19/01/2025 | 02:33 GMT+7, Hà Nội

Báo động nạn trộm cắp tại các điểm xe buýt trên địa bàn Hà Nội

Cập nhật lúc: 04/11/2019, 15:57

Lợi dụng tình trạng đông hành khách lên xuống xe buýt tại các điểm dừng, đỗ đón, trả khách, các đối tượng đã trộm cắp tài sản.

Theo Công an TP. Hà Nội, các đối tượng trộm cắp tài sản (móc túi) trên xe buýt, tại các điểm trung chuyển xe buýt và các điểm dừng đỗ xe buýt, thường có nhiều tiền án, tiền sự, hoạt động chuyên nghiệp, nghiện hút, sống lang thang. Một số đối tượng đã bị nhiễm HIV/AIDS nên hoạt động manh động, liều lĩnh, sẵng sàng chống trả lại lực lượng Công an khi bị phát hiện bắt giữ.

Thống kê, rà soát của lực lượng chức năng Công an thành phố Hà Nội, trên toàn thành phố có 4 điểm trung chuyển xe buýt, điểm dừng đón, trả khách và 4 tuyến xe buýt phức tạp về tình hình trộm cắp tài sản.

Cụ thể, các điểm trung chuyển xe buýt gồm: Long Biên (phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình); điểm dừng xe buýt trước và đối diện cổng Trường Đại học Giao thông vận tải (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình); điểm xe buýt 162 Nguyễn Văn Cừ (phường Bồ Đề, quận Long Biên); điểm xe buýt 459 Nguyễn Văn Cừ (phường Ngọc Thuỵ, quận Long Biên). Các tuyến xe buýt số 01 (Gia Lâm - Bến xe Yên Nghĩa), số 32 ( Giáp Bát - Nhổn), số 34 ( Mỹ Đình - Gia Lâm) và số 11 (Công viên Thống Nhất - Đại học Nông nghiệp).

Các đối tượng thường lợi dụng tình trạng đông hành khách lên xuống xe buýt tại các điểm dừng, đỗ đón, trả khách để trộm cắp, móc túi (Ảnh: TL)

>Công an Hà Nội cảnh báo trò lừa đảo công nghệ cao qua số điện thoại giả mạo

Phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng này là các đối tượng hoạt động theo ổ nhóm, phân công từ 2 đến 3 đối tượng lên các xe buýt đông hành khách; khi phát hiện hành khách trên xe sơ hở tài sản, các đối tượng sẽ áp sát, tạo cớ chen lấn và che chắn để trộm cắp tài sản (rạch túi, móc túi).

Sau đó các đối tượng nhanh chóng xuống xe và có từ 1 đến 2 đối tượng đi xe máy luôn theo sau các xe buýt này, khi đồng phạm trộm cắp được tài sản sẽ cầm, cất giấu tài sản mà đồng bọn trộm cắp được trên xe và giúp đồng bọn chạy thoát khi bị phát hiện.

Tại các điểm dừng đỗ xe buýt đông hành khách thì các đối tượng giả là hành khách lên xe chen lấn, xô đẩy và móc túi quần, túi áo, ba lô của hành khách để trộm cắp tài sản.

Nếu chúng hoạt động theo ổ nhóm đối tượng thì chúng phân công người che chắn, người trực tiếp trộm cắp tài sản. Khi đối tượng trộm cắp được tài sản nhanh chóng đưa cho đồng bọn cất giấu và nhanh chóng trốn thoát.

Theo lực lượng chức năng, tại các điểm trung chuyển xe buýt và các điểm dừng đỗ xe buýt, thường có nhiều tiền án, tiền sự, hoạt động chuyên nghiệp, nghiện hút, sống lang thang (Ảnh: TL).

Một số đối tượng nhiều tiền án, tiền sự hoạt động manh động khi trộm cắp tài sản của các em học sinh, sinh viên, nếu bị phát hiện thì liền rút dao lam hoặc kim tiêm doạ các em và hành khách xung quanh.

Các đối tượng này thường hoạt động vào giờ cao điểm lưu lượng hành khách đông. Thời gian hoạt động hàng ngày khoảng từ 6 giờ đến 8 giờ; từ 16 giờ đến 19 giờ 30. Có lúc đối tượng lợi dụng khi vắng mặt lực lượng Công an hoạt động trộm cắp công khai, trắng trợn (thời gian từ 12 giờ đến 13 giờ 30).

Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo, trước những phương thức, thủ đoạn phạm tội nói trên, người dân cần đề cao cảnh giác và có các biện pháp tự phòng ngừa, hạn chế tối đa các nguyên nhân, điều kiện mà các đối tượng có thể lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội và sẵn sàng ứng phó trong từng trường hợp cụ thể.