Bao giờ quản được trường mầm non tư thục?
Cập nhật lúc: 21/08/2019, 07:01
Cập nhật lúc: 21/08/2019, 07:01
Bất an chất lượng trường mầm non tư thục
Một sự việc đáng tiếc liên quan đến một cô giáo của cơ sở mần non Maple Bear Westlake Point kỷ luật học sinh bằng cách nhốt học sinh vào tủ, đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về trách nhiệm quản lý các cơ sở tư thục này.
Cụ thể, một phụ huynh phản ánh con chị hiện đang học tại Maple Bear Westlake Point, 24 Quảng Bá về nhà thường xuyên bị hoảng loạn, có biểu hiện sợ đi học. Nhận thấy sự bất thường của con, phụ huynh này đã đến làm việc với nhà trường, đề nghị xem camera của lớp học nhưng bị từ chối.
Sau nhiều lần yêu cầu, nhà trường mới cung cấp cho gia đình đoạn clip trích xuất từ camera lớp học vào ngày 05/8. Trong đoạn clip trường cung cấp, vị phụ huynh phát hiện cô giáo đã nhốt con chị vào tủ, hành động này được thực hiện nhiều lần trong ngày.
Sau khi sự việc xảy ra, chiều ngày 19/8, Trưởng phòng GDĐT quận Tây Hồ (Hà Nội), ông Lê Hồng Vũ cho biết, Phòng đã đến làm việc với nhà trường. Phòng GDĐT quận Tây Hồ cũng đã yêu cầu nhà trường phải đình chỉ công tác giảng dạy đối với cô giáo và tiếp tục gặp gỡ phụ huynh để trao đổi, làm rõ.
Ngày 18/8, Đại diện Maple Bear Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hải đã phải gửi thư xin lỗi tới các phụ huynh vì cô giáo của trường Maple Bear Westlake Point trong hệ thống trường này đã kỷ luật học sinh bằng cách nhốt em vào tủ. Cô giáo nhốt trẻ vào tủ cũng bị xử lý kỷ luật ở mức cao nhất là sa thải.
Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên xảy ra các vụ bạo hành trẻ trường mầm non . Theo thống kê, hàng ngày 4,8 triệu trẻ trên toàn quốc đang đối mặt với nhiều nguy cơ mất an toàn như: thực phẩm bẩn, tai nạn thương tích, bạo hành. Trong khi đó, nhiều tồn tại chậm được ngành giáo dục khắc phục.
Riêng TP HCM hiện có 1.006 trường, trong đó công lập 431 trường. Thành phố có 1.551 nhóm lớp, trong đó còn 121 nhóm lớp chưa được cấp phép và 485 hộ gia đình giữ trẻ.
Còn theo khảo sát của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, khi tiến hành khảo sát nhiều cơ sở mầm non, đặc biệt cơ sở tư thục còn tiềm ẩn quá nhiều nguy cơ không an toàn cho trẻ như: để chất tẩy rửa ngang tầm tay trẻ, ổ cắm điện ở tầm thấp, để xô chậu chứa nước, tủ bàn ghế bố trí chưa hợp lý…
Bao giờ quản được trường mầm non tư thục?
Hầu hết vụ bạo hành đều chưa được xử lý thích đáng. Theo các chuyên gia giáo dục, một trong những nguyên nhân khiến các vụ việc bạo hành trẻ xảy ra, đó chính là đội ngũ giáo viên không đạt chuẩn. Những sinh viên với năng lực xã hội còn yếu, thiếu hiểu biết về kỹ năng, không có tính kiên trì, nhẫn nại với nghề và thiếu tình thương đối với trẻ, thì không thể theo nghề chăm dạy trẻ được. Thực tế, người gây ra các vụ bạo hành trẻ đều là những người không có trình độ, hoặc các cô giáo còn quá trẻ, kém hiểu biết và không kiên trì, nhẫn nại.
Bên cạnh đó, việc “cấp phép” diễn ra tràn lan khiến các trường mần non tư thục mọc lên như “nấm sau mưa” trong khi chất lượng bị thả nổi. Có nơi, việc thẩm định cấp phép chỉ làm cho có, ví như y tế chỉ kiểm tra bếp, không quan tâm đến những nơi tiềm ẩn rủi ro như phòng học, nhà vệ sinh; có nơi cấp phép xong bỏ đấy, hoặc không kiểm tra thường xuyên nên không kịp thời phát hiện những thiếu sót trong việc thực hiện quy chế chuyên môn của cơ sở... Cũng không hiếm lớp, nhóm hoạt động mà chính quyền không hề biết hoặc cố tình không biết.
Theo kết quả giám sát của Ban Văn hóa Xã hội - HĐND TP. Hà Nội, có tói 70 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo chưa được cấp phép thành lập nhưng các cơ sở này vẫn đang hoạt động, tức là hoạt động “chui”. Hơn nữa, một số chính quyền cơ sở chưa chủ động trong việc quản lý, xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập hoạt động trái quy định của pháp luật kể trên.
Cùng đó, gần 23% nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có số trẻ/lớp vượt quá quy định. Cơ sở vật chất ở một số nhóm trẻ, lớp mẫu giáo thường được thuê, cải tạo từ nhà dân, chung cư mini nên chưa hoàn toàn phù hợp với trẻ mầm non, chưa đảm bảo yêu cầu về diện tích l,5m2/trẻ theo quy định, không có sân chơi, phòng học thiếu ánh sáng, chưa đảm bảo điều kiện về công tác phòng cháy chữa cháy; cá biệt còn có nhóm lớp thiếu công trình vệ sinh, bếp ăn chưa đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, chất lượng bữa ăn chưa đảm bảo...
Do đó, khi chưa có phương án giải quyết triệt để, các vụ bạo hành trẻ mầm non vẫn thường kết thúc bằng việc kỷ luật hoặc sa thải giáo viên. Nặng hơn, trường phải đóng cửa, còn trách nhiệm của các cơ quan quản lý, cấp phép vẫn “vô can”, không hề bị kiểm tra, xử lý.
Cùng với tình trạng trường mẫu giáo được mở tràn lan, luật pháp lại chưa đủ nghiêm để ngăn chặn hành vi bạo hành trẻ. Trong nhiều trường hợp, giáo viên chỉ bị xử lý với hình thức cao nhất đuổi việc, thay vì xử lý hình sự.
Bên cạnh đó, vấn đề quản lý cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, đòi hỏi sớm có giải pháp để siết chặt quản lý, đưa hệ thống giáo dục này vào quy củ. Làm thế nào để quản lý tốt các cơ sở giáo dục mầm non này? vẫn là bài toán chưa có lời giải đối với các cấp quản lý nói chung và quản lý giáo dục nói riêng.
Nguồn: https://congluan.vn/bao-gio-quan-duoc-truong-mam-non-tu-thuc-post66760.html
00:54, 21/08/2019
13:00, 12/08/2019
12:00, 11/08/2019
23:00, 10/08/2019