Bộ Công Thương tăng cường các biện pháp khuyến khích doanh nghiệp phát triển
Cập nhật lúc: 03/07/2020, 06:40
Cập nhật lúc: 03/07/2020, 06:40
Theo Báo cáo tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết số 01/NĐ-CP ngày 1/1/2020 và tình hình kinh tế xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2020, Bộ Công Thương nhận định, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó khăn cũng là cơ hội để nền kinh tế Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa và triển khai thực chất hơn chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đối tác; giúp các bộ, ngành, doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rõ hơn rủi ro của việc phụ thuộc, tập trung vào một hoặc một vài thị trường, đối tác khi có biến động.
Ảnh minh họa
Theo đó, phải đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế trong từng lĩnh vực, từng ngành hàng trong cả trước mắt và lâu dài, đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa cao về xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản; phát triển nhanh, chuyên sâu một số ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược có lợi thế cạnh tranh.
Đồng thời, thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng trên cơ sở đổi mới sáng tạo, công nghệ, năng lực quản trị và chuyển đổi số, đặc biệt là trong chế biến, chế tạo của khu vực doanh nghiệp Việt; đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng công nghệ trong thương mại nhất là thương mại điện tử.
Qua đó, xây dựng được một nền kinh tế độc lập tự chủ, ít phụ thuộc hơn, khả năng chống và thích ứng với các biến động nhiều hơn. Khơi dậy nội lực trong nước, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam phát triển, khuyến khích hàng hóa do người Việt Nam sản xuất.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, Bộ Công Thương đã tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống.
Cụ thể: Thứ nhất, tập trung khai thác tối đa thị trường Trung Quốc (đang trong giai đoạn có nhu cầu cao hấp thụ hàng hóa để phục vụ người dân trong nước sau giai đoạn cao điểm của dịch bệnh; phía bạn cũng đã và đang triển khai nhiều biện pháp thuận lợi hóa cho thương mại để nhập khẩu hàng hóa phục vụ người dân; Việt Nam lại có nhiều thuận lợi trong xuất nhập khẩu với Trung Quốc...).
Thứ hai, đối với các khu vực thị trường khác, đặc biệt là khu vực châu Âu, Bắc Mỹ... Tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, tập trung xúc tiến thương mại qua hình thức trực tuyến với các thị trường, đặc biệt là các mặt hàng các nước có nhu cầu thực sự.
Thứ ba, cùng với xử lý các vấn đề về thị trường, cần tiếp tục tập trung vào thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Trong đó, Bộ Công Thương xác định trọng tâm là khu vực công nghiệp hỗ trợ và ngay từ bây giờ cần tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo lớn của ta như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ... theo hướng bền vững hơn với một số đối tác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ..., tránh phụ thuộc quá lớn vào một hoặc một số ít đối tác hoặc thị trường.
Thứ tư, thị trường trong nước là động lực quan trọng phục vụ cho tăng trưởng. Cùng với 2 trụ cột khác là đầu tư và xuất khẩu, thì đối với trụ cột quan trọng thứ 3 là thị trường trong nước cần được khai thác và phát huy tốt để phục vụ cho tăng trưởng chung. Mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ta gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn có những cơ hội để thúc đẩy cho khu vực này.
Bộ Công Thương xác định 2 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, đó là, tập trung để bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa trong nước, có phương án để cung cấp phục vụ các địa bàn trên cả nước trong mọi tình huống của dịch bệnh; có phương án đề xuất nhằm kích cầu trong nước trong trước mắt cũng như sau thời kỳ dịch bệnh.
Bộ cũng đã có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại ở thị trường trong nước, thông qua việc chỉ đạo, phối hợp với các nhà phân phối tổ chức các đợt khuyến mại lớn ở các thành phố lớn cũng như các tỉnh thành phố nhằm kích cầu tiêu dùng, khai thác tối đa thị trường trong nước.
Ngoài ra, hiện nay, Bộ Công Thương đang chủ trì phối hợp với các Bộ ngành, đơn vị liên quan triển khai xây dựng Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản nhằm đảm bảo ổn định thị trường đầu ra cho ngành nông sản (bao gồm cả hoạt động xuất khẩu).
Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, về hoạt động xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được hỗ trợ tham gia các chương trình như: Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam; Chương trình Thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam; Chương trình nâng cao năng lực thiết kế, phát triển sản phẩm; Chương trình quốc gia về xúc tiến thương mại.
Qua đó, đã góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp cả về tài chính và kỹ thuật để nâng cao năng lực thiết kế, phát triển sản phẩm; có cơ hội gặp gỡ, tìm kiếm đối tác, kết nối bạn hàng, thâm nhập thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường hệ thống nhận diện thương hiệu, làm cho giá trị thương hiệu của doanh nghiệp ngày càng được nâng cao.
Mặt khác, Bộ Công Thương đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp phân phối trong và ngoài nước tổ chức các sự kiện giao dịch thương mại, các hoạt động kết nối cung cầu; triển khai hướng dẫn các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi phân phối sản phẩm Việt Nam tại thị trường trong nước và vào hệ thống phân phối của các doanh nghiệp phân phối nước ngoài tại Việt Nam và trên thế giới.
12:45, 27/06/2020
16:19, 25/06/2020
06:00, 21/06/2020