19/01/2025 | 16:08 GMT+7, Hà Nội

Bán sách tham khảo trong các nhà trường: “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”

Cập nhật lúc: 21/05/2021, 11:20

Hiện tượng nhà trường trở thành trung tâm tiếp thị sách tham khảo cho các nhà xuất bản đang cho thấy có sự phớt lờ chỉ đạo của ngành giáo dục, đi ngược với chủ trương giảm tải chương trình.

Trăm kế bán sách tham khảo trong nhà trường

Vào cuối năm học, nhiều trường học gửi cho phụ huynh, học sinh phiếu đăng ký mua sách, nhiều tin nhắn gợi ý mua sách trên danh nghĩa tự nguyện. Tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), nhiều trường đã chào mời tới phụ huynh danh mục sách, ngoài sách giáo khoa học sinh bắt buộc phải có còn kèm theo sách tham khảo, sách bổ trợ, sách buổi hai, sách học hè. Số lượng đầu sách được giới thiệu đối với học sinh lên đến hàng chục cuốn, số tiền mỗi phụ huynh bỏ ra để mua cả bộ sách theo gợi ý của các nhà trường có nơi lên đến gần 500 nghìn đồng. Việc làm này diễn ra một cách lộ liễu.

Trong khi đó, tại quận Hà Đông (Hà Nội), nhiều trường mời chào phụ huynh đăng ký mua sách tham khảo diễn ra như “hội kín”. Để tránh bị lộ danh mục sách cần mua, bưng bít thông tin, cô thầy đã dùng tin nhắn gửi tới phụ huynh chào mời mua sách cả bộ cho con học. Tổng giá trị một bộ sách như vậy lên đến 400 - 500 nghìn đồng. Trong khi, theo tìm hiểu của phóng viên, bộ sách giáo khoa chỉ có giá hơn 100 nghìn đồng.

Nếu đưa sách tham khảo vào giảng dạy như sách giáo khoa trong các nhà trường, mục tiêu giảm tải chương trình sẽ thất bại.
Nếu đưa sách tham khảo vào giảng dạy như sách giáo khoa trong các nhà trường, mục tiêu giảm tải chương trình sẽ thất bại.

Việc nhà trường tiếp thị sách tham khảo, bán sách tham khảo tới phụ huynh đã diễn ra nhiều năm qua như một “căn bệnh nan y” cấm chỗ này lại “di căn” chỗ khác. Với mức chiết khấu lên đến 20 -  30% từ các nhà xuất bản thì việc bán sách tham khảo trong các nhà trường trở thành một miếng bánh lớn khiến giáo viên cam tâm tình nguyện trở thành “cò sách” vào những dịp cuối năm học.

Chị Hoàng Thu Hạnh ở Nam Từ Liêm trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận rằng, tất cả việc bán sách trong các nhà trường đều núp bóng chiêu bài tự nguyện. Phụ huynh biết nhưng cắn răng mua. Bởi, những đầu sách như sách bài tập, sách buổi hai nếu không mua đến khi cô thầy dạy nội dung trong các sách này các con sẽ không có tài liệu học tập. “Giáo viên giờ lắm chiêu trò, các em còn nhỏ không thể tránh được các mánh khóe của họ”, chị Hoàng Thu Hạnh nhận xét.

Đồng quan điểm, anh Nguyễn Thành An ở Hà Đông cho rằng, cuối năm học các phụ huynh như anh nhận được tin nhắn đăng ký mua bộ sách cho năm học tới của các con. Nhưng sách nào thì nhà trường lại không thông tin. Biết là bất cập nhưng để các cháu an tâm và tránh bị xem là chống đối nhà trường nên phụ huynh đành đăng ký mua sách. “Trong lớp, đa số phụ huynh đều đăng ký mua sách. Chả ai hỏi hay chất vấn giáo viên về danh mục sách. Bởi, ai cũng hiểu, chất vấn nhiều khi bị nghĩ là mình chống đối, hậu quả con mình phải gánh chịu”, anh An chia sẻ.

Nỗi ám ảnh sợ hãi trẻ bị kỳ thị ở trường nên nhiều phụ huynh đã móc ví mua sách tham khảo từ các nhà trường. Cũng chính vì tâm lý như vậy, nên các nhà xuất bản tận dụng triệt để kênh phân phối sách qua nhà trường đến tận tay phụ huynh. Với mức chiết khấu hấp dẫn, các nhà xuất bản đã biến giáo viên trở thành cánh tay đắc lực cho việc bán sách. Còn phụ huynh học sinh mặc dù tự nguyện mua sách, nhưng thực tế việc mua sách là do áp lực vô hình từ phía nhà trường và giáo viên.

“Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”

Hiện nay, chủ trương của ngành giáo dục là giảm tải chương trình. Học sinh nước ta vốn đã học quá nhiều lý thuyết trong khi việc thực hành hạn chế. Học sinh tiểu học, THCS cần có nhiều hoạt động thực hành để phát triển năng lực. Tránh việc dạy và học nặng lý thuyết, đưa sách tham khảo vào trong nhà trường giảng dạy như sách chính khóa nên Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã cấm việc bán sách tham khảo trong các nhà trường.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng đề nghị đối với sách tham khảo, Bộ GD&ĐT phải sửa đổi, bổ sung quy định không chỉ cấm sách tham khảo trong trường học mà phải cấm mọi hình thức “khuyến khích” đưa sách tham khảo vào trường học. “Nếu không quản lý chặt chẽ sách tham khảo thì sẽ đi ngược lại mục đích giảm tải chương trình giáo dục”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) đã khẳng định, giáo viên không được đưa vào bài dạy các nội dung vượt quá yêu cầu chương trình. Vì nếu các cháu biết nội dung nằm trong sách nào sẽ tìm mua. Giáo viên không được ép, không được khuyến khích học sinh mua sách tham khảo dưới bất cứ hình thức nào. Nhà trường, thầy cô nào thực hiện sai quy định thì cơ quan quản lý địa phương phải có trách nhiệm quản lý. Đặc biệt quy trách nhiệm cho hiệu trưởng.

Bàn luận về thực trạng này, trao đổi với phóng viên, TS. Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam nhấn mạnh, việc bán sách tham khảo trong các nhà trường, trước hết lỗi thuộc về phía nhà trường. Nếu nhà trường không cổ xúy, không móc ngoặc với các nhà xuất bản sẽ không gây sức ép với học sinh. Việc các nhà xuất bản mang sách đến nhà trường để cổ súy cho việc bán sách là không nên. Điều người ta ngại hiện nay chính là sự thông đồng giữa nhà trường và nhà xuất bản ép học sinh phải đọc các sách ấy.

“Sách tham khảo giá khủng khiếp”, vị này nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nêu quan điểm, việc bán sách tham khảo trong nhà trường đã cấm nhưng việc cố tình bán trong nhà trường cần phải xử lý nghiêm khắc. Sách tham khảo không phải sách buộc phải mua. Bộ GD&ĐT đã có ý kiến không được mang vào nhà trường bán. “Nhà trường, thầy cô nào bán sách tham khảo là vi phạm quy định. Trường nào để bán như vậy phải chịu trách nhiệm. Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm cao nhất.

Nhà xuất bản không thực thi quy định của Bộ GD&ĐT cũng không được. Quy định đã rõ ràng, không được bán sách tham khảo trong trường học nhưng các nhà xuất bản vẫn cố làm như vậy là làm liều. Đây là kiểu làm ăn chộp giật “chết dân”. Nhà trường không thể là “chùm khế ngọt” để nhà xuất bản trèo hái mỗi ngày. Điều này chắc chắn không vì học sinh, cũng không vì sự phát triển của giáo dục mà vì túi tiền, vì sự buôn bán lợi ích” – ông Phạm Tất Dong nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Trương Minh Tuấn - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng: “Sách tham khảo chỉ được bán ngoài nhà trường, phụ huynh mua hay không mua là quyền của họ, không thể ép buộc, gợi ý, đưa thẳng vào trong nhà trường để bán. Quan điểm của Bộ GD&ĐT đã cấm thì các nhà xuất bản, các nhà trường bắt buộc phải tuân thủ. Không thể có chuyện “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Điều này, vừa cho thấy năng lực quản lý yếu kém của các cơ quan quản lý vừa bộc lộ tư tưởng bất chấp quy định làm liều của các nhà trường.

Điều này cũng cần tách bạch rõ, không được khuyến khích, tiếp thị đến học sinh trực tiếp trong nhà trường, còn học sinh muốn mua thì tự đi mua, không được bán theo kênh của nhà trường. Để chấm dứt tình trạng này, cần phải có sự chỉ đạo sát sao của ngành giáo dục và làm rõ vai trò của hiệu trưởng nhà trường”.

Như vậy, qua trao đổi với các chuyên gia, Đại biểu Quốc hội đều cho thấy việc bán sách tham khảo trong các nhà trường đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Bộ GD&ĐT. Việc này cần xử lý nghiêm khắc, không thể vừa cấm lại vừa không quản lý để tình trạng bán sách tràn lan và tái diễn qua quá nhiều năm như hiện nay.

Nguồn: https://congluan.vn/ban-sach-tham-khao-trong-cac-nha-truong-trong-danh-xuoi-ken-thoi-nguoc-post134430.html