Bật mí 4 vị trí vàng giữ ấm cơ thể cho trẻ trong ngày lạnh
Cập nhật lúc: 05/01/2019, 13:51
Cập nhật lúc: 05/01/2019, 13:51
Khi thời tiết bắt đầu bước vào mùa lạnh, trẻ rất dễ mắc những bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là những bệnh về đường hô hấp và da. Chăm sóc trẻ kỹ lưỡng là việc làm cần thiết và quan trọng của cha mẹ.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, chuyên gia nhi khoa (Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), cứ qua mỗi đợt rét là lượng trẻ nhập viện lại tăng 30-40% ngày thường với các chứng bệnh viêm đường hô hấp phổ biến như viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản, viêm phổi.
“Không phải cứ nhốt trẻ trong nhà, “nhồi” cho trẻ mặc nhiều quần áo ấm là trẻ tránh được bệnh” - PGS Dũng nhận định.
PGS Dũng cho biết, sai lầm thường gặp nhất của cha mẹ là “giữ ấm” quá kỹ, mặc quá nhiều quần áo cho con. Nhiều bà mẹ sau khi cho con nhập viện đều thắc mắc: “Tôi không dám cho con đi đâu, giữ ấm cho con cẩn thận, sao con vẫn bị viêm đường hô hấp vì lạnh?”. Nhưng đó có thể lại chính là "lỗi lớn" khiến trẻ bị lạnh.
“Thân nhiệt của trẻ không như người lớn, lạnh quá hay nóng quá đều khiến trẻ dễ sinh bệnh. Vì sợ trẻ lạnh, cha mẹ thường mặc rất nhiều quần áo cho trẻ, thậm chí còn dán các miếng giữ nhiệt cho trẻ. Khi đó, trẻ dễ ra mồ hôi lưng, ngực, đầu, quần áo ướt sẽ biến thành lạnh, dẫn đến trẻ bị cảm lạnh, viêm phổi” – PGS Dũng cho biết.
Đặc biệt nhiều trẻ sơ sinh, dưới một tuổi nằm trong phòng kín, có lò sưởi vẫn bị quấn trong nhiều tầng lớp quần áo, chăn đệm, rất dễ dẫn đến viêm phổi vì “ấm quá hóa lạnh”. Ngoài ra, ủ ấm quá, trẻ ra mồ hôi dẫn đến viêm da, ngứa ngáy, khiến trẻ khó chịu, bứt rứt.
Lời khuyên cho các bậc bố mẹ là luôn mặc cho trẻ vừa đủ trong phòng, nếu trẻ ra ngoài thì mặc nhiều áo có thể cởi được trong phòng kín để trẻ không mặc quá nhiều quần áo khi ở trong phòng kín.
Nếu phát hiện trẻ ra mồ hôi thì nhanh chóng đưa trẻ vào phòng kín, từ từ lau mồ hôi, cởi bớt áo chứ không nên nhanh chóng thoát hết quần áo của trẻ, trẻ đang nóng lại bị lạnh đột ngột rất nguy hiểm.
Theo PGS Dũng, có 4 vị trí “vàng” của trẻ phải luôn đảm bảo được giữ ấm là Bụng, Chân, Tay, Lưng. “Tôi thường thấy cha mẹ bịt khẩu trang, quàng khăn kín cổ cho con rất cẩn thận vì sợ con hít vào hơi lạnh, bị viêm đường hô hấp. Tuy nhiên, kín miệng mũi, cổ mà bị hở bụng, hở chân, hở tay thì trẻ vẫn dế bị lạnh” - PGS Dũng nhấn mạnh.
Trong những ngày thời tiết giá lạnh, nhiều cha mẹ kiêng không tắm cho con, nhất là trẻ sơ sinh, trẻ dưới 1 tuổi. Tuy nhiên, PGS Dũng cho biết vẫn nên thường xuyên tắm hoặc ít nhất cũng lau người, làm vệ sinh thân thể cho trẻ bằng nước ấm. Vì nếu không tắm, trẻ dễ bị ngứa ngáy, tích tụ vi khuẩn trên da, dễ ốm hơn.
Để việc tắm táp mùa lạnh được an toàn, PGS Dũng khuyên các bậc cha mẹ nên tắm cho trẻ trong phòng kín, nếu có điều kiện nên bật lò sưởi cho phòng ấm trước khi tắm cho trẻ. Nên tắm nhanh và nhanh chóng lau khô, ủ ấm cho trẻ. Ngay cả khi trẻ ốm cũng không nên lười tắm.
Đặc biệt, cha mẹ nên tăng cường thức ăn có dinh dưỡng, thức ăn mềm cho trẻ, tăng cường hoa quả để tăng sức đề kháng cho trẻ chống chọi lại mùa đông.
02:30, 05/01/2019
10:41, 04/01/2019
09:52, 02/01/2019
07:01, 01/01/2019