19/01/2025 | 10:32 GMT+7, Hà Nội

Không được lên mạng làm xấu môi trường giáo dục: Thế nào là “xấu”?

Cập nhật lúc: 06/05/2019, 07:00

Bộ GD&ĐT vừa ban hành quy định, giáo viên, học sinh không sử dụng mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin hoặc hình ảnh làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục.

 Về quy định này, nhiều ý kiến cho rằng chung chung và gây khó hiểu.

Từ ngày 28/5/2019, Bộ quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục chính thức được áp dụng. Ảnh minh họa: Q.Anh

Từ ngày 28/5/2019, Bộ quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục chính thức được áp dụng. Ảnh minh họa: Q.Anh

Nhiều quy định thầy – trò không được làm

Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT nhằm xây dựng văn hóa học đường; đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 28/5/2019, áp dụng đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người học, cha mẹ người học trong các cơ sở giáo dục.

Quy định chung của Thông tư nêu rõ: Giáo viên, học sinh không sử dụng mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin hoặc hình ảnh trái thuần phong mỹ tục, trái đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục.

Ngoài ra, giáo viên, học sinh không gian lận, dối trá, vu khống, gây hiềm khích, quấy rối, ép buộc, đe dọa, bạo lực với người khác. Không làm tổn hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của bản thân, người khác và uy tín của tập thể. Cán bộ quản lý, giáo viên phải sử dụng trang phục lịch sự, phù hợp với môi trường và hoạt động giáo dục; người học phải sử dụng trang phục sạch sẽ, gọn gàng phù hợp với lứa tuổi và hoạt động giáo dục.

Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư trên, nhiều chuyên gia, giáo viên, học sinh đồng tình về việc cần thiết phải ban hành quy tắc ứng xử trong trường học hiện nay. Từ thực tiễn công tác dạy học lâu năm, thầy Trần Mạnh Tùng, Giáo viên Toán Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, vấn đề bạo lực học đường, xuống cấp đạo đức thầy - trò, các hành vi lệch chuẩn… trong môi trường giáo dục đang ngày càng phổ biến và đáng báo động. Việc ban hành Bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường phổ thông là cần thiết và lẽ ra phải có từ lâu rồi. Vừa qua, Quyết định 1299/QĐ-TTg 2018 của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, đến năm 2020, các nhà trường phải xây dựng được Bộ quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục của mình. Do đó, Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư 06/2019 quy định về Quy tắc ứng xử trong các nhà trường nhằm định hướng và thúc đẩy tiến độ cho các nhà trường.

Quy định chung chung, dễ rơi vào hình thức

Mặc dù ủng hộ, song quy định mới của Bộ GD&ĐT cũng nhận được nhiều phản hồi từ giáo viên, phụ huynh tại một số nội dung. Cụ thể là quy định giáo viên, học sinh được hiểu là không được phép phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin hoặc hình ảnh làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục. Điều này cũng gây khó hiểu, bởi khá “lạ” khi chưa thể phân biệt rõ ràng thế nào là ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục? Hơn nữa, phạm vi và mức độ ảnh hưởng xấu đến giáo dục ra sao cũng chưa có hướng dẫn cụ thể và quy định xử phạt ra sao nếu vi phạm.

“Ban hành quy định để học sinh và cả giáo viên tuân thủ, làm lành mạnh hơn môi trường giáo dục là cần thiết. Song quy định học sinh không được làm xấu môi trường giáo dục là như thế nào tôi cũng chưa rõ để nhắc nhở con. Bộ GD&ĐT cần quy định cụ thể hơn để các cháu học sinh nắm rõ mà không vi phạm, nếu không các cháu dễ bị vi phạm mà không biết, như thế cả nhà trường và phụ huynh cũng lúng túng chưa biết xử lý thế nào khi học sinh mắc khuyết điểm này”, phụ huynh Nguyễn Văn Tuấn (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.

Về quy định nói trên, thầy Trần Mạnh Tùng cho rằng, trước hết phải khẳng định rằng, Luật Giáo dục và các Bộ luật, các quy định khác của ngành Giáo dục chưa bao giờ có điều cấm này. Do đó, quy định còn chung chung, không cụ thể và rất khó áp dụng trong thực tế. Cùng một sự việc nhưng nhìn dưới nhiều khía cạnh khác nhau có thể có các kết luận khác nhau. “Theo quan sát của tôi, chưa có Bộ nào khác có quy định tương tự. Các quy định khác đã đầy đủ, trong môi trường mạng đã có Luật An ninh mạng. Việc Bộ GD&ĐT đưa thêm quy định như trên sẽ gây khó cho các nhà trường, cho giáo viên và học sinh”, thầy Tùng nhận xét.

Cũng theo thầy Trần Mạnh Tùng, cần có quy tắc cụ thể và hướng dẫn chi tiết thì quy định mới đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng. Hiện một số cơ sở giáo dục đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử của riêng mình: Ngắn gọn nhưng rất cụ thể, dễ nhớ, dễ áp dụng. Bộ GD&ĐT cần chi tiết hóa các hành vi ứng xử, các chuẩn mực đạo đức để các nhà trường có cơ sở xây dựng bộ quy tắc cho trường mình. Mốc thời gian 2020 chỉ còn vài tháng, nếu không làm được điều này, mỗi nơi sẽ làm một kiểu, tự phát và có khi phản tác dụng. Bên cạnh đó cũng cần có các chế tài liên quan, thưởng phạt rõ ràng, tránh tình trạng quy định chỉ mang tính khẩu hiệu, hoặc để… tham khảo.

“Bộ Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục được xây dựng trên các nguyên tắc: Tuân thủ các quy định của pháp luật; phù hợp với chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa của dân tộc. Thể hiện được các giá trị cốt lõi: Nhân ái, tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác, trung thực trong mối quan hệ của mỗi thành viên trong cơ sở giáo dục đối với người khác, đối với môi trường xung quanh và đối với chính mình. Bảo đảm định hướng giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, phát triển phẩm chất, năng lực của người học; nâng cao đạo đức nghề nghiệp của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và trách nhiệm người đứng đầu cơ sở giáo dục”.

(Trích Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT, Bộ GD&ĐT).

 

Quang Anh