19/01/2025 | 18:20 GMT+7, Hà Nội

Bản tin BĐS 24h: Khánh thành cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long

Cập nhật lúc: 11/10/2020, 19:00

Hà Nội khánh thành cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long; chưa thấy dự án bất động sản công bố giảm giá là nội dung chính trong bản tin BĐS 24 hôm nay.

Hà Nội khánh thành cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long

Ngày 11/10 Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức Lễ khánh thành công trình cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long.

Các đại biểu cắt băng khánh thành dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long

Dự án cầu vượt cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long có tổng chiều dài 5,367 km; trong đó, chiều dài cầu cạn là 4,831 km. Dự án được thiết kế với 04 làn xe theo tiêu chuẩn cao tốc, hai làn dừng khẩn cấp, hai dải an toàn bên trong, giải phân cách giữa…. Tổng vốn đầu tư 5.343 tỉ đồng.

Dự án được chia làm 02 gói thầu xây lắp, gói 01 đoạn từ Mai Dịch - Cổ Nhuế do liên danh Sumitomo - Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco4 thi công; gói 2 đoạn Cổ Nhuế - Nam Thăng Long do liên danh Tokyu – Taisei Corporation thi công. Sau khi phần cầu chính được thông xe, từ tháng 10/2020, 6 nhánh lên xuống cầu sẽ được tiếp tục thi công và hoàn thiện vào tháng 12/2020.

Sau khi đưa vào khai thác, cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long sẽ khép kín đường Vành đai 3 trên cao, góp phần tạo nên một tuyến đường vành đai hiện đại, giải quyết tình trạng ùn tắc trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, các nút giao có lưu lượng lớn như: Hoàng Quốc Việt, Cổ Nhuế...Công trình được kỳ vọng sẽ giải quyết bài toán ùn tắc giao thông ở phía bắc Thủ đô Hà Nội.

Hà Nội: Chưa thấy dự án bất động sản công bố giảm giá

Trong báo cáo thị trường giao dịch bất động sản quý III/2020 vừa công bố, Hội Môi giới  Bất động sản Việt Nam cho biết, tổng lượng sản phẩm được bán trên thị trường hà Nội trong quý III đạt 13.300 sản phẩm, chủ yếu là căn hộ chung cư, giao dịch 2.966/13.300 sản phẩm, tỷ lệ hấp thụ tương đương 22,3%.

Thứ nhất, theo đơn vị này do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến toàn bộ hệ thống của thị trường BĐS Việt Nam. Trong đó ảnh hưởng nghiêm trọng nhất phải kể đến ngành BĐS du lịch - nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng về cuối năm. Thời điểm này, đã thấy dấu hiệu tái khởi động và chào hàng mạnh mẽ của các dự án du lịch nghỉ dưỡng. Điển hình, tại các địa phương như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên…Đặc biệt, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cũng ghi nhận dấu hiệu quan tâm trở lại của các nhà đầu tư trên cả nước.

Thứ hai, sản phẩm tồn kho bán trên thị trường chủ yếu đến từ những dự án căn hộ thuộc phân khúc cao cấp, không nằm ở vị trí đắc địa, dự án xây dựng có giá thành không hợp lý, dự án không đảm bảo chất lượng, cảnh quan, môi trường...

Thứ ba, giá BĐS đang đối mặt với nhiều áp lực. Cụ thể, giá chung cư ở các đô thị lớn bị đẩy lên ngưỡng trần, thậm chí có đôi chút bong bóng. Đặc biệt là phân khúc chung cư cao cấp dẫn đến tỷ lệ tiêu thụ chậm.

Bên cạnh đó, giá đất ở những địa phương trước đây phát triển nóng, nhanh. Dẫn đến đẩy giá đất tăng mạnh, nhiều nơi vượt ngưỡng giá trị thật của thị trường.

Nhìn chung cả nước, trong và sau dịch bệnh, giá bán căn hộ chung cư trung và cao cấp gần như không có nhiều biến động. Giá đất nền tại các dự án do khan hiếm hàng và thuộc dòng sản phẩm được ưa chuộng nên giá loại này có biến động. Dự án thuộc phân khúc bình dân hiện tại giá đã được đẩy lên chạm ngưỡng phân khúc  trung cấp.n

Cảnh báo tình trạng sốt đất Ứng Hòa

Kể từ thời điểm xuất hiện thông tin về việc Hà Nội sẽ xây dựng sân bay quốc tế thứ 2 tại huyện Ứng Hòa, thị trường bất động sản tại đây trở nên sôi sục. Nhiều kênh môi giới bất động sản lợi dụng thông tin trên để kêu gọi các nhà đầu tư gom đất, hưởng lợi từ việc đền bù giải phóng mặt bằng. Trước các thông tin trên, các chuyên gia trong lĩnh vực BĐS cho rằng, đây là cách đầu tư hết sức mạo hiểm.

Thị trường BĐS Ứng Hòa dậy sóng những ngày gần đây

Dẫn chứng cụ thể về việc rủi ro từ việc ôm đất sân bay, ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho hay, cách đây một số năm, TP HCM đề xuất sân bay Long Thành và cũng có hiện tượng sốt đất ảo tại đây. Tương tự tình trạng này hoàn toàn có thể tái hiện ở nơi được chọn làm sân bay thứ 2 tại Hà Nội nếu không được kiểm soát tốt.

Các chuyên gia khuyến cáo, với xu hướng đầu tư BĐS ăn theo hạ tầng, nhà đầu tư cần phải đảm bảo 2 yếu tố. Thứ nhất là thông tin quy hoạch dự án. Thứ hai là ngay cả khi được công bố quy hoạch chi tiết, nhà đầu tư vẫn nên chờ thời điểm dự án chính thức khởi công.

So với nhiều huyện ngoại thành, tại Ứng Hòa thị trường BĐS khá trầm lắng, nhưng chỉ với 1 thông tin chưa được xét duyệt đã thay đổi cục diện, khiến thị trường BĐS ở đây dậy sóng.

Theo đại diện huyện Ứng Hòa, cho đến thời điểm hiện tại, thành phố chưa có văn bản đề nghị huyện giới thiệu vị trí phù hợp để xây dựng sân bay quốc tế thứ 2 tại Hà Nội.