Bắt tay với nhà đầu tư ngoại: Doanh nghiệp địa ốc Việt sẵn sàng "cuộc chơi lớn"
Cập nhật lúc: 30/03/2019, 19:00
Cập nhật lúc: 30/03/2019, 19:00
Năm 2017, thị trường bất động sản sôi động với những thương vụ rót vốn khủng của nhà đầu tư nước ngoài vào các doanh nghiệp trong nước, cũng như hoạt động hợp tác phát triển dự án của các đối tác trong nước với nhau. Năm 2018, xu thế hợp tác này tiếp tục bùng nổ với nhiều thương vụ lớn.
Bước sang năm 2019, giới quan sát nhận định rằng, xu hướng bắt tay giữa doanh nghiệp địa ốc Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Đây cũng là xu thế tất yếu khi thị trường bất động sản Việt Nam đang trở thành “điểm vàng” trên bản đồ đầu tư đối với doanh nghiệp nước ngoài.
Vị thế của doanh nghiệp bất động sản Việt đang đang nằm ở đâu trong cuộc chơi này? Những thời cơ và thách thức mà doanh nghiệp địa ốc Việt nhận được từ những “cú bắt tay” này là gì? Cà phê cuối tuần sẽ bàn luận về chủ đề này. Xin được giới thiệu các chuyên gia: PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, TS. Đinh Thế Hiển, TS. Nguyễn Trí Hiếu.
PV: Năm 2014, khi thị trường bất động sản khởi động lại một chu kỳ mới sau khoảng thời gian dài đóng băng, xu hướng liên kết với doanh nghiệp ngoại của các ông lớn bất động sản bắt đầu nổi lên mạnh mẽ. Bước sang năm 2018, thị trường bất động sản tiếp tục chứng kiến những cuộc bắt tay giữa doanh nghiệp địa ốc Việt và nhà đầu tư nước ngoài. Các chuyên gia nhận định như thế nào về xu thế này?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Cuộc hợp tác giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp nước ngoài là xu hướng phát triển của thị trường bất động sản trong tương lai. Khi chúng ta đã hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới thì yêu cầu về hợp tác với các quốc gia khác là một đòi hỏi gần như tất yếu.
Việc hợp tác một phần có thể tận dụng được thị trường lớn, một phần tận dụng được khách hàng tiềm năng nước ngoài với thu nhập cao và đem lại hiệu quả trong đầu tư. Đồng thời, nó đáp ứng được trào lưu lớn trên thế giới hiện nay, đó là người dân của các quốc gia muốn mở rộng tầm nhìn, phạm vi của mình đến nhiều quốc gia khác nhau.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng sự bắt tay giữa doanh nghiệp địa ốc Việt và nhà đầu tư nước ngoài là một bước đi thông minh, giúp khai phá được những tiềm năng to lớn của thị trường bất động sản Việt Nam, nâng cao tầm nhìn và vị thế của doanh nghiệp Việt.
Chính vì thế, trong những năm vừa qua, bất động sản trở thành lĩnh vực đứng thứ hai có vốn đầu tư nước ngoài đổ vào, sau ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Những tháng đầu năm 2019, thị trường cũng ghi nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào lĩnh vực bất động sản tăng cao.
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Việc các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam hợp tác với các công ty địa ốc nước ngoài có lẽ là một xu thế bắt buộc. Sở dĩ là bởi thị trường bất động sản Việt Nam đang phát triển mạnh. Đặc biệt, các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang có nhu cầu mua bất động sản lớn thông qua rất nhiều hình thức mà trong đó có thể kể tới xu hướng M&A.
Việt Nam là một thị trường mới nổi. Đây là thị trường mà nhà đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm, hiểu biết. Thế nên, họ có xu hướng hợp tác với doanh nghiệp trong nước. Trong khi đó, vốn là một địa điểm hấp dẫn, giàu tiềm năng nên một số doanh nghiệp nước ngoài đã tiến tới rót vốn hợp tác với các công ty địa ốc Việt để khai thác thị trường này. Đây là xu hướng hoàn toàn tất yếu.
TS. Đinh Thế Hiển: Xu hướng hợp tác giữa doanh nghiệp bất động sản Việt và nước ngoài đã xuất hiện từ xưa. Nhưng đến hiện tại, thị trường bất động sản Việt Nam đã phát triển hơn so với cách đây 10 năm mà điển hình như có rất nhiều dự án quy mô lên tới vài trăm triệu đô la. Con số này đã trở thành phổ biến, tạo sức hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.
Chưa kể, những dự án hiện nay, chi phí đầu tư rất lớn, mà không phải doanh nghiệp bất động sản nào cũng đủ lực để tự phát triển. Thứ hai, các dự án hiện tại cần vốn để phát triển chứ không thể dễ dàng kiếm tiền từ dự án trên giấy như ngày xưa. Điều này buộc doanh nghiệp phải tìm kiếm sự hợp tác mới, kiểm soát chặt chẽ việc huy động vốn trên giấy trong khi đó trước đây, việc giao dịch dễ dàng hơn.
Muốn phát triển dự án tốt, an toàn, nhà đầu tư trong nước cần thu hút dòng vốn nước ngoài vào, dẫn tới những cái bắt tay của doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp nước ngoài.
PV: Như các chuyên gia vừa chia sẻ, xu hướng hợp tác giữa doanh nghiệp địa ốc Việt và công ty nước ngoài là tất yếu. Thưa PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, tại sao doanh nghiệp nước ngoài lại “chuộng” xu hướng hợp tác với doanh nghiệp Việt thay vì đơn phương bước vào thương trường?
PGS.TS: Đinh Trọng Thịnh: Thực tế, các nhà đầu tư nước ngoài đang mong muốn và tìm kiếm sự hợp tác nhiều hơn với doanh nghiệp bất động sản Việt Nam. Bởi, họ nhìn thấy những tiềm năng, dư địa chưa phát triển hết của thị trường bất động sản Việt, đặc biệt là ở phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng và phân khúc cao cấp.
Tuy nhiên, doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư trực tiếp để thu lợi nhuận rất khó bởi họ không am hiểu thị trường. Bên cạnh đó, việc tiếp cận quỹ đất để phát triển dự án cũng là vấn đề tương đối nhạy cảm. Đó là chưa kể ở Việt Nam, Luật Đất đai khác biệt so với các quốc gia khác trên thế giới, lại còn nhiều vấn đề phức tạp chưa được tháo gỡ. Do vậy, các nhà đầu tư nước ngoài nếu thông qua con đường hợp tác với doanh nghiệp Việt để đầu tư bất động sản thì sẽ mang lại hiệu quả cao hơn và tránh được những rủi ro.
Bên cạnh đó, đầu tư bất động sản đòi hỏi lượng vốn tương đối lớn, đồng thời chịu sự tác động của nhiều cơ quan ban ngành khác nhau, đặc biệt là các cấp chính quyền địa phương. Điều này tác động rất lớn đến hiệu quả đầu tư, khác với đầu tư FDI thông thường, sử dụng 100% vốn đầu tư nước ngoài.
Vì thế, hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để tận dụng những quan hệ, cơ sở sẵn có của doanh nghiệp nhằm đầu tư những dự án đảm bảo về mặt pháp lý, đồng thời cũng phải đảm bảo các vấn đề an ninh, xã hội liên quan. Từ đó giúp các dự án hoạt động có hiệu quả trong thời gian dài.
PV: Hợp tác với doanh nghiệp ngoại, những công ty địa ốc Việt sẽ nhận được những cơ hội cũng như thách thức như thế nào, thưa các chuyên gia?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Sự hợp tác đầu tư là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam mong muốn đầu tư vào phân khúc này hay phân khúc khác đặc biệt là phân khúc cao cấp nhưng thiếu vốn hoặc thiếu tầm nhìn dài hạn. Việc hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài có kinh nghiệm và uy tín sẽ giúp cho doanh nghiệp Việt học hỏi được cách thức làm việc, phương án đầu tư lâu dài. Đồng thời, khi hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài đã có tên tuổi cũng góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam và đưa lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam nhiều hơn, doanh nghiệp Việt cũng được mở rộng đối tượng khách hàng của mình.
Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài, bởi nếu chưa đủ tiềm lực và sự bản lĩnh thì việc hợp tác sẽ khó tìm được tiếng nói chung và đi đến những kí kết hiệu quả.
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Dĩ nhiên cơ hội mà doanh nghiệp địa ốc Việt nhận được sẽ lớn nếu như những nhà đầu tư nước ngoài có tiềm năng kinh tế hùng mạnh, có kinh nghiệm về lĩnh vực bất động sản trên thế giới. Việc "bắt tay" sẽ mang lại 3 cái lợi lớn cho doanh nghiệp Việt: Thứ nhất là vốn, thứ 2 là kinh nghiệm quản trị và thứ 3 là khả năng khai thác thị trường.
Về thách thức, tôi cho rằng, đầu tiên là doanh nghiệp có khả năng bị lép vế khi làm việc với nhà đầu tư nước ngoài. Khi công ty địa ốc nước ngoài có năng lực tài chính tốt, hùng mạnh nhưng doanh nghiệp Việt không có bản lĩnh sẽ dễ bị chi phối và chịu thiệt.
TS. Đinh Thế Hiển: Nếu một doanh nghiệp có thương hiệu mạnh, có bề dày phát triển về bất động sản mạnh thì sự hợp tác giúp họ có thêm nguồn lực để phát triển các dự án lớn. Ngoài ra, các công ty địa ốc Việt còn nhận được sự hỗ trợ về kinh nghiệm, công nghệ từ phía nước ngoài.
PV: Khách quan có thể thấy, trước đây, đa số các doanh nghiệp địa ốc Việt dường như vẫn còn trong tư thế chờ đợi nguồn vốn từ nước ngoài đổ về. Tuy nhiên, thời gian gần đây, không ít các doanh nghiệp tự chủ động sang nước ngoài tổ chức các hội thảo để quảng bá, giới thiệu. Điển hình gần đây nhất là thông tin Tập đoàn TMS tiến tới tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư Nhật Bản tại 3 thành phố Tokyo – Osaka và Fukuoka nhằm mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư Nhật Bản nắm bắt những xu hướng đầu tư mới nhất tại thị trường Việt Nam. Các chuyên gia nhận định thế nào về sự chủ động này của doanh nghiệp địa ốc Việt?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bất động sản đang ngày càng khẳng định được vị thế của mình trên thị trường, khi từng bước đưa thị trường bất động sản Việt Nam phát triển vượt bậc. Do vậy, không có lý do gì để họ chần chừ việc chủ động đi tìm đối tác, nhất là khi việc chủ động tổ chức các hội thảo xúc tiến đầu tư ở nước ngoài nhằm tìm kiếm những đối tác phù hợp sẽ mang lại lợi ích lớn. Đó là cách để chúng ta tự quảng bá, tự giới thiệu cảnh quan, tiềm năng của Việt Nam, đồng thời có thể lựa chọn được đối tác hợp tác phù hợp, mang lại lợi ích lâu dài, bền vững khi có sự hợp tác trong tương lai.
Ngoài ra, doanh nghiệp Việt cần nguồn vốn lớn, cần phương thức quản lý cũng như tiềm năng của đối tác khi họ có thể đem đến nguồn khách du lịch cũng như nguồn thu lớn cho các dịch vụ bất động sản. Đó cũng chính là nguyên nhân họ chủ động đi tìm đối tác của mình ở các quốc gia mang tính chất phù hợp.
Đối với nhà đầu tư Nhật Bản, họ vốn có nhiều kinh nghiệm, có cách thức quản lý, quy trình làm việc nghiêm túc, sòng phẳng, minh bạch, mang lại hiệu quả cao. Từ trước đến nay, nhà đầu tư Nhật Bản luôn có tiếng là những người cùng hợp tác mang lại lợi ích đôi bên. Do vậy, việc tổ chức xúc tiến đầu tư nhằm giới thiệu và quảng bá những xu hướng đầu tư bất động sản của Việt Nam cho các nhà đầu tư Nhật Bản để kêu gọi đầu tư là một bước đi đúng đắn và tôi cho rằng sẽ mang lại những tín hiệu tốt cho thị trường trong thời gian tới.
Việc doanh nghiệp địa ốc Việt Nam chủ động sang nước ngoài giới thiệu hình ảnh và xúc tiến các hoạt động đầu tư tại thị trường bất động sản Việt Nam đã cho thấy bản lĩnh, sự tự tin, tính chuyên nghiệp cũng như kinh nghiệm trong việc xúc tiến, kêu gọi hợp tác đầu tư. Trong tương lai, các doanh nghiệp sẽ bắt kịp xu hướng này để hợp tác theo hướng đôi bên cùng có lợi, đưa thị trường bất động sản Việt Nam phát triển bền vững và vươn xa hơn.
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Chính tôi cũng đã từng tham dự một sự kiện của doanh nghiệp địa ốc Việt mang sản phẩm sang Singapore để giới thiệu. Khi đó, cảm nhận của tôi là nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến thị trường của Việt Nam, đặc biệt là bất động sản cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng.
Có lẽ ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư nước ngoài đang tập trung mạnh vào các dự án tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng. Họ quan tâm đến dòng bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản thương mại, bất động sản công nghiệp.
TS. Đinh Thế Hiển: Đây là tín hiệu mang tính tích cực. Muốn thu hút vốn, kinh nghiệm phải có tiếp thị, phải tìm kiếm cơ hội đầu tư mới, nhà đầu tư mới. Ở nước ngoài có nhiều nhà đầu tư tiềm lực, có năng lực tài chính nhưng họ chưa có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu thị trường còn nhiều rủi ro như ở Việt Nam. Đây cũng là thị trường mới, khó đoán định nhưng ngược lại khả năng sinh lời rất tốt. Do vậy, việc chủ động tổ chức các hội thảo, hội nghị xúc tiến đầu tư sẽ giúp cho các dự án bất động sản Việt Nam được nhà đầu tư nước ngoài biết đến nhiều hơn. Đó là điều tốt, đẩy mạnh sự phát triển của thị trường.
- Cảm ơn các chuyên gia!
Thiết kế: Thế Công
Nhật Minh - Thảo Liên
07:40, 26/03/2019
07:00, 16/03/2019
11:52, 03/02/2019