22/11/2024 | 02:15 GMT+7, Hà Nội

Bảo đảm an sinh từ nguồn vốn chính sách

Cập nhật lúc: 07/02/2023, 09:30

Nguồn vốn chính sách đã kịp thời đến đúng đối tượng, nhiều hộ kinh doanh, hộ gia đình đã vượt qua khó khăn, ổn định kinh tế, hỗ trợ các địa phương bảo đảm an sinh xã hội....

NHCSXH thành phố Hà Nội giải ngân vốn tại các điểm giao dịch xã
Chủ động đưa vốn chính sách đến với người dân

Theo báo cáo năm 2022, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của ngành, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội các cấp, nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn, triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị và chỉ tiêu kế hoạch được giao, góp phần cùng thành phố thực hiện tốt mục tiêu về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội năm 2022.

Nguồn vốn tín dụng chính sách được chuyển tải kịp thời, sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng thụ hưởng. Đến hết năm 2022, tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt 12.955 tỷ đồng, với 259 nghìn hộ vay vốn, tăng 1.169 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng là 10% và hoàn thành 99,9% kế hoạch tăng trưởng được giao năm 2022.Thông qua các chương trình tín dụng chính sách giải ngân trong năm 2022 đã giúp cho trên 800 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; 90.200 lượt khách hàng vay vốn giải quyết việc làm, góp phần thu hút, tạo việc làm cho 99.300 lao động; hỗ trợ vốn cho 260 lượt HSSV trang trải chi phí học tập, 251 lượt HSSV mua máy vi tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; hỗ trợ kinh phí cho 30.500 hộ gia đình xây dựng mới và cải tạo 61.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; cho vay 105 lượt người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 38.905 lượt người lao động; cho vay 154 lượt cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19…

Bảo đảm an sinh xã hội

Theo Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội Lê Thị Đức Hạnh, “Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách làm quen với tín dụng ngân hàng, thay đổi cơ bản nhận thức trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng vốn có hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập ổn định, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống...” - bà Lê Thị Đức Hạnh khẳng định.

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội phấn đấu năm 2023, bảo đảm đủ nguồn vốn đáp ứng cơ bản nhu cầu vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong đó, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương phấn đấu tăng khoảng 300-600 tỷ đồng so với năm 2022; tích cực đẩy mạnh huy động vốn từ dân cư và các tổ chức kinh tế; nguồn tiền gửi của tổ viên qua tổ tiết kiệm và vay vốn; bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng được giao năm 2023.

Tăng cường hiệu quả hoạt động, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, cơ quan liên quan tham mưu HĐND, UBND thành phố xem xét điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, bổ sung nguồn vốn ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố năm 2023 và giai đoạn 2023-2025, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vay của các đối tượng thụ hưởng và thực hiện tốt Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch của thành phố về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội giai đoạn 2021-2025.

Nguồn: https://baodansinh.vn/bao-dam-an-sinh-tu-nguon-von-chinh-sach-20230206074639.htm