18/01/2025 | 17:54 GMT+7, Hà Nội

Bài 4: Từ nhận thức tới hành động

Cập nhật lúc: 26/04/2020, 16:29

Hiểu rõ để hành động cho đẹp và hiệu quả, đó là việc mỗi người dân Hà Nội cần làm lúc này để biết mình biết người, vừa dập dịch Covid-19 “trúng và đúng” vừa giữ được nét văn minh trong ứng xử của mình.

Người dân cần chủ động tiếp nhận thông tin nhiều hơn

Thời gian qua, chính quyền các cấp, đặc biệt là báo chí truyền thông đã làm rất tốt công tác tuyên truyền để chống dịch. Các ca bệnh, lịch sử dịch tễ liên tục được cập nhật khiến người dân có thể chủ động khoanh vùng, biết mình có tiếp xúc hoặc có khả năng tiếp xúc với người bị bệnh không để xét nghiệm hoặc cách ly, tránh để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Bên cạnh đó, những biện pháp phòng tránh bệnh như súc miệng, rửa tay sát khuẩn, nâng cao thể lực, các khuyến cáo về tiếp xúc với tay nắm cửa, vật dụng nơi công cộng… cũng giúp cho người dân có thêm kiến thức và phương pháp để giữ gìn, bảo vệ bản thân.

Chúng ta cũng đã kêu gọi, khuyến cáo không nên kì thị, xa lánh những y, bác sĩ, nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch, người nước ngoài hay những người mắc Covid-19.

Trong bức tranh toàn cảnh về chống dịch Covid-19 còn có những điểm vô cùng sáng như người dân, doanh nghiệp góp sức đồng lòng trang bị khẩu trang, nhu yếu phẩm, nước sát khuẩn và bộ đồ chống dịch cho bác sĩ, bộ đội, những người đang ngày đêm cống hiến sức lực, tâm huyết để đẩy lùi dịch bệnh.

Những người nghèo, người mất thu nhập càng ấm lòng hơn khi được phát thực phẩm, nhận gạo từ những “cây ATM gạo” miễn phí… Tất cả những điều đó tạo nên một bầu không khí ấm áp về tình người lúc hoạn nạn, tiếp thêm những niềm hy vọng cho đại cuộc chống dịch sẽ sớm đến ngày mai tươi sáng.

Vậy mà, đó đây vẫn còn những biểu hiện, thái độ kì thị nhân viên y tế, những người trực tiếp khám chữa bệnh, những người nước ngoài và cả người có thể đến từ vùng dịch. Biểu hiện này trở thành một lực cản và cũng là những tiếng thở dài về sự vô cảm, vô ơn, vô tình của người được thụ hưởng những thành quả trong công cuộc dập dịch này.

Niềm vui của người dân nghèo ở Hà Nội khi được tặng gạo miễn phí

Có lẽ, biểu hiện này là do một số người chưa nhận thức được đầy đủ thông tin từ công tác chống dịch. Hầu hết những người khác hiểu biết, tự trang bị cho mình đầy đủ kiến thức, kỹ năng để vững tâm, chuyển chế độ sống, sinh hoạt sang một “chế độ” phù hợp với tình hình dịch bệnh để phối hợp với chính quyền, cơ quan chức năng chống dịch.

Với tâm lý sợ sệt, lo lắng thái quá vì chưa tiếp cận đủ thông tin hoặc thiếu kỹ năng, thiếu sự chuẩn bị tâm lý, một số người tự co mình lại, chĩa sự nghi ngờ sang mọi người và tệ nhất là kì thị những người xung quanh.

“Tránh voi chả xấu mặt nào”, một phụ nữ nuôi con nhỏ ở quận Hoàng Mai chia sẻ như vậy. Suốt từ đầu năm tới nay, chị gần như tuyệt giao với thế giới bên ngoài. Khi cần đi chợ hay đặt đồ online, người bán hàng, người giao hàng không đeo găng tay hoặc cầm hơi lâu đồ giao tới là chị giãy nảy lên, mắng người ta xối xả, không nhận hàng nữa.

Cẩn thận không thừa nhưng cứ thấy chị gói tiền vào viên sỏi ném bịch xuống trước mặt người giao hàng, thả dây kéo đồ lên rồi người giao hàng chưa kịp đi chị đã đuổi quầy quậy người ta, inh ỏi cả xóm, những người xung quanh cũng thấy ngứa mắt, ngứa tai.

Người giao hàng cũng là người lao động, kiếm sống bằng sức lực của mình. Họ cần phải được tôn trọng bằng thái độ chứ không phải chỉ trả vài chục nghìn tiền công là xong. Người Việt ta vẫn kị nhất những việc bị ném vào mặt hay bố thí bằng thái độ khinh khỉnh kẻ cả.

Chẳng biết virus Corona có theo chân những người giao hàng, người xung quanh nhiễm vào chị hay không nhưng bản thân người phụ nữ này đã nhiễm một loại virus khác cũng nguy hiểm không kém. Đó là virus thiếu văn hóa.

Biểu hiện của việc không tự tin

Rõ ràng, người phụ nữ kể trên đã không phân biệt được nguồn bệnh và nguy cơ lây bệnh. Các nhà khoa học sẽ sớm tìm ra vaccine phòng cũng như thuốc chữa virus SARS-CoV-2 và công cuộc chống dịch của toàn cầu rồi cũng đi đến hồi kết. Trong khi virus của sự kì thị này dẫn đến chứng bệnh nan y là ứng xử thiếu văn hóa thì còn tồn tại lâu dài và cần những biện pháp mạnh tay hơn, cũng như quyết tâm quyết liệt hơn từ chính những người trong cuộc.

Trước hết, để có thể sống vui, sống khỏe trong mùa dịch, mỗi người dân Hà Nội cũng như cả nước cần phải tìm hiểu kỹ hơn, chủ động tiếp cận những thông tin hữu ích. Thay vì ngồi sợ bóng sợ gió để rồi nhìn đâu cũng thấy virus, hãy dẹp bỏ nỗi sợ hãi của mình bằng kiến thức và sự lạc quan.

Rõ ràng, virus SARS-CoV-2 có thể xuất hiện khắp mọi nơi, trong không khí, trên cửa, trên ghế, trên khoang máy bay, trên quần áo… nhưng nó chỉ có khi những người nhiễm bệnh đi qua, thở, phát tán ra xung quanh bằng những giọt bắn của mình. Nghĩa là phải có nguồn bệnh thì mới có thể có bệnh, điều này đơn giản như có cây mới có rừng, có nguyên nhân mới có kết quả vậy.

Giữ đúng khoảng cách 2 mét với người khác là một trong những cách để chúng ta phòng, chống lây nhiễm dịch Covid-19

Trong khi đó, Việt Nam cũng như các nước khác thực hiện giãn cách xã hội là để khóa nguồn bệnh, không cho lây lan rộng ra cộng đồng. Đặc biệt tại Hà Nội, ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai và một số ca bệnh có lịch sử dịch tễ phức tạp có thể trở thành nguồn lây nhiễm khó kiểm soát.

Theo đó, nguy cơ lây nhiễm có thể xuất phát từ bất cứ đâu khi có người nhiễm bệnh Covid-19 từng đi tới. Điều đó không có nghĩa là khắp Hà Nội, trong không khí, tại các khu dân cư hay cứ người nào đối diện tiếp xúc gần cũng có thể lây cho chúng ta.

Chúng ta nhìn mỗi người đều coi đó là nguy cơ để giữ khoảng cách, tránh tiếp xúc gần, nâng cao cảnh giác, bảo vệ mình và mọi người khi chúng ta không chắc có vô tình tiếp xúc với người nhiễm bệnh hay không. Bằng cách đó, chúng ta kiểm soát tốt nguồn và nguy cơ lây nhiễm, không để cho virus “lang thang” và tự do tấn công chúng ta.

Cũng giống như một đoạn đường người ta treo biển “đề phòng cướp giật” cũng là để nhân dân cảnh giác, giữ đồ của mình chứ không phải người nào đi qua đây hay xuất hiện ở đây cũng là kẻ cướp.

Ai cũng có quyền nghi ngờ người khác trong ý nghĩ của mình nhưng nếu biểu hiện thành những thái độ, hành động kì thị một cách sỗ sàng, vỗ mặt thì rõ ràng chúng ta đang không tự tin vào chính mình. Không tự tin khi không có kiến thức về dịch bệnh. Không tự tin với những biện pháp chống dịch của chính quyền và càng không tự tin với nền tảng văn hóa ứng xử trong con người mình.

Qua cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau, khi có khó khăn mới biết ai là bạn hữu, đặt mỗi người vào hoàn cảnh cụ thể mới biết bản chất con người họ như thế nào. Kì thị người khác khi dịch bệnh diễn ra là biểu hiện cao nhất của sự ích kỉ, chỉ biết vì bản thân mình, không quan tâm đến cộng đồng, phủ nhận nỗ lực chung.

Biểu hiện ấy cần phải được xóa bỏ ngay để tránh gây bất ổn xã hội, cho chúng ta cuộc sống an nhiên, lành mạnh trong bất kì hoàn cảnh khó khăn nào. Có như thế, người Hà Nội mới phát huy được nền tảng văn hóa vững chắc của mình, góp công sức cho ngày chiến thắng dịch bệnh không còn xa.

(Còn nữa)