20/04/2024 | 17:41 GMT+7, Hà Nội

Biểu đồ chạy xe bị phá vỡ, buýt Hà Nội ngày càng kém hấp dẫn

Cập nhật lúc: 13/07/2019, 03:20

Trong 6 tháng đầu năm 2019, xe buýt có tỷ lệ chậm chuyến từ 10 - 20 phút/lượt lên tới 50 - 60% dẫn đến biểu đồ chạy xe bị phá vỡ, tính hấp dẫn của xe buýt đối với người dân ngày một giảm dần.

Tăng trưởng vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Hà Nội đang có xu hướng không như mong muốn. Trong 6 tháng đầu năm 2019, xe buýt có tỷ lệ chậm chuyến từ 10 - 20 phút/lượt lên tới 50 - 60% dẫn đến biểu đồ chạy xe bị phá vỡ, tính hấp dẫn của xe buýt đối với người dân ngày một giảm dần.

Theo báo cáo của Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội, tăng trưởng vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Hà Nội đang có xu hướng không như mong muốn. Trong 6 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng khách so với cùng kỳ năm 2018 chưa tới 1%. Xe buýt có tỷ lệ chậm chuyến từ 10 - 20 phút/lượt lên tới 50 - 60% dẫn đến biểu đồ chạy xe bị phá vỡ, thời gian chuyến đi kéo dài.

Tuy giá vé xe buýt hiện được bán khá rẻ từ 7.000 - 9.000 đồng/lượt, nhưng giá vé không còn là yếu tố để xe buýt cạnh tranh với các loại hình phương tiện khác. Tính ổn định, hấp dẫn của xe buýt đối với người dân đang ngày một giảm dần.

 
bieu do chay xe bi pha vo xe buyt ha noi ngay cang kem hap dan
Xe buýt Hà Nội đang dần kém hấp dẫn trong mắt người dân thủ đô. Ảnh minh họa.
Ngày 24-6-2019, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Văn bản số 739/TB-UBND thông báo kết luận cuộc họp tập thể lãnh đạo UBND thành phố về việc thực hiện các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng vào năm 2020. UBND thành phố giao Sở Giao thông vận tải Hà Nội chủ trì, phối hợp với các đơn vị xây dựng kế hoạch và lộ trình thay thế xe buýt cũ, gây ô nhiễm môi trường bằng xe buýt chất lượng cao; tăng tần suất hợp lý, tạo thuận lợi cho hành khách... Đồng thời, rà soát để có chính sách vé linh hoạt, khuyến khích sử dụng vé tháng, vé năm; tập trung cải thiện và đổi mới kỹ năng, tác phong giao tiếp của đội ngũ lái xe và nhân viên phục vụ...

Theo ông Dương Thế Bình - Phó Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội), đến thời điểm này, toàn thành phố có 123 tuyến buýt với gần 2.000 phương tiện, bao phủ 100% các quận, huyện, thị xã; 100% các trường học; 86% khu công nghiệp và 90% khu đô thị hiện hữu.

Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố hiện còn gần 30 điểm ùn tắc giao thông, gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động của xe buýt. Ùn tắc giao thông đã khiến nhiều lượt xe buýt phải bỏ chuyến, hoặc quay đầu, dẫn tới biểu đồ vận hành bị phá vỡ. Trên một số trục giao thông chính, tốc độ vận hành của xe buýt phải giảm dưới 20km/h. Đây là những bất cập cần giải quyết nhằm thu hút hành khách sử dụng dịch vụ nhiều hơn nữa.

Là người thường xuyên đi xe buýt từ Hưng Yên sang Hà Nội, chị Nguyễn Thị Luyến (26 tuổi) chia sẻ: "Xe buýt hiện nay chất lượng hơn, độ 'phủ sóng' rộng giúp người dân đi lại dễ dàng, giá vé phù hợp. Tuy nhiên, để xe buýt được nhiều người sử dụng hơn nữa, cần nâng cao chất lượng phục vụ như lái xe, phụ xe thân thiện với hành khách; vệ sinh xe sạch sẽ; đảm bảo an ninh trật tự trên xe cũng như tại các nhà chờ, điểm đỗ”.

Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô, trong giai đoạn 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội sẽ có thêm một số tuyến buýt nhanh - BRT và 8 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 318km. Tuy nhiên, căn cứ tình hình thực tế hiện nay, thì đến năm 2020 thành phố mới chỉ có một tuyến BRT (Kim Mã - Yên Nghĩa) và tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được đưa vào khai thác. Ngoài ra, đoạn tuyến trên cao của Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội cũng sẽ hoàn thành.

Như vậy, đến năm 2030, xe buýt vẫn đóng vai trò chủ lực với tỷ lệ đáp ứng ở mức 15-20%. Vì thế, nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt theo hướng ngày càng an toàn, thân thiện, hấp dẫn hành khách vẫn là nhiệm vụ quan trọng được đặt ra với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và các đơn vị xe buýt của Thủ đô.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/bieu-do-chay-xe-bi-pha-vo-buyt-ha-noi-ngay-cang-kem-hap-dan-7386.html