19/01/2025 | 07:15 GMT+7, Hà Nội

Cảnh báo những dấu hiệu trẻ mầm non bị bạo hành

Cập nhật lúc: 22/05/2018, 22:45

Liên tiếp gần đây xảy ra những vụ bạo hành trẻ mầm non khiến dư luận phẫn nộ, gần đây nhất là clip bảo mẫu tát mắng tại cơ sở mầm non Nhóm trẻ độc lập mẹ Mười tại Thanh Khê, Đà Nẵng. Để biết trẻ bạo hành, cha mẹ cần chú ý những biểu hiện của trẻ.

Vụ việc trẻ mầm non bị bạo hành ở cơ sở mầm non Nhóm trẻ độc lập mẹ Mười tại Thanh Khê, Đà Nẵng ngày hôm qua khiến dư luận hết sức bức xúc.

Trước đây cũng đã có rất nhiều vụ các cháu mầm non bị bạo hành. Vậy, các bậc phụ huynh cần chú ý những biểu hiện sau của trẻ.

Ảnh cắt ra từ clip vụ trẻ bị bạo hành ở Đà Nẵng.

Ảnh cắt ra từ clip vụ trẻ bị bạo hành ở Đà Nẵng.

Trẻ chưa biết nói

Với những trẻ chưa biết nói đã gửi đi nhà trẻ, phụ huynh sẽ rất khó để biết được con mình có bị bạo hành hay không và hoàn toàn phải quan sát kỹ, thậm chí dựa vào trực giác của mình.

Trẻ dưới 1 tuổi bị bạo hành thường bị rung lắc mạnh và la mắng, thậm chí là quăng vật hoặc tung lên tung xuống nhiều lần.

Khi trẻ bị rung quá mạnh, não bộ sẽ va chạm xương sọ và gây áp lực, chảy máu trong, đặc biệt ảnh hưởng đến khả năng phát triển trí não.

Ở Mỹ, mỗi năm có khoảng 10.000 trẻ bị hội chứng này. Và nó được gọi là Shaken Baby Syndrome - SBS (Hội chứng xảy ra với trẻ khi bị rung lắc mạnh).

Những trẻ mắc hội chứng này thường có biểu hiện nôn trớ, biếng ăn hoặc khó ăn. Đặc biệt trẻ rất hay cáu kỉnh và giật mình, khó thở, có những vết bầm ở cổ tay, cánh tay, ngực, cổ...

Trẻ đã biết nói

Biểu hiện tâm lý

Khi trẻ bị bạo hành, có thể bảo mẫu sẽ rất khéo léo không đánh đập vào những vùng dễ tổn thương hoặc không gây ra vết bầm tím để bố mẹ có thể phát hiện.

Tuy nhiên, về mặt tinh thần thì khó có thể dấu giếm. Chính vì vậy, trên hết cha mẹ phải để ý những biểu hiện lạ của con sau khi đón về nhà.

Hầu như các cơ sở mầm non hiện nay đều có camera để bố mẹ tiện theo dõi từ xa, vì thế, bảo mẫu sẽ chọn chỗ kín, nơi camera không quét tới để bạo hành trẻ.

Nếu như con có biểu hiện sợ hãi nhà bếp, phòng tắm hay phòng vệ sinh, trong bóng tối,…thì cha mẹ nên khéo léo khuyên nhủ và gợi ý để trẻ nói ra nguyên nhân.

Hay gặp ác mộng, sợ sệt

Tâm hồn trẻ như một tờ giấy trắng, nếu như có một vệt đen sẽ in hằn trong tâm trí rất lâu. Vì vậy, trẻ bị bạo hành rất dễ bị tác động bởi những hành vi thô bạo.

Những hành vi này đi vào giấc mơ của bé khiến con không thể nào ngon giấc và thường hay gặp ác mộng.

Nếu con hay giật mình hoặc khóc đêm thì cha mẹ cần tìm hiểu rõ nguyên nhân, có thể con đang gặp vấn đề về tinh thần hoặc thể chất.

Sợ đến lớp

Trẻ bị bạo hành thường sợ đến lớp. Ảnh minh họa.

Trẻ bị bạo hành thường sợ đến lớp. Ảnh minh họa.

Không đứa trẻ nào có thể vui vẻ và hào hứng đến lớp khi đã bị bạo hành. Đặc biệt khi có mặt bảo mẫu hoặc người ra tay bạo hành trẻ thì biểu hiện của con càng rõ rệt.

Trẻ sẽ rất sợ hãi, nấp sau lưng mẹ và không hề muốn vào lớp, gào khóc bám lấy mẹ không rời khi gặp bảo mẫu. Mẹ nên tinh ý quan sát ánh mắt của bảo mẫu và trẻ khi đưa đón con để nắm bắt được nguyên nhân.

Rối loạn hành vi

Nếu như con bạn thay đổi hành vi, khác với ngày thường như hồi hộp, run sợ hoặc chống đối lại cha mẹ thì có nghĩa bé đang bị ảnh hưởng tâm lý.

Cơ thể có những vết bầm

Tìm hiểu nguyên nhân những vết bầm tím trên người con vì rất có thể trẻ đã bị bạo hành.

Tìm hiểu nguyên nhân những vết bầm tím trên người con vì rất có thể trẻ đã bị bạo hành.

Dù bận rộn đến mấy cha mẹ cũng nên dành nhiều thời gian cho con mình, nhất là những năm tháng đầu đời trẻ cần nhận được sự quan tâm nhiều nhất.

Nếu như cha mẹ gần gũi con sẽ phát hiện được sự bất thường ngay nếu trẻ bị bạo hành.

Khi cơ thể bé xuất hiện những vết bầm tím, vết xước mà không phải xô đẩy bạn bè thì phần trăm lớn là bị bạo hành.