19/01/2025 | 15:35 GMT+7, Hà Nội

Bộ Xây dựng yêu cầu công khai, minh bạch, lựa chọn nhà thầu và xử lý nghiêm các dự án chậm tiến độ

Cập nhật lúc: 19/02/2022, 16:30

Để đảm bảo hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công được giao năm 2022, Bộ trưởng Bộ Xây dựng yêu cầu công khai, minh bạch trong lựa chọn nhà thầu và xử lý nghiêm các dự án chậm tiến độ.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa ký ban hành Chỉ thị số 01/VT-BXD về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư và kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2022; trong đó nhấn mạnh sẽ kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức kỷ luật đối với người đứng đầu đơn vị chủ đầu tư chậm thực hiện dự án theo quy định.

Theo đó, Bộ đề nghị đẩy nhanh công tác chuẩn bị thực hiện, lựa chọn nhà thầu để sớm khởi công công trình. Việc đấu thầu qua mạng cần được thực hiện theo quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực. Các đơn vị chủ động có kế hoạch, giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công; hoàn thiện hồ sơ, thực hiện các thủ tục thanh toán vốn đầu tư cho dự án ngay khi có khối lượng hoàn thành được nghiệm thu theo quy định, không để dồn thanh toán vào cuối năm.

Đến hết 31/1/2023, các dự án phải hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2022 được giao. Các chủ đầu tư phải cam kết tiến độ thực hiện va giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 với Bộ Xây dựng theo từng tháng, khẩn trương gửi văn bản cam kết đến Bộ Xây dựng trước ngày 20/2. 

Đối với các dự án hoàn thành trong năm 2022, tập trung thi công hoàn thiện các hạng mục công trình, hoàn tất công tác nghiệm thu, thanh toán và giải ngân vốn cho các nhà thầu; khẩn trương lập báo cáo quyết toán các dự án hoàn thành trình Bộ Xây dựng thẩm tra, phê duyệt theo đúng quy định. Trường hợp dự án chuyển tiếp hoàn thành sau năm 2022, thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng có trách nhiệm tăng cường đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, tập trung hoàn thiện các thủ tục pháp lý, nghiệm thu và thanh toán ngay cho khối lượng hoàn thành đủ điều kiện theo quy định.

Bộ Xây dựng yêu cầu công khai, minh bạch, lựa chọn nhà thầu và xử lý nghiêm các dự án chậm tiến độ
Bộ Xây dựng yêu cầu công khai, minh bạch, lựa chọn nhà thầu và xử lý nghiêm các dự án chậm tiến độ

Tương tự, các dự án khởi công mới năm 2022 cần khẩn trương hoàn thành việc lập, thẩm định, trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; hoàn thành lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thết kế bản vẽ, thi công và dự toán xây dựng, chậm nhất là trong tháng 5/2022 để làm cơ sở lựa chọn nhà thầu thi công, sớm khởi công công trình...

Đến ngày 30/9, các dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn đầu tư công được giao năm 2022, nếu không có lý do khách quan, bất khả kháng, Bộ Xây dựng sẽ kiên quyết cắt giảm để điều chuyển, bổ sung thanh toán cho các dự án đã có khối lượng hoàn thành đồng thời sẽ kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức kỷ luật đối với người đứng đầu đơn vị chủ đầu tư về việc chậm thực hiện và giải ngân.

Các chủ đầu tư không đạt tiến độ theo cam kết, không đạt 100% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Xây dựng cũng sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu đồng thời xem xét việc điều chuyển chủ đầu tư dự án, kiên quyết không giao vốn để khởi công mới các dự án khác, không giao làm chủ đầu tư các dự án khác...

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ khẩn trương nghiên cứu, rà soát hoàn thiện khung pháp lý, đảm bảo tính thống nhất; các chủ đầu tư có nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công. Ngoài ra, chủ đầu tư cần kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình; thay thế các nhà thầu có năng lực yếu và chủ động đề xuất, báo cáo Bộ Xây dựng điều chuyển khối lượng thi công của các nhà thầu có nguy cơ chậm tiến độ cho các nhà thầu khác thực hiện.

Trước đó, nhằm góp phần quan trọng vào việc phục hồi và phát triển nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19; Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm các chủ đầu tư (CĐT) cố ý làm chậm tiến độ giải ngân đầu tư công. 

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm; cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân; coi kết quả giải ngân là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của tổ chức, cá nhân liên quan.

Tạo thuận lợi cho lưu thông, vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu, không để xảy ra ách tắc nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh; các địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội thì cần tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, bảo đảm triển khai ngay sau khi nới lỏng giãn cách xã hội.

Đề cao kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; kiểm điểm, xử lý kịp thời các cán bộ yếu kém, tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tiến hành rà soát kỹ ngay từ khâu chuẩn bị dự án, lựa chọn dự án giao vốn đến công tác thiết kế, đấu thầu, thi công, thủ tục thanh, quyết toán… đối với từng dự án. Tập trung đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ vướng mắc phát sinh, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng.

Vẫn còn nhiều bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp
Vẫn còn nhiều bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, yêu cầu rà soát, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, tăng cường làm việc trực tuyến để tiết kiệm thời gian, chi phí và không gây phiền hà cho các Bộ, cơ quan, địa phương; tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cắt giảm, điều chuyển kế hoạch vốn năm 2021 từ các Bộ, cơ quan, địa phương giải ngân chậm sang các Bộ, cơ quan, địa phương giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn theo quy định.

Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng bảo đảm nguồn thanh toán cho các dự án; đơn giản hoá thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm soát chi, thời gian kiểm soát thủ tục rút vốn từ nhà tài trợ, bảo đảm đúng quy định; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời xử lý các vướng mắc về thanh, quyết toán, đàm phán, ký kết hiệp định, rút vốn từ nhà tài trợ. Công khai tình hình thực hiện và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, cơ quan, địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Việc giải ngân chậm được lý giải do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khách quan do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp phải thực hiện giãn cách xã hội tại một số địa phương, tuy nhiên nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, nhất là các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện.

Một số bộ, cơ quan, địa phương, nhất là những nơi không thực hiện giãn cách xã hội thiếu quyết tâm chính trị, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy đầy đủ, công tác lập kế hoạch vốn chưa với sát thực tế và khả năng giải ngân; công tác thiết kế thi công, đấu thầu lựa chọn nhà thầu chậm, giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; quy trình, thủ tục thanh quyết toán vốn đầu tư công còn bất cập; sự phối hợp giữa các cơ quan có trường hợp thiếu chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra chưa quyết liệt; việc xử lý các trường hợp chậm trễ, vi phạm quy định còn chưa kịp thời, nghiêm minh...

Những dự án chậm tiến độ, không đủ điều kiện sẽ bị Hà Nội thu hồi

Tại kỳ họp thứ 3 ngày 9/12/2021, đại biểu HĐND TP Hà Nội nêu thời gian qua, việc tổ chức các hội nghị xúc tiến hợp tác đầu tư của Hà Nội tạo kết nối hợp tác sâu rộng với các địa phương, khẳng định vị trí Thủ đô, nhưng thực tế có nhiều dự án đã được trao quyết định đầu tư nhưng chưa được triển khai. Có khá nhiều biên bản ghi nhớ được ký kết nhưng đến nay chưa được thực hiện. Trong các dự án triển khai chậm có khá nhiều dự án đầu tư công, thuộc danh mục công trình trọng điểm của Thành phố luôn được ưu tiên bố trí vốn, nhưng triển khai thực tế không đạt yêu cầu.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn trả lời về việc triển khai các dự án còn chậm, là do trong quá trình cấp giấy chứng nhận đầu tư, có thay đổi Luật Đầu tư. Trên cơ sở đó, Thành phố yêu cầu rà soát lại các trình tự thủ tục pháp lý của các dự án. Trong quá trình tổ chức, có các vi phạm của các nhà đầu tư như về công tác PCCC, nghĩa vụ về đất đai, bảo hiểm xã hội, tài chính… Một số nhà đầu tư còn chưa tích cực chủ động phối hợp với các sở ngành liên quan trong việc hoàn thiện thủ tục.

Cùng với đó, dự án chậm triển khai cũng là trách nhiệm của các sở ngành trong việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát các nhà đầu tư tổ chức đầu tư. Nguyên nhân khách quan, ông Đỗ Anh Tuấn cho hay, đối với những dự án có nguồn vốn ODA (các tuyến đường sắt) là dự án lớn, thời gian thực hiện kéo dài, chưa có tiền lệ trong việc tổ chức thực hiện thi công nên phải điều chỉnh nhiều hạng mục. Những dự án PPP thì triển khai khá phức tạp. 

Những dự án chậm tiến độ, không đủ điều kiện sẽ bị Hà Nội thu hồi
Những dự án chậm tiến độ, không đủ điều kiện sẽ bị Hà Nội thu hồi

Sở KH&ĐT đã chủ trì, phân loại các dự án môi trường có sự dụng đất, các dự án về nhà ở, thương mại dịch vụ..., làm rõ tồn tại, vướng mắc của các dự án ở đâu, đồng thời kiên quyết thu hồi các dự án chủ đầu tư chây ỳ, không triển khai. Hiện nay, có khoảng 900 dự án chậm tiến độ. Sở sẽ có các giải pháp tổ chức thực hiện.

Về giải pháp, Sở tham mưu Thành phố các giải pháp về cải cách hành chính để các thủ tục liên thông giữa các sở ngành, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện theo quy trình thủ tục. Ngoài ra, Sở sẽ giám sát đầu tư, thanh tra kiểm tra, kết luận, xử lý phù hợp, để đáp ứng đúng kỳ vọng của người dân.

Ông Nguyễn Trọng Đông, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến trình trạng dự án chậm tiến độ là do công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập, trong khi năng lực của một số chủ đầu tư không đáp ứng được yêu cầu thực tế.

TP Hà Nội đã giao Sở TN&MT chủ trì đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra cụ thể từng dự án, với tinh thần những dự án nào liên quan đến các quận, huyện, thị thì thành phố sẽ tập trung tháo gỡ để sớm tiến hành triển khai.

Theo khoản 1 Điều 64 Luật đất đai số 45/2013/QH13 quy định các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai bao gồm: Đất được Nhà nước giao; cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư; kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng.

Trường hợp không đưa đất vào sử dụng, chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất… hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất; trừ trường hợp do bất khả kháng…

Đối với việc chủ đầu tư, cá nhân sử dụng đất sai mục đích cũng sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Theo đó, sử dụng đất không đúng mục đích là hành vi đưa đất thuộc quyền sử dụng và sở hữu của mình vào sử dụng trái với mục đích sử dụng đất đã được ghi trong giấy chứng nhận hoặc quyết định giao, cho thuê đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. 

Đối với hành vi vi phạm trong việc sử dụng đất sai mục đích thì tại Nghị định 102/2014NĐCP ngày 10/11/2014 đã nêu rõ những trường hợp cụ thể của từng hành vi vi phạm cũng như mức phạt từ Điều 6 - Điều 9 của Nghị định này. Quy trình xử phạt đối với hành vi sử dụng đất sai mục đích được quy định tại Chương III thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/xu-ly-nghiem-cac-du-an-cham-tien-do-20201231000005472.html