22/11/2024 | 21:14 GMT+7, Hà Nội

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề xuất thay 'học phí' bằng 'giá dịch vụ đào tạo'

Cập nhật lúc: 31/05/2018, 10:10

Việc chuyển đổi từ cơ chế thu học phí sang giá dịch vụ đào tạo theo hướng tính đúng, tính đủ các chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo là căn cứ vào Luật giá...

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ bên hành lang Quốc hội vào sáng 30/5 với báo chí.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo,học phí là cách gọi truyền thống, không bao gồm tất cả các chi phí tạo ra dịch vụ đào tạo, trong thực tế nếu dựa vào học phí thì còn thiếu rất nhiều các khoản thu hợp pháp khác để phát triển nhà trường, phục vụ đào tạo.

Về tên “giá dịch vụ đào tạo” hay dùng tên khác, ông Nhạ cho biết, hiện vẫn đang bàn. Nhưng bản chất vẫn là tính đúng, tính đủ phí đào tạo theo Luật giá, Luật phí và lệ phí.

Ông Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ông Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

"Dự thảo luật vẫn đang giai đoạn Quốc hội họp bàn cho ý kiến. Nhưng tôi xin nói lại là về nội hàm có sự khác nhau nên cần cân nhắc tên gọi cho thuận và phản ánh đúng bản chất”, ông Phùng Xuân Nhạ cho hay.

Bên cạnh đó, trình bày trước Quốc hội về các nội dung sửa đổi bổ sung Luật giáo dục đại học, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 31/73 điều; bổ sung 2 điều mới; bãi bỏ 1 điều và 1 khoản; thay thế cụm từ tại 1 điều…

Bộ trưởng cho rằng, Luật GDĐH năm 2012 còn một số bất cập như mức học phí chưa được tính theo cơ chế giá dịch vụ, chưa phù hợp với chi phí đào tạo thực tế của các nhóm ngành, các bậc đào tạo và chất lượng của từng cơ sở GDĐH.

Việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật GDĐH là quan trọng và cấp thiết. Trên cơ sở đó, về quản lý tài chính, tài sản, luật sẽ sửa đổi để chuyển học phí của cơ sở GDĐH sang quy định về định giá dịch vụ đào tạo, phù hợp với luật Giá, luật Phí và lệ phí.

Thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, đa số ý kiến đại biểu tán thành việc rút ngắn thời gian học, tuy nhiên cần làm rõ việc giao thẩm quyền cho bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định thời gian đào tạo cụ thể đối với mỗi trình độ của giáo dục đại học theo từng lĩnh vực, hình thức tổ chức đào tạo để bảo đảm tôn trọng tính tự chủ của cơ sở giáo dục đại học.

Về "giá dịch vụ đào tạo", các đại biểu không nhất trí việc thay đổi thuật ngữ như thể hiện trong dự thảo luật sửa đổi.