Bất động sản công nghiệp hai miền diễn biến trái chiều
Cập nhật lúc: 13/11/2021, 21:06
Cập nhật lúc: 13/11/2021, 21:06
Trong 5 năm gần đây, bất động sản công nghiệp vẫn tăng trưởng ấn tượng, do Việt Nam đang dần trở thành “bến đỗ” của nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, đặc biệt là quý III vừa qua, việc tái bùng phát dịch COVID-19 với nhiều diễn biến phức tạp đã khiến thị trường này trở nên chao đảo.
Hoạt động giãn cách xã hội kéo dài, chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy, xuất nhập khẩu đình trệ khiến một số doanh nghiệp phải chuyển dịch đơn hàng khỏi Việt Nam để ứng phó với tình hình dịch bệnh. Điều đáng nói là tuỳ vào mức độ ảnh hưởng của COVID-19, bất động sản công nghiệp hình thành nên những bức tranh khác nhau giữa hai miền Bắc – Nam.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tại phía Nam, do ảnh hưởng nặng hơn từ dịch bệnh với số ca nhiễm F0 tăng cao, thị trường cũng trở nên trầm lắng, không có nguồn cung mới và giá thuê không tăng. Toàn thị trường không ghi nhận giao dịch nào đáng chú ý ở cả lĩnh vực đất công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn. Tỷ lệ lấp đầy khoảng 85 - 87%.
Trong khi đó, do kiểm soát dịch tốt hơn, thị trường phía Bắc vẫn ghi nhận sôi động cùng nhiều nguồn cung mới, giá thuê trở lại đà tăng nhanh. Giá đất công nghiệp trung bình toàn khu vực miền Bắc đạt 108 USD/m2, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.
Giá thuê nhà xưởng sản xuất cũng duy trì đà tăng ở mức 4,7% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 4,6 USD/m2 mỗi tháng.
Nguồn cung mới tại miền Bắc được ghi nhận chủ yếu từ khu công nghiệp Phố Nối A (Hưng Yên), khu công nghiệp Yên Phong 2C (Bắc Ninh), khu công nghiệp Nam Đình Vũ (Hải Phòng). Ngoài ra, thị trường ở các tỉnh như Thái Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc cũng có nhiều dự án lớn.
“Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến hấp dẫn nhờ những lợi thế về nguồn nhân lực, các hiệp định thương mại tự do đa dạng và những cam kết của Chính phủ trong việc phát triển hạ tầng. Vì vậy, khi dịch sớm được kiểm soát, bất động sản công nghiệp sẽ là “điểm sáng” của thị trường”, Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông John Campbell, Trưởng bộ phận, dịch vụ bất động sản công nghiệp Savills Vietnam lại đánh giá tương đối khác so với báo cáo của Bộ Xây dựng.
Theo ông John Campbell, về giá thuê và tổng nguồn cung bất động sản công nghiệp tại các tỉnh, thành phố phía Nam vẫn nhỉnh hơn khu vực phía Bắc.
Cụ thể, tại phía Nam, tổng diện tích khu công nghiệp cả vùng đạt 47.057 ha, trong đó, 29.679 ha là tổng diện tích cho thuê. Giá thuê đất bình quân bất động sản công nghiệp phía Nam đạt là 115 USD/m2, tương đương 2,65 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, tại phía Bắc, tổng diện tích khu công nghiệp đạt 20.567 ha, trong đó 13.143 ha được sử dụng cho thuê. Giá thuê bất động sản tại khu vực phía Bắc 100 USD/m2, tương đương 2,3 triệu đồng/m2.
Dù có báo cáo tương đối khác so với Bộ Xây dựng, song ông John Campbell đánh giá rất cao về triển vọng tăng trưởng của bất động sản công nghiệp của cả nước. Vị chuyên gia của Savills khẳng định, kế hoạch mở cửa trở lại của Chính phủ đã củng cố niềm tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
“Việc mở cửa những chuyến bay quốc tế sẽ là một trong những yếu tố tiên quyết cho một năm 2022 thành công, hứa hẹn tình hình phát triển công nghiệp của qúy IV/2021 sẽ khả quan hơn 3 quý đầu năm”, ông John Campbell nói.
Chuyên gia của Savills nhấn mạnh, cùng với kế hoạch mở cửa trở lại, Chính phủ luôn đồng hành, hỗ trợ nhiệt tình các nhà đầu tư nước ngoài, hứa hẹn khả năng phục hồi và thích ứng tuyệt đối của các doanh nghiệp địa phương.
“Điều này sẽ vẽ nên một bức tranh trấn an rằng Việt Nam không chỉ phục hồi mà còn trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết”, chuyên gia của Savills nói.
Nguồn: https://congluan.vn/bat-dong-san-cong-nghiep-hai-mien-dien-bien-trai-chieu-post166506.html
07:00, 29/10/2021
06:15, 23/08/2021
10:15, 18/06/2021