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Lực cầu từ thị trường bất động sản

Kết thúc quý I/2019, theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản đã ghi nhận nguồn cung khan hiếm, song lực cầu lại lớn. Điển hình như tại TP.HCM, dù lượng cung giảm mạnh so với quý IV/2018 nhưng tỷ lệ hấp thụ đạt tới 89.7%. Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, con số này cho thấy nhu cầu và sức mua của thị trường vẫn đang rất mạnh.

Cũng tại Diễn đàn Toàn cảnh thị trường bất động sản và tài chính Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đã khẳng định, thị trường bất động sản sẽ còn tiếp tục phát triển ổn định nhờ nhu cầu về nhà ở còn cao. Ngoài ra, theo dự báo, giá bất động sản trong tương lai sẽ có xu hướng gia tăng. Đây là động lực để các nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia thị trường nhiều hơn đồng thời kỳ vọng vào diễn biến tích cực của thị trường này trong tương lai.

Tỷ lệ hấp thụ trên thị trường Hà Nội trong quý I/2019. (Nguồn: Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam)

Tỷ lệ hấp thụ trên thị trường Hà Nội trong quý I/2019. (Nguồn: Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam)

Nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam

Vốn FDI được đánh giá là một trong những bệ đỡ cho thị trường bất động sản Việt trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đang siết tín dụng trong lĩnh vực bất động sản. Theo thống kê, chỉ trong quý I/2019, vốn FDI vào bất động sản lên tới 1,1 tỷ USD. Số vốn này tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn tiền đang đổ vào 2 lĩnh vực chính là bất động sản công nghiệp và dùng để mua bán và sáp nhập (M&A) các dự án.

Theo đánh giá từ giới chuyên gia, vốn FDI vào Việt Nam không chỉ hỗ trợ một phần cho bài toán nan giải về vốn của doanh nghiệp mà còn là một nhân tố mang đến cho thị trường bất động sản "làn sóng"mới về kinh nghiệm quản lý của các quốc gia trên thế giới cũng như tạo ra cuộc cạnh tranh buộc doanh nghiệp địa ốc phải nhanh chóng bứt tốc. Chưa kể, nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ kéo theo nguồn nhân lực tới, đẩy lực cầu về nhà ở gia tăng.

Bên cạnh đó, giới chuyên gia đánh giá rằng, một số các yếu tố khác như cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của phân khúc bất động sản công nghiệp và bức tranh bất động sản nói chung. Ngoài ra, dư địa tiềm năng từ thị trường tỉnh cũng được kỳ vọng sẽ trở thành những động lực cho thị trường bất động sản vận động theo quỹ đạo ổn định. Đặc biệt, ở thời điểm khi các chủ thể trên thị trường bất động sản đã trải qua cuộc khủng hoảng cách đây 10 năm thì những lo ngại về sự bất ổn cũng như bong bóng sẽ không còn. Đây cũng là yếu tố giúp các nhà đầu tư an tâm, tiếp tục kỳ vọng vào bức tranh sáng của thị trường bất động sản trong thời gian tới.

Nhật Minh