19/01/2025 | 06:54 GMT+7, Hà Nội

Hành khách bị "cưỡng bức đeo kính râm” khi đi xe buýt TRANSERCO

Cập nhật lúc: 30/07/2015, 22:29

Hàng loạt tấm decal quảng cáo cỡ lớn đang trùm kín thân xe của hầu hết các đầu xe thuộc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (TRANSERCO) khiến người đi xe có cảm giác mình bị mờ mắt mỗi khi di chuyển trên các phương tiện vận tải công cộng qua các tuyến phố Thủ đô.

Dịch vụ quảng cáo di động nói trên đang ngày một phát triển, điều đó có nghĩa quyền lợi của hành khách đang bị cắt xén, do sản phẩm vận tải mà tổng công ty này cung ứng ra thị trường không còn nguyên vẹn, bởi các ô cửa sổ xe buýt đã bị bít kín bằng những tấm decal. Hành khách ngồi trong xe như bị cưỡng bức đeo... “kính râm”. 

“Nhà xe” hốt bạc?

Xe buýt ngày càng trở nên phổ biến đối với người dân Thủ đô và các tỉnh lân cận, chất lượng và số lượng phương tiện được cải thiện đáng kể. Gần 1.200 đầu xe hoạt động trên 89 tuyến, hoạt động rộng khắp trên các con đường, khu phố ở Hà Nội. 

Tuy nhiên, những chiếc xe có gam màu đỏ - vàng - trắng vốn quen thuộc này gần đây trở nên lạ lẫm hơn, sặc sỡ hơn khi “trùm” lên mình những tấm decal quảng cáo khổ lớn, với đủ loại sản phẩm, nhãn hàng - từ nước giải khát, bánh ngọt, mỳ gói đến các loại thực phẩm chức năng và vô vàn hình ảnh các sản phẩm khác. 

Diện tích quảng cáo trên thân xe được Xí nghiệp Xe điện Hà Nội, Xí nghiệp Buýt Thăng Long... (thuộc Transerco) tận dụng tối đa, thậm chí còn bị lạm dụng, dán trùm gần kín hết thân xe, chỉ chừa lại phần cửa kính phía trước và sau xe để tài xế nhìn đường và chiếu hậu. Nhiều người đi đường đôi khi còn nhầm lẫn, không hiểu đó là phương tiện vận tải công cộng hay là xe riêng của các hãng sản xuất nước giải khát, các nhà sản xuất phân phối các mặt hàng tiêu dùng nào đó. 

Với tấm decal quảng cáo này, hành khách chắc chắn sẽ mờ mắt khi ngồi trên xe

Với tấm decal quảng cáo này, hành khách chắc chắn sẽ mờ mắt khi ngồi trên xe

Theo tìm hiểu của chúng tôi, quảng cáo theo phương thức này không mấy khó khăn, chỉ cần vào công cụ tìm kiếm trên mạng và gõ từ khóa “quảng cáo trên xe buýt” sẽ thấy rất nhiều công ty cung cấp dich vụ quảng cáo và xây dựng thương hiệu chào mời với nhiều dòng chữ hấp dẫn như: “Dịch vụ tốt nhất, giá cả cạnh tranh, chi phí thấp hiệu quả cao”, “tư vấn miễn phí về xây dựng thương hiệu” hay “thương hiệu của bạn sẽ như một biển quảng cáo di động chạy suốt các tuyến đường hàng ngày, hàng giờ”... 

Theo đó, bên cung cấp dịch vụ quảng cáo sẽ làm “từ A đến Z” cho doanh nghiệp muốn quảng bá thương hiệu, như tư vấn chọn tuyến xe có mật độ lưu lượng cao, lập hồ sơ xin phép quảng cáo, thi công... Mức giá quảng cáo trên thân xe dao động từ 35 - 50 triệu đồng, tùy xe lớn hay nhỏ và tuyến đường lưu thông. Nếu dán tràn kính cả hai bên thân xe, giá lên tới trên 80 triệu đồng/xe/tuyến/năm. 

Chị Vũ Kim Huệ, Trưởng phòng Kinh doanh của một công ty quảng cáo tại Hà Nội cho hay: “Thủ tục không có gì là khó, mất thời gian chủ yếu là chỉnh sửa ma két, thời gian hoàn thiện hợp đồng chỉ từ 3 - 5 ngày”.

Hành khách bị cưỡng bức đeo... “kính râm”

Không thể phủ nhận xe buýt là phương tiện quảng cáo ngoài trời độc đáo so với các loại hình quảng cáo truyền thống. Đây là hình thức quảng cáo “động”, hàng ngàn lượt xe buýt chạy khắp các con đường trong thành phố, mang hình ảnh quảng cáo đến với hàng triệu khách hàng mỗi ngày.

Thông điệp sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp được quảng bá lặp đi lặp lại hàng ngày, hàng giờ trên những tuyến đường đông dân cư sẽ có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 

Nhưng đối với hành khách trên xe thì điều đó là không thể chấp nhận được, bởi người đi xe đã trả tiền để mua dịch vụ vận tải tức là ghế ngồi có tầm quan sát bốn phía ở trên xe... từ doanh nghiệp vận tải. Tuy nhiên, với thực trạng quảng cáo dán kín mít trên hầu hết các dòng xe buýt của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội thì quyền lợi nói trên của hành khách đã bị “nhà xe” này tước mất. 

Chính vì thế, nhiều người đã ví rằng, lên xe buýt ở Thủ đô bây giờ giống như chui vào “cái hòm”, hay giống “xe tù”... Ngoài việc chen lấn, xô đẩy đến ngộp thở, khách đi xe nay lại bị “hành” bởi những decal quảng cáo dán tràn thân xe, cửa kính, thậm chí bịt luôn cả cửa lên xuống. Hành khách bị hạn chế tầm nhìn vì không thể quan sát hai bên đường, việc căn địa điểm để xuống xe cũng bị ảnh hưởng. 

Thực tế trên đã từng xảy ra trên tuyến xe buýt số 32 Giáp Bát - Nhổn, hành khách khi lưu thông qua đoạn đường Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội), một số người vì muốn xuống điểm dừng Bưu điện Cầu Giấy nhưng trước đó không biết mình đang di chuyển đến vị trí nào nên cứ nhấp nhổm chen lên phía trên để nhìn qua kính chiếu hậu nhằm căn đường... 

Luật pháp không cấm quảng cáo trên thân xe buýt, nhưng phải làm đúng quy định. Đừng vì lợi nhuận mà áp đặt sự phiền toái nói trên lên những hành khách đã và đang chọn lựa sản phẩm vận tải của Transerco./.

Không được vượt quá 50% diện tích bề mặt quảng cáo 

“Điều 32 Luật Quảng cáo năm 2012 có quy định: “Sản phẩm quảng cáo không được vượt quá 50% diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của phương tiện giao thông. Việc thể hiện biểu trưng, lô-gô, biểu tượng của chủ phương tiện giao thông hoặc hãng xe trên phương tiện giao thông phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông”. 

Thực tế, một số địa phương đã có những quy định chặt chẽ như chỉ được quảng cáo hàng Việt Nam, ưu tiên hàng chất lượng cao trên xe buýt; nội dung bằng tiếng Việt; hạn chế màu đỏ và các màu trùng lặp với hệ thống biển báo giao thông…

Nếu hình ảnh quảng cáo vượt quá 50% diện tích mỗi bề mặt của thân xe buýt thì rất đáng lo ngại vì nếu có vụ tấn công bên trong xe sẽ gây khó khăn khi quan sát, truy bắt. Đấy là chưa kể khi mở cửa xe sẽ làm hình ảnh quảng cáo bị biến dạng. Người ngồi trong xe rất khó để quan sát điểm dừng, đỗ xe buýt… 

Khoản 4 Điều 8 Luật Quảng cáo còn quy định: “Quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội” là một trong những hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo.” - Luật sư Hà Huy Từ (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội).