19/01/2025 | 10:25 GMT+7, Hà Nội

Bộ Công Thương: Giá xăng Việt Nam ở mức trung bình, đứng thứ 85 thế giới

Cập nhật lúc: 17/06/2022, 06:18

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, so với thế giới, giá xăng tại Việt Nam hiện nay đang ở mức trung bình, hiện xếp hạng thứ 85 trong tổng số 170 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Không có chuyện nhập khẩu xăng từ Malaysia có giá 13.000 đồng/lít

Mới đây, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Trần Việt Thái vừa có công văn gửi Bộ Công Thương về thông tin giá xăng Malaysia 13.000 đồng/lít và muốn bán cho Việt Nam.

Trong công văn này, ông Trần Việt Thái cho biết, do được Bộ Công Thương Malaysia trợ giá, nên giá xăng dầu tại quốc gia tương đối ổn định. Trong đó, xăng RON95 có giá tương đương 11.000 - 13.000 đồng/lít.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương.

Tuy nhiên, ông Thái nhấn mạnh: Giá xăng dầu 13.000 đồng/lít của Malaysia là giá bán nội địa, không phải giá đề xuất xuất khẩu cho phía Việt Nam.

"Đại sứ quán khẳng định lại đây là giá bán nội địa có trợ giá, không phải là giá xuất khẩu, càng không phải là giá do phía Malaysia đề xuất cho nước ta", ông Thái nói.

Trong buổi họp báo thường kỳ diễn ra chiều nay (16/6), ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương một lân nữa nhấn mạnh, không có chuyện nhập khẩu xăng từ Malaysia có giá 13.000 đồng/lít.

Ông Hải phân tích: Hiện nay, tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, trong trường hợp nhập khẩu sẽ tiếp cận xăng dầu với mức giá tương đương nhau.

Ngay cả các doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam cũng không ngoại lệ. Khi nhập xăng dầu về phân phối trong nước sẽ có giá chung của thế giới.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Tất cả các quốc gia trên thế giới sẽ căn cứ  giá xăng tại một sàn giao dịch bất kỳ để nhập khẩu xăng dầu. Việt Nam lựa chọn sàn giao dịch Singapore để tính giá xăng cơ sở. 

Giá xăng tại các sàn giao dịch được công bố hàng ngày (giá MOP), và đây là giá nhập khẩu, không phải giá bán nội địa.

“Do đó, khi doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu ở bất kỳ quốc gia nào, kể cả nhập từ Malaysia, Hàn Quốc hay Singapore thì vẫn áp dụng mức giá trên các sàn giao dịch. Tất nhiên, nếu Malaysia viện trợ không hoàn lại xăng cho Việt Nam, có thể giá xăng sẽ ở mức 13.000 đồng/lít”, ông Hải nói.

Giá xăng Việt Nam đứng thứ 85 thế giới

Trong kỳ điều chỉnh gần đây (ngày 13/6), lần đầu tiên giá xăng trong nước tăng lên ngưỡng 32.000 đồng/lít. Đây là mức giá cao nhất lịch sử.

Tuy nhiên, ông Đỗ Thắng Hải cho rằng, nhìn nhận tổng thể và so với thế giới, giá xăng tại Việt Nam hiện nay đang ở mức trung bình, hiện xếp hạng thứ 85 trong tổng số 170 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Giá xăng Việt Nam đứng thứ 85 thế giới.
Giá xăng Việt Nam đứng thứ 85 thế giới.

“Với mức xếp hạng này, giá xăng ở Việt Nam đang ở mức trung bình, dưới nhiều người, nhưng cũng trên nhiều người. Nhưng nếu so với các quốc gia có biên giới với Việt Nam như Lào, Campuchia hay Trung Quốc, thì giá xăng chúng ta vẫn thấp hơn họ. Đặc biệt, tại Lào, giá xăng rất cao, còn không có xăng để cung ứng ra thị trường”, ông Hải cho biết.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu khó khăn như hiện nay, việc đảm bảo nguồn cung trong nước đã là một áp lực rất lớn đối với ngành Công Thương. Do đó, trước khi có các giải pháp bình ổn giá, phải đảm bảo đủ nguồn cung xăng dầu trong nước.

Liên quan đến các giải pháp bình ổn giá xăng, ông Hải đưa ra 3 giải pháp chính, bao gồm sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn xăng dầu, giảm thuế và tăng thêm các chính sách an sinh xã hội.

Với giải pháp sử dụng linh hoạt quỹ BOG, ông Hải cho rằng, trong thời gian qua, quỹ BOG đã phát huy tối đa tác dụng trong việc kìm chế đà tăng của giá xăng dầu, khiến giá xăng trong nước tăng thấp hơn thế giới.

Với giải pháp giảm thuế, ngay từ đầu, Bộ Công Thương đã có đề xuất giảm hàng loạt thuế, phí liên quan tới xăng dầu. Thực tế, vừa qua Quốc hội cũng đã giảm 50% thuế bảo vệ môi trường, và chắc chắn trong thời gian tới, một số khoản thuế, phí khác như thuế nhập khẩu cũng sẽ được điều chỉnh.

Trong trường hợp 2 giải pháp nêu trên chưa đủ mạnh và chưa thể kìm được đà tăng của xăng, ông Hải cho rằng có thể xem xét giải pháp thứ ba là tăng cường các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp.

“Các giải pháp ngăn chặn đà tăng của xăng dầu đã được Chính phủ, Bộ Công Thương giải quyết rất quyết liệt. Nhưng nếu giá thành vẫn tiếp tục tăng như hiện nay, thì chỉ còn cách tăng các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ những đối tượng, doanh nghiệp sử dụng nhiều xăng dầu để ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Hải nói thêm.

Nguồn: https://congluan.vn/bo-cong-thuong-gia-xang-viet-nam-o-muc-trung-binh-dung-thu-85-the-gioi-post199496.html