19/01/2025 | 21:08 GMT+7, Hà Nội

Bản tin BĐS 24h: Mức phạt cao nhất 2 tỉ đồng đối với hành vi tái vi phạm TTXD

Cập nhật lúc: 09/10/2020, 19:00

Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất mức phạt cao nhất lên đến 2 tỉ đồng đối với các hành vi tái vi phạm TTXD; cấm sử dụng căn hộ chung cư làm dịch vụ cho thuê theo giờ là những nội dung chính trong bản tin BĐS 24h hôm nay.

Đề xuất mức phạt 2 tỷ đồng đối với các hành vi tái vi phạm TTXD

Theo số liệu báo cáo từ Sở Xây dựng Hà Nội, công tác quy hoạch, quản lý TTXD, trật tự đô thị đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác quản lý TTXD nhiệm kỳ trước tỷ lệ vi phạm chiếm tới 18%, thì từ đầu năm 2020 đến nay đã giảm chỉ còn 2,5%. Mặc dù số lượng công trình xây dựng vi phạm mới có chiều hướng giảm nhưng hình thức vi phạm được đánh giá là phức tạp và khó lường hơn.

Sở Xây dựng Hà Nội vừa công bố Dự thảo lần 3 Nghị quyết Quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, trong đó mức phạt cao nhất lên tới 2 tỷ đồng. Theo dự thảo Nghị quyết này, mức tiền phạt quy định đối với hành vi vi phạm hành chính trong dự thảo nghị quyết bằng 2 lần mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong Nghị định số 139/2017/NĐ-CP. Trong đó, đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

Sở Xây dựng đề xuất mức phạt 2 tỷ đồng đối với các hành vi tái vi phạm TTXD.

Cụ thể, đối với hành vi khởi công xây dựng công trình thiếu mặt bằng xây dựng, thiết kế bản vẽ thi công của hạng mục công trình, biện pháp đảm bảo an toàn, phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng. Khung phạt 2 - 20 triệu đồng đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không che chắn hoặc có che chắn nhưng để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống các khu vực xung quanh hoặc để vật liệu xây dựng không đúng nơi quy định.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, từ đầu năm đến nay, lực lượng chuyên ngành của Sở này đã phát hiện và lập hồ sơ xử lý đối với 237 trường hợp vi phạm mới. Trong đó, 59 trường hợp xây dựng không phép; 92 trường hợp xây dựng sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế; 15 trường hợp xây dựng công trình gây ảnh hưởng đến công trình lân cận, gây ô nhiễm môi trường; 71 trường hợp có các vi phạm khác.

Tuy số lượng vi phạm giảm nhưng mức độ và hình thức vi phạm diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường hơn. Thậm chí các dự án còn có tình trạng tái vi phạm sau khi bị xử phạt.

Phạt tiền 12 - 60 triệu đồng đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp (trừ trường hợp quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 7 Điều này) đối với trường hợp cấp phép sửa chữa, cải tạo.

Với các công trình nhà ở riêng lẻ xây dựng không phép, sai giấy phép xây dựng, khung phạt tiền từ 40 - 120 triệu đồng. Phạt tiền lên tới 240 triệu đồng đối với nhà ở không phù hợp với quy hoạch, vi phạm chỉ giới xây dựng, sai cốt xây dựng, lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, khu di tích lịch sử...

Không những vậy, đối với nhà thầu tiếp tục thực hiện thi công xây dựng công trình mà chủ đầu tư công trình đó đã bị lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Nghị quyết này sẽ bị phạt tiền từ 160 - 240 triệu đồng.

Đặc biệt, Sở Xây dựng Hà Nội cũng kiến nghị mức phạt lên tới 2 tỷ đồng đối với hành vi đã bị xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm trật tự xây dựng mà vẫn tiếp tục sai phạm.

Bộ Xây dựng: Cấm sử dụng căn hộ chung cư làm dịch vụ cho thuê theo giờ

Trước những khó khăn trong quản lý loại hình cho thuê căn hộ chung cư tạo ra kẽ hở để nhiều đối tượng lợi dụng để hoạt động mại dâm, ma túy, tội phạm công nghệ cao... Bộ Xây dựng khẳng định, pháp luật về nhà ở đã có quy định với hành vi sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở như kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.

Cụ thể, tại Luật Nhà ở 2014 đã quy định: Chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quyền sử dụng nhà ở vào mục đích để ở và các mục đích khác mà luật không cấm. Đồng thời nghiêm cấm việc sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở.

Việc cho thuê chung cư theo giờ, ngắn ngày là hành vi vi phạm pháp luật. (Nguồn: Kinh tế môi trường)

Tại Điều 35 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý sử dụng nhà chung cư như tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung của nhà chung cư; gây tiếng ồn quá mức quy định của pháp luật hoặc xả rác thải, nước thải, chất độc hại không đúng quy định của pháp luật; thực hiện các hành vi nghiêm cấm quy định tại Điều 6 của Luật Nhà ở...

"Về chế tài xử lý các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư, tại Nghị định số 139 năm 2017 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà ở và công sở đã có quy định cụ thể việc xử lý các hành vi vi phạm như: sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở; kinh doanh vật liệu gây cháy nổ; kinh doanh vũ trường..."

Mặt khác, theo Bộ Xây dựng, lưu ý tại khoản 3 Điều 48 và khoản 2 Điều 49 Quy chế 02 đã có quy định cụ thể trách nhiệm của UBND cấp phường, quận trong việc giải quyết, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Do vậy, các chủ sở hữu nhà chung cư khi phát hiện có hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư thì cần phản ánh kịp thời đến UBND cấp phường, quận nơi có nhà chung cư để các cơ quan này xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Bộ Xây dựng cũng cho biết, trong phạm vi quyền hạn, trách nhiệm của mình, trong thời gian vừa qua Bộ này đã ban hành nhiều văn bản để đôn đốc, nhắc nhở các địa phương tăng cường thực hiện công tác quản lý Nhà nước trong việc quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư nhằm đảm bảo cho nhà chung cư được an toàn trong quá trình sử dụng.

Ngoài ra, pháp luật nhà ở hiện hành cũng đã có quy định về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc tổ chức thực hiện cũng như xử lý các vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn.

Gỡ vướng 6 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm chậm tiến độ, đội vốn

Liên quan đến kết quả triển khai các công trình, dự án trọng điểm, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, danh mục các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT gồm 50 công trình, trong đó đến nay đã đưa vào khai thác sử dụng 24 công trình. Các công trình đưa vào khai thác đều cơ bản đảm bảo chất lượng theo yêu cầu thiết kế, đáp ứng được nhu cầu của người dân và tạo động lực phát triển kinh tế xã hội và tăng cường bảo đảm an ninh quốc phòng, hiệu quả đầu tư công trình.

Tại Báo cáo số 465, Bộ GTVT cho biết, hiện vẫn còn 6 dự án trọng điểm đang triển khai bị chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư gồm 1 dự án đường bộ là Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Nhóm các dự án đường sắt đô thị bị chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư có 5 dự án (3 dự án do UBND TP. Hà Nội và UBND TP.HCM làm chủ đầu tư là Dự án đường sắt đô thị tuyến số 3 Nhổn - ga Hà Nội, Dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên, Dự án đường sắt đô thị tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương) và 2 dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư là Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông là một trong 6 dự án giao thông trọng điểm bị chậm tiến độ.(Ảnh: VnExpress).

Theo Bộ GTVT, hầu hết các dự án trọng điểm đều là dự án quy mô lớn, đòi hỏi quy trình quản lý, công nghệ thi công phức tạp; có những dự án lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam (các dự án đường sắt đô thị), trong khi chủ đầu tư chưa có kinh nghiệm quản lý thực hiện; năng lực nhà đầu tư, ban quản lý dự án, tổng thầu, nhà thầu, tư vấn còn hạn chế, chưa thực sự chuyên nghiệp… dẫn đến các khó khăn, vướng mắc không được xử lý triệt để, nhiều nội dung phải điều chỉnh, dẫn đến việc thời gian thực hiện bị kéo dài, điều chỉnh làm tổng mức đầu tư.

Bên cạnh đó còn có các nguyên nhân khách quan như: biến động lớn về giá đầu vào cho các công trình xây dựng, tỷ giá hối đoái thay đổi làm tăng tổng mức đầu tư của dự án; công tác xử lý kỹ thuật, xử lý lún kéo dài, điều kiện địa chất phức tạp, thời tiết không thuận lợi ảnh hướng đến tiến độ thực hiện, tăng tổng mức đầu tư các dự án.