25/11/2024 | 05:16 GMT+7, Hà Nội

Bài 3: Tình nguyện sẻ chia những giọt máu đào

Cập nhật lúc: 25/04/2020, 14:29

Dù thời tiết nồm lạnh, nắng mưa thất thường và dịch Covid-19 hoành hành nhưng nhiều người trẻ ở Thủ đô Hà Nội vẫn hăng hái đi hiến những giọt máu quý giá của mình. Họ mong muốn được sẻ chia, cứu giúp bệnh nhân nghèo.

Chiến sĩ cảnh sát 38 lần hiến máu

Trung tá Nguyễn Xuân Trường, Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã từng có 38 lần hiến máu tình nguyện. Trong đó 37 lần anh hiến máu toàn phần và một lần hiến tiểu cầu.

Anh Trường biết đến phong trào hiến máu tình nguyện từ những chương trình phát động của Đoàn Thanh niên, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. “Lần đầu tiên đi hiến máu, thủ trưởng nhìn thấy mình gầy quá nên không đồng ý. Mình đã phải đi vào khu vực hiến máu bằng cửa sau để “tránh” thủ trưởng. Khi kiểm tra cân nặng thì vẫn đủ và đảm bảo được các yêu cầu của người cho máu nên mình hiến 250ml”, anh Nguyễn Xuân Trường chia sẻ.

Kể từ lần đầu tiên ấy, năm nào anh cũng hiến máu. Có hôm tình cờ vào Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương nghe các y, bác sĩ nói đang thiếu tiểu cầu, anh sẵn sàng chia sẻ tiểu cầu của mình. Mỗi lần cơ quan, tổ chức Đoàn Thanh niên, lực lượng công an phát động hiến máu, anh luôn có mặt. Thậm chí tranh thủ trong quá trình làm việc hoặc ngày nghỉ, tiện trên đường đi có địa điểm hiến máu lưu động, anh cũng dừng xe lại tham gia.

Vừa qua, Trung tá Trường có mặt trong hành trình “Giọt máu nghĩa tình” do Công an thành phố Hà Nội phát động và được trao tặng danh hiệu Người tốt việc tốt ngành Công an nhân dân.

Trung tá Nguyễn Xuân Trường 38 lần hiến máu tình nguyện

Dù công việc của chiến sĩ cảnh sát hình sự rất đặc thù nhưng khi phát động chương trình hiến máu, Trung tá Trường sẵn sàng đăng ký tham gia. Lý do hiến máu của anh đơn giản chỉ là cứu người. Tham gia các chương trình hiến máu, ngoài niềm vui khi cùng anh em, đồng đội thực hiện nghĩa cử cao đẹp, anh còn thấm thía hơn việc làm nhân ái của mình. Anh Trường cho rằng, mỗi lần cho máu sẽ có người bệnh được cứu sống. Đó là điều khiến anh thấy hạnh phúc và cũng là động lực để tiếp tục cống hiến.

Theo Trung tá Nguyễn Xuân Trường, hiến máu tình nguyện là dịp để mỗi người, đặc biệt là bạn trẻ, chiến sĩ Công an nhân dân phát huy tinh thần tình nguyện vì cộng đồng, trách nhiệm với nhân dân.

Anh Trường chia sẻ: “Sau nhiều lần hiến máu sức khỏe của mình luôn ổn định, không ảnh hưởng gì đến công việc. Mình sẽ tiếp tục hiến máu cho đến khi không thể hiến được nữa mới dừng lại, để có thể góp sức cứu giúp bệnh nhân và lan tỏa hình ảnh đẹp của người chiến sĩ công an vì nước, vì dân”.

Càng vui hơn khi anh hiểu hiến máu không chỉ cứu chữa cho người bệnh mà mang lại sức khỏe cho chính người hiến. Người hiến máu có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, ung thư... Mỗi lần hiến máu cũng là cách để kiểm tra và tự giám sát sức khỏe của mình. Khi tham gia hiến máu, người hiến được khám, tư vấn sức khỏe, được xét nghiệm một số bệnh về máu...

Phòng chống nCoV từ những giọt máu đào

Trong những ngày dịch Covid-19 hoành hành, chị Lê Hoài Thương (trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) vẫn không quản ngại nỗi lo dịch bệnh, đến Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương hiến những giọt máu đào của mình cho ngân hàng máu dự trữ.

Các bạn trẻ Thủ đô tình nguyện hiến những giọt máu đào cứu người bệnh

Năm nay, chị Thương 35 tuổi là mẹ của hai con nhỏ nhưng vẫn hăng hái tình nguyện tham gia. Chị kể, lần đầu tiên tham gia hiến máu là năm 2015 khi con trai đầu lòng của chị được 4 tuổi. Đến nay, dù trải qua hai lần sinh nở, chị Lê Hoài Thương vẫn đăng ký hiến máu.

Chị chia sẻ: “Có một thời gian dài, mình nuôi con nhỏ không đủ điều kiện sức khỏe để hiến máu. Đến năm nay, con thứ hai đã được 3 tuổi, mình cũng khỏe hơn và đủ sức hiến máu. Điều này khiến mình rất vui”.

Lại bắt đầu hành trình hiến máu tình nguyện, chị Thương bày tỏ, mỗi giọt máu cho đi là chia sẻ yêu thương đến mọi người. Vì vậy, dù trong hoàn cảnh nào, người phụ nữ này cũng luôn cố gắng để đóng góp những giọt máu nghĩa tình của mình cho người cần đến nó.

Dịp này, chị Thương thường xuyên theo dõi trên các phương tiện truyền thông đại chúng biết được lượng máu dự trữ đang thiếu trầm trọng vì nhiều người lo ngại dịch Covid-19 nên ít tham gia hiến máu. Vì vậy, nguồn máu cần tiếp cho người bệnh càng thiếu hụt trầm trọng hơn. Chị đã đến Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương hiến 250ml máu.

Chị Lê Hoài Thương bày tỏ: “Mình thấy hơn lúc nào hết, dịp này chúng ta cần hành động ngay, góp vào ngân hàng máu dự trữ, khi người bệnh điều trị cần tiếp máu sẽ được đáp ứng đầy đủ để tránh những điều đáng tiếc xảy ra. “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, mình hy vọng rằng, thông điệp này sẽ được lan tỏa và biến thành hành động của nhiều người hơn nữa”.

Với Nguyễn Thị Khánh Ly (trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội), hiến máu cứu người là hoạt động quen thuộc. Từ ngày còn trên ghế nhà trường, cô gái trẻ đã tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng. Hình ảnh những em bé đầu trọc vì xạ trị, người xanh xao héo mòn vì cơn bạo bệnh, thiếu máu… luôn “ám ảnh” trong tâm trí mỗi khi Khánh Ly quyết định nên hay không tham gia hiến máu trong mùa dịch Covid-19. Thế rồi, vượt lên tất cả nỗi lo ngại, cô tình nguyện hiến máu.

Không chỉ hiến máu theo các chương trình do Đoàn, Hội phát động, Khánh Ly còn truyền máu trực tiếp cấp cứu người bệnh tại bệnh viện. Cuối năm 2019, gặp một người bị suy thận cần máu gấp, cô đã sẵn lòng chia sẻ những giọt máu của mình cho bệnh nhân đó.

Theo Nguyễn Thị Khánh Ly, máu là một dược phẩm quý mà cho đến nay chưa có chất thay thế hoàn toàn chức năng của nó. Vì vậy, nguồn máu để cho cấp cứu và điều trị bệnh nhân vẫn từ người hiến máu.

“Nếu ai cũng ngại dịch Covid-19 không đi hiến máu thì sẽ nhiều người khó được cứu sống. Mình nghĩ rằng, phòng chống dịch bệnh nhưng chúng ta cũng đừng quên hiến máu, bởi nó luôn cần thiết với những người cần được truyền máu”, Khánh Ly bày tỏ.

Năm 2020 tròn 20 năm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định lấy ngày 7/4 hằng năm là Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện (7/4/2000 - 7/4/2020).

Ngày 15/3 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi thư tới đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước động viên, kêu gọi công tác hiến máu nhân đạo, cứu người.

Sau 20 năm phát động Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện, phong trào hiến máu tình nguyện ở nước ta đã thu được những kết quả đáng khích lệ, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Trong 20 năm, toàn quốc đã vận động và tiếp nhận được trên 16 triệu đơn vị máu.

Đại bộ phận trong số những người đi hiến tặng máu là các bạn trẻ, đoàn viên, thanh niên, sinh viên trên mọi miền Tổ quốc

(Còn nữa)