Bối cảnh thiếu hụt container và cơ hội cho ngành kho bãi, tàu thủy
Cập nhật lúc: 20/06/2021, 06:10
Cập nhật lúc: 20/06/2021, 06:10
Năm 2020 thế giới chứng kiến đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Rất nhiều doanh nghiệp vận tải hoặc các ngành liên quan rơi vào tình trạng phá sản, giải thể hoặc ngừng hoạt động.
Sau khi dịch bệnh dần được khống chế tại một số quốc gia, tình trạng mất cân đối cung cầu đã xảy ra khiến hoạt động trong ngành cảng biển, logistic có sự biến động mạnh.
Tại báo cáo đánh giá triển vọng ngành logistics và cảng biển công bố mới đây, nhóm nghiên cứu Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) nhìn nhận: Đối với ngành kho bãi và tàu thủy, sự chênh lệnh trong hoạt động kiểm soát dịch bệnh giữa 2 khu vực Thái Bình Dương và khu vực Mỹ, EU đã gây ra gián đoạn chuỗi cung ứng, trầm trọng hóa hiện tượng thiếu hụt vỏ container rỗng và nhiều hệ lũy khác. Dễ thấy nhất là việc giá thuê vỏ container để đóng hàng đã tăng phi mã và đồng thời đẩy giá cước vận tải biển lên mức kỷ lục trong 2 năm gần đây.
Agriseco Research đánh giá, hiện tượng giá loại hình dịch vụ vận tải này bị đẩy lên cao trong năm nay có nhiều điểm tương đồng với giai đoạn 2007 - 2008. "Trong bối cảnh chi phí vận chuyển quá cao, các hãng tàu sẽ dần có xu hướng gom chuyến hoặc tái cơ cấu để tăng nguồn cung của mỗi chuyến hàng. Chúng tôi cho rằng điều này sẽ làm gia tăng nhu cầu đối với các tàu có tải trọng lớn như Dry Bulk hoặc Tanker như đã từng xảy ra trong giai đoạn 2007 - 2008, khiến giá các loại tàu này lên cao", báo cáo nêu.
Quan sát của nhóm nghiên cứu cho thấy, giá thuê tàu trên toàn thế giới đã bắt đầu tăng mạnh từ thời điểm tháng 7/2020, trong đó mức tăng mạnh nhất tới từ các loại tàu có tải trọng lớn (trên 4.000 TEUs/chuyến).
Bên cạnh đó, một số sự kiện gần đây như tắc nghẽn kênh đào Suez hoặc tắc các nhà cảng tại khu vực bờ Đông Châu Mỹ đã càng khiến hiện tượng thiếu hụt container trở nên trầm trọng. Đơn cử như giá cước vận chuyển 1 container 40ft từ Trung Quốc sang Mỹ đã tăng vọt từ hơn 2.000 USD lên gần 9.000 USD.
Hội đồng vận tải thế giới (WTC) nhận định, sẽ rất khó để biết khi nào thì chi phí vận tải biển tạo đỉnh, đặc biệt trong bối cảnh chuỗi cung ứng vẫn chưa thể khôi phục hoàn toàn. Trước cơ hội này, rất nhiều các hãng tàu lớn trên thế giới công bố kết quả kinh doanh quý I/2021 đột biến. Tiêu biểu như hãng Cosco thông báo doanh thu 3 tháng đầu năm đạt hơn 9,8 tỷ USD (tăng 80% so với cùng kỳ năm trước) trong đó doanh thu vận chuyển container tăng trưởng hơn 85% so với cùng kỳ.
Nhóm nghiên cứu Agriseco Research cho rằng, việc giá cước vận tải bị đẩy lên cao đã mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khai thác tàu và kho bãi.
Đầu tiên, tốc độ lưu thông hàng hóa chậm lại sẽ làm gia tăng nhu cầu lưu kho hàng hóa. Cụ thể, quan sát thấy các doanh nghiệp kho bãi như Công ty Cổ phần Transimex (TMS) đã ghi nhận kết quả kinh doanh năm 2020 rất tích cực, đặc biệt trong quý I/2021 đã ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế tăng trưởng gần 80% so với cùng kỳ.
Tiếp đó, những doanh nghiệp sở hữu đội tàu quy mô lớn cũng được hưởng lợi từ xu thế này. Cụ thể, từ đầu năm 2021, Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) đã nâng mức phí với một số tuyến hàng hóa quan trọng như Hải Phòng - Cái Mép lên 15%, tuyến Hải Phòng - cảng Sài Gòn lên gần 20%.
Ngoài ra, việc tăng giá thuê tàu cũng giúp giá trị thị trường của đội tàu doanh nghiệp tăng lên đáng kể, do vậy các doanh nghiệp có thể ghi nhận những khoản lợi nhuận đột biến từ việc thanh lý những con tàu có tuổi đời cao.
Được biết, trong năm 2021, HAH đã thanh lý con tàu HAIAN SONG, lợi nhuận thu về ước tính khoảng 25 tỷ tương đương 20% lợi nhuận cả năm của doanh nghiệp. Việc HAH tập trung trẻ hóa đội tàu, gia tăng nguồn cung giai đoạn này là cơ sở vững chắc để kỳ vọng tăng trưởng bền vững trong tương lai.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/boi-canh-thieu-hut-container-va-co-hoi-cho-nganh-kho-bai-20201231000002867.html
16:43, 18/06/2021
11:00, 22/05/2021
06:39, 25/02/2021
08:01, 24/08/2020