19/01/2025 | 02:46 GMT+7, Hà Nội

Bộ trưởng Nhạ đã lên tiếng!

Cập nhật lúc: 31/05/2018, 06:29

Vậy là, rốt cuộc sau rất nhiều vụ lùm xùm trong ngành giáo dục, từ việc thày giáo dâm ô, cô giáo không giảng bài hay học sinh bị bắt uống nước giẻ lau,… thì người đứng đầu ngành này, Bộ trường Phùng Xuân Nhạ đã lên tiếng.

Thế nhưng, thật đáng buồn là người đứng đầu ngành Giáo dục lại không lên tiếng vì tình trạng bạo lực học đường, hay việc thày giáo dâm ô nhiều nữ học sinh lớp 3 tới mức các em phải nghỉ học, cô giáo không giảng bài suốt 3 tháng, học sinh bị cô đánh, phạt phản giáo dục, bắt quỳ,... mà lại lên tiếng để đề nghị đổi “học phí” thành “giá dịch vụ đào tạo”.

Cụ thể, trình bày trước Quốc hội sáng 30/5 về các vấn đề của ngành giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề cập việc rút ngắn thời gian đào tạo đại học và đổi cụm từ “học phí” thành “giá dịch vụ đào tạo” nhằm tăng tính tự chủ đối với các trường đại học.

Trong khi đó, các vấn đề nổi cộm của ngành này đang được đông đảo người dân, đặc biệt là những người có con em trong độ tuổi đến trường hết sức quan tâm lại không được nhắc đến.

 

Bộ

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị đổi “học phí” thành “giá dịch vụ đào tạo” trong buổi họp Quốc hội 30/5. Ảnh: Tuổi trẻ. 

 

Chắc hẳn sẽ có ý kiến cho rằng, Bộ trưởng Nhạ trình bày trước Quốc hội về các nội dung sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục đại học nên chỉ đề cập đến các nội dung trong dự thảo chứ không đề cập đến các vấn đề khác là điều bình thường và hợp lý.

Tuy nhiên, lý do trên, nếu có, chỉ là sự chống đối yếu ớt bởi trong một bối cảnh tương tự, tại buổi thảo luận tổ về nội dung này buổi chiều cùng ngày, các đại biểu Quốc hội đều đề cập đến các vấn nạn của ngành giáo dục rất mạnh mẽ.

Đại biểu Nguyễn Thanh Quang (TP Đà Nẵng) nhận định khi các vụ việc như thầy giáo dâm ô học trò, giáo viên không giảng bài nhiều tháng, cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng... không còn là cá biệt nữa thì đã đến lúc cần nhìn thẳng vào sự thật để tìm cách khắc phục.

Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) cũng cho rằng cần xem lại cách hành xử của các giáo viên, đặc biệt là giáo viên khối mầm non, bởi thời gian gần đây xảy ra quá nhiều vụ việc liên quan đến đạo đức.

“Cần đưa vào các quy tắc ứng xử, các chế tài cụ thể đối với đội ngũ giáo viên, đội ngũ làm công tác giáo dục. Chứ bây giờ chỉ quy định là phải có phẩm chất, đạo đức… chung chung thì không rõ”, ông Tuấn nói.

 

 

Có thể thấy nhiều đại biểu Quốc hội đều cùng chung quan điểm rằng chính chất lượng của giáo viên, chất lượng của công tác đào tạo giáo viên, hay là kết quả của Luật Giáo dục Đại học sẽ quyết định phần lớn đến chất lượng môi trường giáo dục sau này.

Vì vậy nên họ đã đề cập đến vấn đề chất lượng đào tạo giáo viên trong cuộc thảo luận về Luật Giáo dục Đại học và coi đấy là vấn đề mấu chốt cần được quan tâm giải quyết chứ không phải chuyện đổi tên gọi “học phí” thành “giá dịch vụ đào tạo” như những gì đang xảy ra ở Bộ Giao thông.

 Vậy còn Bộ trưởng Nhạ? Câu hỏi đặt ra là Bộ trưởng Nhạ không nhìn thấy điều đó nên không đề cập đến khi trình bày trước Quốc hội? Hay Bộ trưởng Nhạ có biết mà không nói ra?

Cũng cần lưu ý rằng, Bộ trưởng Nhạ đã “im hơi lặng tiếng” một thời gian khá dài kể từ khi một loạt các vụ việc liên quan đến ngành này liên tục được báo chí đưa tin như cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau, cô giáo im lặng không giảng bài suốt 3 tháng, thầy giáo dâm ô nhiều nữ học sinh lớp 3 đến mức các em phải nghỉ học, cô giáo bắt học sinh quỳ, vụ trường “ma” GWIS liên kết với hàng chục trường tiểu học - phổ thông trong cả nước,..

 

Sẽ thật là khập khiễng khi so sánh Việt Nam với các cường quốc khác trên thế giới, nơi mà chỉ cần có một trong số các vụ việc trên xảy ra thì người đứng đầu ngành hay người chịu trách nhiệm sẽ phải lên tiếng và tìm biện pháp xử lý vấn đề một cách triệt để. Nhiều quan chức các quốc gia này thậm chí còn xin từ chức hoặc bị buộc từ chức khi trong ngành mình quản lý xảy ra những bê bối khiến xã hội bất bình.  

Tuy nhiên, cũng không cần nhìn lên các quốc gia phát triển thuộc “top đầu” mà chỉ cần so sánh giữa Bộ Giáo dục và Bộ Y tế cũng đã thấy có nhiều sự khác biệt khi ít nhất, Bộ trưởng Y tế cũng xuất hiện tại những điểm nóng của ngành như chỉ đạo công tác cấp cứu các nạn nhân bị lật tàu đường sắt, thăm bác sĩ bị đánh hay tới các điểm dịch để kiểm tra công tác phòng và xử lý dịch bệnh,…

 Vậy nên, không khó để cảm thông với sự bức xúc của dư luận khi Bộ trưởng Nhạ im ắng suốt một thời gian dài như vừa qua!