19/01/2025 | 10:19 GMT+7, Hà Nội

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất “nới” điều kiện để DN dễ dàng tiếp cận gói 62.000 tỷ

Cập nhật lúc: 02/07/2020, 17:29

“Với gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản trình Chính phủ nới lỏng một số điều kiện, giúp DN dễ dàng tiếp cận. Ngoài ra, Bộ đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ cho phép DN được sử dụng...

“Với gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản trình Chính phủ nới lỏng một số điều kiện, giúp DN dễ dàng tiếp cận. Ngoài ra, Bộ đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ cho phép DN được sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động”.

Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết tại Hội nghị “Các giải pháp tháo gỡ khó khăn về lao động việc làm cho DN do tác động của đại dịch Covid-19”. Hội nghị do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức.

30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Tại hội nghị, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, thị trường lao động Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Số lượng lao động mất việc làm liên tục gia tăng trong khi khả năng tạo việc làm cả trong và ngoài nước đều gặp khó khăn.

Tính đến tháng 6-2020 cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập... Trong đó, số người bị ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỷ trọng lớn nhất với 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng. Lao động khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất với 72%, tiếp đến là khu vực công nghiệp, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Số lao động bị mất việc làm trong 6 tháng đầu năm là 1,4 triệu người. Trong đó, trong đó lao động mất việc làm do các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh phá sản, giải thể hoặc thu hẹp sản xuất gần 900 nghìn người. Lao động mất việc làm tập trung ở các ngành công nghiệp chế biến, lao động ngành bán buôn, bán lẻ, ngành vận tải kho bãi và lao động trong ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống.

Trong khi số lao động mất việc làm liên tục gia tăng thì kết quả giải quyết việc làm trong 6 tháng đầu năm rất thấp (ước tính giải quyết việc làm cho 540 nghìn lao động, đạt 36,5% kế hoạch đặt ra, bằng 76,1% cùng kỳ năm trước), nhu cầu tuyển dụng lao động mặc dù tháng 6 bắt đầu gia tăng so với 5 tháng đầu năm nhưng vẫn rất thấp so với cùng kỳ năm 2019 (tại TP HCM giảm 28%, Hà Nội giảm 23%,...). Đồng thời, một loạt các thị trường lao động lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc,...bị ảnh hưởng bởi dịch Covid nên phải ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam, nhiều đơn hàng tuyển dụng, đơn xuất cảnh lao động đều bị tạm dừng trong 6 tháng đầu năm. 6 tháng đầu năm 2020 mới có 33.500 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (bằng 60,3% so với cùng kỳ năm trước), riêng trong tháng 5 các DN chỉ cung ứng được 126 lao động.

Ảnh minh họa

Hỗ trợ mạnh hơn để DN duy trì sản xuất, kinh doanh

Các ý kiến phát biểu của đại diện DN tại Hội nghị cũng nhấn mạnh tác động trầm trọng đến các DN. “Mặc dù đã phải cho lao động nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, đồng thời ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu DN nhưng tình hình kinh doanh vẫn gặp rất nhiều khó khăn”, ông Đỗ Anh Tuấn, đại diện Tổng Cty du lịch Hà Nội (Hanoitourist) cho biết.

Các ý kiến cũng cho biết, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Tiếp đến ngày 24-4, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 15/QĐ-CP về thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch. Theo đó, DN có cơ hội được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để khôi phục sản xuất, kinh doanh hoặc để trả lương ngừng việc cho người lao động. Người lao động có cơ hội tiếp cận với gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng của Chính phủ cùng các nguồn hỗ trợ khác.

Tuy nhiên các giải pháp phần lớn mới tập trung hỗ trợ người lao động, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Với các DN mặc dù đã có các chính sách như vay vốn để trả lương ngừng việc; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất... nhưng chưa thực sự hỗ trợ nhiều cho DN. Mặt khác do các điều kiện đưa ra quá khắt khe, nên đến thời điểm này, rất ít DN và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ.

Trước thực trạng này, đại diện các DN đều kiến nghị Bộ LĐ-TBXH đề xuất Chính phủ nới lỏng điều kiện, tiêu chí hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng; tiếp tục kéo dài thời gian tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, trước mắt đến hết năm 2020; tăng cường hỗ trợ đào tạo nghề cho lực lượng lao động bị mất việc làm, giúp họ có cơ hội trở lại thị trường lao động.

Ghi nhận phản ánh của DN, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết, xác định các DN, người lao động còn gặp nhiều khó khăn, cần hỗ trợ sớm, trong phiên họp của Chính phủ tới đây sẽ tiếp tục bàn giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ cho DN. Trên cơ sở ghi nhận, lắng nghe ý kiến của DN, Bộ LĐ-TB&XH sẽ đề xuất Chính phủ tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho DN duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm ổn định cho người lao động.

Trước đó ngày 23-6, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã có Tờ trình số 56/TTr-BLĐTBXH gửi Thủ tướng Chính phủ, đề xuất việc ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 13 Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung nhằm tiếp tục hỗ trợ DN và người lao động vượt qua những tác động của đại dịch Covid-19, chia sẻ khó khăn với DN, bảo đảm cuộc sống của nhân dân, người lao động cả nước, góp phần ổn định xã hội, đảm bảo an sinh xã hội trong thời gian tới.