19/01/2025 | 09:42 GMT+7, Hà Nội

Bệnh thành tích trong giáo dục có chiều hướng gia tăng!

Cập nhật lúc: 02/06/2019, 22:00

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, công tác giáo dục - đào tạo, xử lý gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tiếp tục được nhiều đại biểu đề cập...

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã dành 1,5 ngày để thảo luận đánh giá về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước. Bên cạnh nhiều vấn đề quan trọng khác, công tác giáo dục - đào tạo, xử lý gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tiếp tục được nhiều đại biểu đề cập.

Cần chỉ ra người chịu trách nhiệm về gian lận thi cử!

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho hay, cử tri mong mỏi Bộ GD&ĐT xử lý nghiêm, chỉ ra những thiếu sót trong công tác tổ chức kỳ thi quốc gia những năm qua và người chịu trách nhiệm cụ thể, không thể nói hoàn toàn là lỗi địa phương vì không phải chỉ một mà là nhiều địa phương phát hiện gian lận thi cử trong kỳ thi vừa qua.

Theo đại biểu, mỗi năm một lần, Bộ GD&ĐT thay đổi cách thức thi tốt nghiệp THPT, nhưng càng cải cách kết quả càng kém hơn, nhiều tiêu cực bị phát hiện hơn.

“Nếu phúc tra cả nước, tôi tin sẽ còn rất nhiều vi phạm trong kỳ thi vừa qua. Đây là lỗi hệ thống, lỗi quy trình rất cần có người chịu trách nhiệm trước nhân dân”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) cho hay, tiếp xúc với cử tri trước kỳ họp này, rất nhiều cử tri đã có ý kiến phàn nàn về chất lượng giáo dục, về bệnh thành tích cũng như tiêu cực trong giáo dục. Điều đó cho thấy người dân không những không yên tâm mà còn mất niềm tin.

“Quay lại với sai phạm trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2018, tôi dám chắc Bộ GD&ĐT chưa thấy hết hệ quả tệ hại mà sai phạm đó mang lại. Nó khiến cho xã hội mất niềm tin vào giáo dục nước nhà”, đại biểu nói.

Là người tổ chức kỳ thi do chính mình xây dựng và tiến hành nhưng Bộ không kiểm soát được tình hình. Ngay cả sai phạm khi xảy ra thì không phải Bộ phát hiện mà do một nhóm các thầy giáo ở Hà Nội phát hiện, tố giác rồi Bộ mới vào cuộc.

Nhưng điều đáng nói hơn là khi làm rõ được sai phạm thì việc công khai danh tính của những học sinh và phụ huynh liên quan đến sai phạm thì Bộ không có chính kiến rõ ràng vì cho rằng nào là nhạy cảm, nào là nhân văn, nhưng tất cả những mất mát lớn nhất của vụ việc này là mất đạo đức xã hội.

“Chỉ khi xử lý triệt để vụ này thì mới lấy lại niềm tin của người dân và để người dân tin rằng đất nước này vẫn còn pháp luật. Sau sai phạm năm 2018, Bộ đang nỗ lực cải tiến kỳ thi năm 2019 nghiêm túc và an toàn nhưng ai dám bảo đảm sai phạm đó sẽ không xảy ra?”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nhấn mạnh.

benh thanh tich trong giao duc co chieu huong gia tang
Đại biểu Thái Trường Giang cho rằng, bệnh thành tích trong giáo dục không giảm mà có chiều hướng gia tăng.

Tìm được một học sinh yếu kém khó như mò kim đáy biển!

Đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) cho rằng, những gì đang diễn ra trong thời gian gần đây buộc tất cả chúng ta không khỏi lo lắng: Chất lượng giáo dục không thực chất và bệnh thành tích trong giáo dục không những không giảm mà có chiều hướng gia tăng.

“Những giải pháp của ngành giáo dục hiệu quả thấp, ngành giáo dục không mạnh dạn đối diện với sự thật để làm cho kết quả học tập trở nên thực chất hơn, đúng với thực trạng hơn. Lớp học có 43 học sinh thì có 42 học sinh giỏi và chỉ có duy nhất 1 học sinh loại khá. Nếu tiến hành một cuộc khảo sát nền giáo dục bây giờ tìm được một học sinh yếu kém khó như mò kim đáy biển”, đại biểu nói.

Bên cạnh đó, mối quan hệ của thầy trò ngày càng lỏng lẻo, đạo đức bị suy giảm, đang là hồi chuông cảnh báo. Tiêu cực trong thi cử năm 2018 là giọt nước làm tràn ly, buộc ngành giáo dục phải xem xét và đánh giá lại hiệu quả thực chất của việc nhập 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH. Phải xem lại phương pháp trông thi và chấm thi... nhằm hạn chế thấp nhất tiêu cực trong thi cử.

Nếu như trước kia tiêu cực trong thi cử chỉ diễn ra nhỏ lẻ thì ngày nay chuyển thành gian lận có tổ chức, quy mô lớn hơn, tinh vi hơn và diễn ra ở nhiều địa phương do những người có chức, có quyền, có tiền, có thế lực trong và ngoài ngành giáo dục thực hiện.

“Tôi có thể gọi hành động gian lận thi cử năm 2018 là hành vi ăn cướp, là vô liêm sỉ vì đã đánh mất cơ hội và tương lai của các cháu học thật, thi thật. Hành động gian lận thi cử đang làm băng hoại nền tảng xã hội, nền giáo dục nước nhà.

Tôi đề nghị Chính phủ, Bộ GD&ĐT phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng, trúng, thực chất những tồn tại của ngành giáo dục để có những giải pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để cứu vãn nền giáo dục nước nhà”, đại biểu Thái Trường Giang nhấn mạnh.

Người lớn cần xem lại mình!

Đại biểu Quách Thế Tản (Hoà Bình) nhìn nhận, lối sống buông thả, ích kỷ, thiếu lý tưởng của một bộ phận giới trẻ dường như không còn là hiện tượng cá biệt. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sự gia tăng tội phạm và tệ nạn xã hội ở tuổi vị thành niên.
Theo đại biểu, nguyên nhân có nhiều nhưng có nguyên nhân môi trường giáo dục hiện nay không lành mạnh như xưa và đang có vấn đề chưa ổn. Nhà trường chú trọng dạy chữ, ít quan tâm hoặc thiếu phương pháp hiệu quả để dạy người. Bên cạnh đa số thầy cô giáo mẫu mực, tận tụy, vẫn còn một bộ phận thầy cô giáo vi phạm đạo đức một cách nghiêm trọng như bạo hành học sinh, dâm ô với học sinh hay điển hình là vụ gian lận trong nâng điểm kỳ thi THPT năm 2018 vừa qua.
Môi trường giáo dục trong gia đình đang có những lỗ hổng rất lớn, cha mẹ ít có thời gian dành cho con cái. Còn môi trường giáo dục trong xã hội đang có những bất cập, tồn tại một lối sống buông thả, gian lận trong thương trường và hưởng thụ quá độ trong cuộc sống hiện đại.
“Xã hội tồn tại không ít sự dối trá, nói một đằng làm một nẻo khiến trẻ em mất lòng tin, tệ hại hơn là học theo những thói xấu đó. Vậy 3 môi trường giáo dục trên là do ai tạo ra. Đó là người lớn”, đại biểu nói.

 

Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/benh-thanh-tich-trong-giao-duc-co-chieu-huong-gia-tang-150322.html