Bộ GTVT xây dựng chương trình hành động thích ứng cách mạng 4.0
Cập nhật lúc: 30/11/2018, 10:10
Cập nhật lúc: 30/11/2018, 10:10
Bộ Giao thông vận tải cho biết, chiều 28/11, tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp về Công tác ứng dụng khoa học công nghệ của ngành giao thông vận tải trong cuộc cách mạng 4.0.
Cùng dự cuộc họp có Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cùng lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan của Bộ GTVT.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, để ứng dụng và thích ứng được cách mạng công nghệ 4.0, trước tiên phải xây dựng được cơ sở dữ liệu ngành GTVT chính xác, công khai, minh bạch và luôn “sống”, nghĩa là phải được duy trì, cập nhật thường xuyên. Cùng đó, phải kết nối số hóa trong công tác quản lý hạ tầng, vận tải, điều hành giao thông, điều hành vận tải để đem lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải theo hướng mở, đón đầu tương lai để điều chỉnh những vấn đề nảy sinh từ công nghệ và duy trì được công nghệ đã áp dụng.
Nhấn mạnh tầm quan trọng việc xây dựng được chương trình hành động thích ứng cách mạng công nghệ 4.0 có ý nghĩa đột phá đối với sự phát triển của ngành GTVT, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu các cục, cơ quan, đơn vị nghiên cứu, đề xuất nội dung chương trình hành động của lĩnh vực, đơn vị mình để Vụ KHCN chủ trì tập hợp, xây dựng đề án. Nội dung đề án cần tập trung vào 3 phần chính gồm: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ kĩ thuật số, nhất là trong quản lý, vận hành, khai thác GTVT, trong đó sử dụng trí tuệ nhân tạo; Kết nối các cơ sở dữ liệu GTVT giữa các cơ quan, đơn vị để dùng chung; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới ở các lĩnh vực GTVT.
Trước đó, theo báo cáo tại cuộc họp của Vụ KHCN, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 còn được gọi là cuộc cách mạng số hóa, thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC),… để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số.
Ngành GTVT hiện có đầy đủ các biểu hiện của các cuộc cách mạng công nghiệp lần 2, 3 và lần thứ 4 như: bước đầu hình thành hệ thống đường bộ cao tốc, áp dụng các công nghệ thông tin, kết nối internet trong cung cấp các dịch vụ vận tải (đặt vé, check-in tàu, máy bay, thu phí tự động...), cung cấp các dịch vụ công qua internet (cấp, đổi bằng lái xe, đăng kiểm), các dịch vụ vận tải trên nền tảng internet như taxi Uber, Grab,... đều chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của cuộc cách mạng lần thứ 4.
Cụ thể, đến nay, Bộ GTVT đã cung cấp 255 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 (165 dịch vụ mức độ 3, 90 dịch vụ mức độ 4). Trong 2 năm 2017-2018, mỗi năm có gần 400.000 hồ sơ được thực hiện theo phương thức trực tuyến trong tổng số 1,6 triệu hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính. Ba năm liên tiếp 2016-2018, Bộ GTVT dẫn đầu về chỉ số dịch vụ công trực tuyến (trong số 20 bộ/ngành) theo đánh giá xếp hạng ICT Index quốc gia.
Bộ GTVT cũng đã ban hành kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của Bộ GTVT đến năm 2020, trong đó có đề xuất các nhiệm vụ chủ yếu gồm: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống dịch vụ công trực tuyến; Xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật CNTT, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử; Xây dựng và hoàn thiện các ứng dụng CNTT phục vụ quản lý, chỉ đạo điều hành của Bộ GTVT; Đảm bảo an ninh, an toàn thông tin mạng.
Để việc triển khai tiếp cận, thích ứng với cách mạng công nghệ 4.0, Bộ GTVT đã xây dựng một số nhiệm vụ như: xây dựng đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Ứng dụng trí tuệ thông minh nhân tạo trong tự động phân tích tình trạng mặt đường (PMS), phân tích lưu lượng giao thông, phân tích thống kê tài sản...; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu bản đồ số ngành GTVT...
00:10, 29/11/2018
03:01, 16/11/2018
21:20, 14/11/2018
11:00, 05/11/2018