19/01/2025 | 07:25 GMT+7, Hà Nội

Bất động sản Đà Nẵng vẫn “im lìm” chờ cơ hội chuyển mình

Cập nhật lúc: 04/03/2020, 15:00

Câu chuyện khan hiếm nguồn cung không chỉ xảy ra tại 2 thị trường lớn Hà Nội và TP.HCM mà còn diễn ra tại Đà Nẵng khi thị trường đang thanh lọc gay gắt.

Số liệu tổng hợp của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho thấy năm 2019, thị trường nhà đất ở Đà Nẵng khan hiếm sản phẩm mới, giao dịch chậm, tỷ lệ hấp thụ khoảng 20% - 25% mỗi đợt chào bán, lượng sản phẩm chào bán trên thị trường chủ yếu là hàng tồn kho. Phần lớn các dự án đều vướng các quy định pháp luật dẫn đến tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư, khách hàng.

Ghi nhận thông tin từ một số sàn giao dịch tại Đà Nẵng cũng cho thấy, sự ảm đạm diễn ra ở hầu hết các phân khúc, đặc biệt là sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng. Nguyên nhân có thể kể đến là do tính chu kì của thị trường. Sau 5 năm phát triển mạnh mẽ, nguồn cung lớn đã tạo ra số lượng sản phẩm dư thừa. Tuy vậy, vấn đề khủng hoảng pháp lý còn tồn đọng khiến tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm bất động sản chững lại rõ rệt.

Điển hình là tại thị trường condotel, vào năm 2016, khi nở rộ sản phẩm này thì đã có hơn 4.911 căn condotel được chào bán ra thị trường; tỷ lệ tiêu thụ luôn ở mức cao, lên đến 75%. Tuy nhiên, từ đầu năm 2019, nguồn cung và mức tiêu thụ sụt giảm trầm trọng do không đảm bảo được tính pháp lý, một trong những yếu tố tiên quyết cho đầu ra của sản phẩm bất động sản.

Cùng với đó là sự việc “đổ vỡ” của mô hình này tại dự án Cocobay Đà Nẵng càng khiến cho thị trường bất động sản Đà Nẵng trở nên khó khăn. Nhiều dự án lớn bị đóng băng do những vi phạm về đất đai, đang phải “đắp chiếu” chờ tháo gỡ về pháp lý nên tình trạng hạn chế nguồn cung càng thêm rõ rệt.

Câu chuyện khan hiếm nguồn cung không chỉ xảy ra tại 2 thị trường lớn Hà Nội và TP.HCM mà còn diễn ra tại Đà Nẵng khi thị trường đang thanh lọc gay gắt (Ảnh minh hoạ).

Hiện tượng nhiều chủ đầu tư không thực hiện các cam kết với khách hàng, đơn phương hủy bỏ các thỏa thuận, hợp đồng với khách hàng làm cho thị trường càng thêm khó khăn với các sản phẩm bất động sản hình thành trong tương lai... gây ra tâm lý hoang mang, nhà đầu tư thì co cụm, làm cho thị trường kém sôi động và trầm lắng.

Trước thực trạng khủng hoảng, chính quyền thành phố bắt đầu vào cuộc và siết chặt việc thực hiện thủ tục đầu tư các dự án. Điều này đã làm cản trở tiến trình hoàn thiện pháp lý trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.

Đặc biệt, cuối năm 2019, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng đã trình HĐND Thành phố xem xét ban hành khung giá đất trên địa bàn giai đoạn 2020 - 2024. Theo đó, giá đất tại Đà Nẵng trong 5 năm tới có tỷ lệ tăng bình quân 15 - 20% so với giá đất hiện hành. Cùng với đó, chủ trương của Chính phủ về việc đưa giá tính thuế đất đai tiệm cận với giá thị trường sẽ đẩy chi phí thuế tăng đột biến, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của nhà đầu tư. Những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid - 19 càng khiến cho tình hình trở nên khó khăn hơn.

Thêm nguyên nhân nữa là rất nhiều dự án tại TP Đà Nẵng trong thời gian vừa qua có liên quan đến những vấn đề về pháp lý, nhiều lãnh đạo chính quyền, tổ chức và doanh nghiệp bị đưa ra xử lý vì những vi phạm liên quan đến đất đai bị truy tố.

Ngoài những khó khăn về pháp lý, thị trường bất động sản Đà Nẵng cũng chịu những tác động nhất định từ việc hạn chế nguồn vốn vay để đầu tư kinh doanh bất động sản của Ngân hàng Nhà nước. Thị trường khan hiếm sản phẩm, tất yếu dẫn đến giá bán gia tăng, khiến cho những người có thu nhập thấp càng khó khăn hơn trong việc sở hữu một sản phẩm bất động sản.

Để giải quyết những khó khăn này, các chuyên gia cho rằng chính quyền TP. Đà Nẵng cần nhanh chóng giải quyết dứt điểm sai phạm về đất đai tại các dự án bị ảnh hưởng, để khơi thông nguồn cung và dòng vốn bị ứ đọng tại những dự án này. Cùng với đó, TP cần tập trung hoàn thành phê duyệt Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo cơ sở thu hút các nhà đầu tư.

Kinh nghiệm cho thấy khi có các điều chỉnh quy hoạch, quy hoạch mới sẽ kích thích thị trường bất động sản phát triển. Mặt khác, giới chuyên gia dự báo thị trường Đà Nẵng dù đang chững lại nhưng cũng khó có thể “vỡ bong bóng” hay đóng băng lâu dài. Bởi, thành phố này còn rất nhiều tiềm năng và luôn nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Do đó, có thể nói rằng, đây chính là điểm dừng cần thiết để Đà Nẵng điều chỉnh lại thị trường với các chính sách mới, sẵn sàng cho quá trình phát triển bền vững trong thời gian tới.

Đầu năm 2019, Nghị quyết số 43 về Xây dựng và Phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Bộ Chính trị ban hành, đã xác định mục tiêu: “Xây dựng Đà Nẵng trở thành một thành phố thông minh, sinh thái, đáng sống không chỉ hàng đầu của cả nước mà còn là hàng đầu của khu vực Đông Nam Á; và đến năm 2045 trở thành một trong những thành phố hàng đầu của châu Á nói chung”.

Đây được coi là một “bệ đỡ” chính sách để bất động sản Đà Nẵng tiếp tục hút vốn đầu tư. Đà Nẵng được dự báo tiếp tục là “thỏi nam châm” thu hút mạnh nhà đầu tư. Trên thực tế, thời gian qua nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này từ Singapore, Hoa Kỳ, Nhật Bản… đang đổ vốn vào Đà Nẵng, thị trường này sẽ còn nhiều cơ hội để chuyển mình.