20/01/2025 | 00:07 GMT+7, Hà Nội

Bố mẹ nên làm gì với tiền mừng tuổi của con?

Cập nhật lúc: 02/02/2019, 12:45

Nên làm gì với tiền mừng tuổi của con là câu hỏi khiến không ít phụ huynh phải “đau đầu” vào mỗi dịp năm mới.

 

Tết có lẽ sẽ là ngày mà những đứa trẻ trông đợi nhất, bởi chúng không chỉ được nghỉ học, được mua cho quần áo mới và được đi chơi, mà còn được nhận được tiền mừng tuổi.

Số tiền trong phong bao lì xì có thể rất ít, nhưng cũng có thể là rất nhiều, thậm chí lên tới mức cả triệu đồng, điều này không thực sự quan trọng bởi nó chỉ mang ý nghĩa lấy hên đầu năm, hy vọng sẽ đem lại may mắn, sức khỏe cho người được nhận lì xì.

Theo phong tục của người Việt, cứ tới giao thừa hoặc mùng 1 là cả nhà sẽ sum vầy, chúc tụng và quây quần bên nhau, trao cho nhau những phút giây vui vẻ.

Đồng thời, cũng vào những ngày đầu năm mới, người lớn thường cho tiền vào lì xì để mừng tuổi cho trẻ với lời chúc sang năm mới, những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với chúng.

  Vào mỗi dịp Tết, người lớn sẽ cho tiền vào lì xì rồi mừng tuổi cho trẻ con, mong cho các con sang năm mới sẽ khỏe mạnh, ngoan ngoãn, học hành tiến bộ. (Ảnh: quatet)
Vào mỗi dịp Tết, người lớn sẽ cho tiền vào lì xì rồi mừng tuổi cho trẻ con, mong cho các con sang năm mới sẽ khỏe mạnh, ngoan ngoãn, học hành tiến bộ. (Ảnh: quatet)

Và ngay sau những ngày xuân, thông thường các con sẽ đưa hết tiền cho bố mẹ. Đây cũng là lúc các gia đình nên suy nghĩ và cân nhắc sẽ làm gì với số tiền mừng tuổi đó.

Bố mẹ nên làm gì với tiền mừng tuổi của con?

Ứng xử thế nào với tiền mừng tuổi của con và làm gì để tận dụng tối đa được cơ hội "vàng" này để dạy con những bài học về nhận thức, cách sử dụng và quản lý tiền bạc là điều vô cùng cần thiết mà các bố mẹ cần phải nắm rõ.

Bởi đây chính là những bài học đầu tiên, tiếp cận với con trẻ một cách dễ dàng, gần gũi nhất để giúp con có thể nhận ra giá trị của đồng tiền và những ý nghĩa đích thực của phong tục lì xì đầu năm.

  Các bố mẹ nên tận dụng cơ hội này để giáo dục trẻ những bài học quý báu về cách ứng xử với đồng tiền.
Các bố mẹ nên tận dụng cơ hội này để giáo dục trẻ những bài học quý báu về cách ứng xử với đồng tiền.

Giúp con quản lý tiền bạc và chi tiêu nếu con còn nhỏ

Giúp con quản lý tiền bạc khi con còn nhỏ là cách mà các bố mẹ có thể cân nhắc sử dụng. Tuy nhiên, có những người quan niệm rằng, tiền lì xì mang ý nghĩa đem lại may mắn cùng những sự vui vẻ cho con nên không được tiêu. Họ giữ lại và thậm chí vẫn để nguyên trong phong bao lì xì rồi cất vào góc riêng, để dạy con biết cách trân trọng phong tục này của người Việt Nam.

Song, đây cũng không phải là điều thực sự cần thiết. Chưa kể, trên thực tế, việc giáo dục này phải được đặt ra từ rất sớm, khi trẻ biết nhận thức những giá trị tốt xấu xung quanh mình. “Đồng tiền liền khúc  ruột” nên càng cần phải cho con biết tới giá trị của nó và cách ứng xử với nó như thế nào. Không có bài học nào quý hơn bằng những bài học từ thực tiễn.

Thay vào đó, các bố mẹ nên "biến" những đồng tiền mà các con được nhận từ người thân trở nên thực sự hữu ích và ý nghĩa hơn bằng cách: Cất toàn bộ số tiền của con vào một con lợn đất như một khoản tiết kiệm nho nhỏ, và đây cũng chính là bài học đầu tiên về đồng tiền mà các bố mẹ dành cho các con của mình.

Sau đó, số tiền này sẽ được phục vụ vào các nhu cầu trong chi tiêu, sinh hoạt của như: mua sắm quần áo, bỉm sữa (đối với trẻ sơ sinh), đồ dùng học tập, xe đạp, khóa học nâng cao, nộp tiền khi con vào đại học... Làm như vậy thì bố mẹ cũng sẽ đỡ được một phần kinh tế cho chính bản thân mình.

Trong trường hợp, nếu bố mẹ không muốn nuôi lợn đất nhưng số tiền lì xì của các con lại khá nhiều thì có thể mở cho con một tài khoản ngân hàng mang tên của con.

 

Qua nhiều năm, số tiền tích cóp được trong ngân hàng cũng là khá đáng kể và lúc này, bạn chỉ cần quán triệt với con về cách sử dụng làm sao để hợp lý số tiền ấy là được. Đây cũng chính là "của để dành" cho con sau này.

Với cách này, nếu con còn quá nhỏ thì thôi, nhưng nếu con đang học cấp 2 thì bạn nên thông báo cho con về tài khoản ngân hàng này để con có ý thức tiết kiệm.

Lên kế hoạch chi tiêu hợp lý cùng con

Thay vì giúp con quản lý tiền bạc, bố mẹ cũng có thể cho con tự giữ số tiền của mình và cùng con lên các kế hoạch chi tiêu. Đừng nghĩ rằng dạy con tiêu tiền quá sớm sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý và định hình sai tính cách của con. 

Trong thời đại hiện này, các bố mẹ có thể nghĩ thoáng hơn một chút, bởi nếu không giúp con quản lý đồng tiền của mình thì sau này, cuộc sống và tính cách của con sẽ rất khó điều chỉnh sao cho đúng, thậm chí nhiều trẻ sẽ tiêu tiền sai cách.

Tuy nhiên đây là một cách khá khó và các bố mẹ phải biết cách vận dụng sao cho đúng.

Điều đầu tiên mà bố mẹ nên làm đó là giao tiền cho con, tất nhiên là chỉ áp dụng với những trẻ đã có nhận thức về tiền và giá trị của đồng tiền. Sau đó, hãy cùng con lập kế hoạch chi tiêu trong suốt cả năm và liệt kê thật cụ thể, chi tiết để con hiểu được tiền nên được sử dụng vào việc nào là hợp lý nhất.

Mỗi ngày, hãy học cách trò chuyện với con, để con hiểu được giá trị của đồng tiền một cách đúng đắn và hãy quan sát thật sát sao khi con sử dụng tiền mừng tuổi để có phương án điều chỉnh kịp thời. 

Một số kế hoạch chi tiêu bằng tiền lì xì của con như:

- Tặng thưởng nếu con đạt được thành tích cao trong học tập.

- Đi du lịch với lớp, với người thân.

- Mua đồ dùng, thiết bị học tập cần thiết...

Với cách làm này, bạn vừa có thể giúp con biết cách sử dụng đồng tiền hợp lý, vừa dạy con biết sống có kế hoạch. Ngoài ra, hãy dạy cho trẻ cách tiết kiệm một khoản nho nhỏ cho riêng mình để con có ý thức về điều này, tránh tiêu xài hoang phí.

Đối với những đứa con đã lớn (đang học cấp 3 hoặc đại học) thì nên để chúng tự lên kế hoạch chi tiêu cho riêng mình chứ không nên giữ tiền lì xì của con. Song cũng đừng bao giờ quên nhắc nhở con không được “ném” những đồng tiền ấy vào những trò chơi vô bổ, lãng phí…

Bởi ở tầm tuổi này, dù con đã nhận thức được về đồng tiền, nhưng lại chưa thể thấu hiểu được sự khó khăn khi kiếm ra đồng tiền như thế nào và tâm lý cũng đang trong giai đoạn chuyển giao khá nhạy cảm nên dễ dàng tiêu tiền sai cách, lãng phí.