19/01/2025 | 15:28 GMT+7, Hà Nội

BĐS 24h: Dự thảo Nghị định quản lý vật liệu xây dựng phải gắn liền với thực tế

Cập nhật lúc: 17/10/2020, 19:00

Dự thảo Nghị định quản lý vật liệu xây dựng cần phải gắn liền với tình hình thực tế; thị trường căn hộ bình dân đang nhạy cảm về giá là những tin chính trong bản tin bất động sản hôm nay.

Bộ xây dựng tổ chức lấy ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định quản lý VLXD sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP và Nghị định số 95/2019/NĐ-CP về quản lý VLXD.

Cụ thể, trong nội dung Nghị định 24a và Nghị định 95 đều chưa quy định về việc xây dựng, quản lý chiến lược, kế hoạch phát triển VLXD. Do vậy, cần phải bổ sung nhiệm vụ này vào nội dung công tác quản lý Nhà nước làm cơ sở trong công tác quản lý, hoạch định các chính sách phát triển VLXD bền vững. Hoặc những quy định về chiến lược, kế hoạch phát triển VLXD (Chương II); Yêu cầu đối với dự án đầu tư sản xuất VLXD (Điều 29); Quy định về sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung (Điều 31, Điều 32); Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu VLXD (Điều 36); Các loại dự án nghiên cứu phát triển, đầu tư sản xuất VLXD (Điều 38)... vẫn cần phải có sự điều chỉnh bổ sung.

Triển lãm giới thiệu vật liệu xây dựng. (Ảnh TTXVN)

Theo số liệu thống kê từ Bộ Xây dựng, giá trị sản lượng của ngành công nghiệp VLXD chiếm trung bình khoảng 5 - 7% tổng GDP cả nước. Đặc biệt, có những địa phương giá trị sản xuất VLXD chiếm 10 - 20% tổng sản phẩm trên địa bàn. Trước khi xây dựng dự thảo Nghị định, Bộ Xây dựng đã ban hành văn bản hợp nhất 2 Nghị định: số 24a/2016/NĐ-CP và số 95/2019/NĐ-CP, đồng thời thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao tại Quyết định số 1109/2020/QĐ-TTg xây dựng Nghị định về quản lý VLXD theo trình tự thủ tục rút gọn. Cùng với đó tiến hành nghiên cứu xây dựng đề cương dự thảo, rà soát lại những nội dung của Nghị định hợp nhất, tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện các Nghị định, Thông tư đã ban hành phù hợp với thực tế và quy định pháp luật khác, từ đó đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Nghị định lần này.

Theo KS Hoàng Quốc Trung - nguyên cán bộ Phòng Kinh tế, VLXD (Sở Xây dựng Hưng Yên), thời gian gần đây, ngành công nghiệp VLXD đã đạt bước tiến quan trọng. Để định hướng cho ngành phát triển, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24a/2016/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục lập thẩm định, phê duyệt quy hoạch cũng như năng lực của các tổ chức tư vấn lập quy hoạch... Tiếp đến, Nghị định 95/2019/NĐ-CP được ban hành có quy định chặt chẽ hơn về hoạt động trong lĩnh vực VLXD như: Đầu tư, sản xuất; quản lý chất lượng, kinh doanh; chính sách phát triển tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, năng lượng, thân thiện với môi trường... "Những quy định này bảo đảm cân đối cung - cầu, điều tiết và duy trì sự bình ổn cho thị trường VLXD” – KS Hoàng Quốc Trung nhìn nhận.

Tuy nhiên, KS Hoàng Quốc Trung cũng cho rằng, mặc dù đã góp phần tích cực vào công tác quản lý Nhà nước và phát triển của ngành công nghiệp VLXD nhưng Nghị định số 24a/2016 và số 95/2019 vẫn còn nhiều điểm hạn chế.

Quý III, giao dịch thị trường căn hộ bình dân đang nhạy cảm về giá

Theo chuyên gia Savills, nhu cầu căn hộ bình dân đang tăng nhanh trong khi những dự án có giá 50-60 triệu mỗi m2 đều giảm sự thu hút người mua.

Giá căn hộ trên thị trường sơ cấp trung bình đã tăng 3% theo quý, 10% theo năm, lên đến 1.500 USD (hơn 34,5 triệu đồng) mỗi m2 trong quý III. Giá sơ cấp là giá chủ đầu tư bán trực tiếp ra thị trường, cứ trung bình mỗi năm tăng 5%, theo Savills. Hiện giá tại các dự án ở khu vực vành đai - vốn được xem là rẻ, đang thu hẹp khoảng cách với nội thành. Nguyên nhân là các chủ đầu tư tập trung nâng cấp hạ tầng, tiện ích, đẩy mức giá lên.

Giá căn hộ trên thị trường sơ cấp trung bình đã tăng 3% theo quý, 10% theo năm, lên đến 1.500 USD (hơn 34,5 triệu đồng) mỗi m2 trong quý III. 

Ngược lại, giá tại thị trường thứ cấp có sự giảm nhẹ vì dịch bệnh, khoảng 1% theo quý, xuống còn 1.157 USD một m2. Các nhà đầu tư đang chịu áp lực do giá không tăng như kỳ vọng nên muốn rút ra khỏi thị trường.

Tuy nhiên, báo cáo của Savills cũng cho thấy, cầu giảm do thiếu nguồn cung mới và hàng tồn kho giá cao. Trong quý vừa qua chỉ có 3.100 căn hộ từ 4 dự án mới và giai đoạn tiếp theo của 9 dự án tung bán, giảm 50% theo quý và 60% theo năm.

Trong đó, điểm đặc biệt về giá chung cư Hà Nội trong thời gian qua là giá căn hộ đang thu hẹp giữa khu vực nội thành và ngoại thành. Một số dự án căn hộ ở khu vực Mỹ Đình, dù không phải khu vực trung tâm, giá cũng đã được đẩy lên tới 50 - 60 triệu đồng/m2.

Khảo sát về cuộc sống giãn cách xã hội của Savills gần đây cho thấy, giá và diện tích là các yếu tố chính quyết định việc mua nhà. Chênh lệch giá bán giữa khu vực nội thành và khu vực lân cận ngày càng thu hẹp do nhiều tiện ích được cung cấp để bù đắp cho các bất lợi về mặt vị trí.

Nhận định về thị trường căn hộ bán trong quý IV/2020, Savill cho rằng, khoảng 9.980 căn hộ từ 1 dự án hiện tại và 11 dự án trong tương lai sẽ được ra mắt, hạng B sẽ tiếp tục dẫn đầu. Nguồn cung tương lai ở huyện Gia Lâm đứng đầu với 38% thị phần, Bắc và Nam Từ Liêm với 37% thị phần. Đô thị hóa, tăng trưởng dân số nhanh và giảm quy mô hộ gia đình sẽ góp phần làm tăng nhu cầu nhà ở.

Trong quý IV/2020, sẽ có 2 dự án cung cấp khoảng 470 căn gia nhập thị trường tại huyện Đông Anh và Hà Đông. Dịch bệnh đã buộc nhiều dự án thay đổi thời gian dự kiến mở bán trong năm nay và lùi lại đến năm sau.

BĐS công nghiệp, nguồn cung nhà xưởng xây sẵn tiếp tục tăng nhanh ở các khu vực công nghiệp trọng điểm.

Theo CBRE, nguồn cung nhà xưởng xây sẵn tiếp tục tăng trưởng nhanh ở khu vực công nghiệp trọng điểm ở miền Nam. Dự kiến đến hết năm 2020, tổng diện tích nhà xưởng xây sẵn cho thuê sẽ đạt gần 2,7 triệu m2 (tăng 28,2% so với năm trước) tại các tỉnh và thành phố công nghiệp trọng điểm miền Nam.

Điểm sáng của thị trường BĐS công nghiệp trong ba quý đầu năm tập trung ở nhu cầu mở rộng khả năng lưu trữ và mạng lưới phân phối của các công ty thương mại điện tử và kho vận.

Điểm sáng của thị trường BĐS công nghiệp trong ba quý đầu năm tập trung ở nhu cầu mở rộng khả năng lưu trữ và mạng lưới phân phối của các công ty thương mại điện tử và kho vận. CBRE ghi nhận mức giá chào thuê tại các dự án kho mới của các chủ đầu tư nước ngoài đã tăng 5%-10% so với cùng kỳ năm trước. Đi cùng với đó là nhu cầu tìm kiếm các quỹ đất phát triển cơ sở kho vận tăng cao từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục chiếm lĩnh nguồn cầu cho thị trường nhà kho xây sẵn và đất công nghiệp kho vận trong thời gian tới. Ở các khu vực nguồn cung đất công nghiệp hạn chế, mô hình kho cao tầng cũng đã bắt đầu xuất hiện nhằm tạo ra không gian lưu trữ lớn hơn cho nhu cầu của các công ty thương mại điện tử.

Trong lúc giá thuê đất đã đạt mức cao ở các khu công nghiệp có vị trí đắc địa, việc tìm kiếm nguồn cung đất của khách thuê được mở rộng ra các khu vực xa hơn vùng trung tâm công nghiệp hiện hữu.

Thêm vào đó, các chủ đầu tư bất động sản công nghiệp đang có những thay đổi trong việc phát triển sản phẩm nhằm thích ứng với tình hình mới. Nổi bật là ứng dụng công nghệ vào quản lý và vận hành nhà xưởng, cung cấp các gói dịch vụ bao gồm pháp lý, nhân sự giúp hỗ trợ khách hàng tiết kiệm thời gian và chi phí trong quá trình thực hiện dự án. Điều này đang dần tạo nên một mô hình phát triển bất động sản công nghiệp mới tại Việt Nam tích hợp giữa cung cấp bất động sản lẫn dịch vụ hỗ trợ đầu tư và quản lý.