Bác thông tin virus gây bệnh tay chân miệng đã biến chủng
Cập nhật lúc: 13/10/2018, 03:00
Cập nhật lúc: 13/10/2018, 03:00
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận hơn 61.800 trường hợp mắc tay chân miệng, ghi nhận tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 29.324 trường hợp nhập viện và 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Nam.
Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2017, số mắc cả nước giảm 18,9%, số trường hợp nhập viện giảm 14,9%. Đáng chú ý là bệnh có dấu hiệu gia tăng tại các tỉnh Đông Nam Bộ và một số tỉnh miền Trung như: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Tây Ninh.
Trước thông tin cho rằng dịch tay chân miệng năm nay bùng phát mạnh do virus đã bị biến đổi gene để tạo thành virus mới nguy hiểm hơn, lây lan nhanh hơn, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khẳng định, đến nay Việt Nam chưa ghi nhận chủng virus nào biến đổi gene.
Ông Phu cho hay, trong số các chủng virus gây bệnh, EV71 chiếm chủ yếu, với 21%, các EV khác chiếm 20%, Coxsackie A10 (6%), Coxsackia A6 (3%)... Trong đó EV71 là chủng dễ gây biến chứng nặng dẫn đến tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.
Trẻ đang điều trị bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM
Giải thích thêm, PGS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho hay, cũng giống như sốt xuất huyết có 4 chủng hoán đổi qua từng năm, virus EV71 với 11 chủng gen cũng luân phiên như vậy, có năm trội chủng này, có năm trội chủng khác.
“Qua theo dõi dịch tễ tại Việt Nam, giai đoạn trước 2010, chủng gene phổ biến của EV71 là C5, đến năm 2011, dịch chuyển sang C4, khi đó cộng đồng chưa có miễn dịch với C4 nên bùng phát dịch lớn trong năm nay. Các năm sau đó, chủng gene B5 của EV71 lại xuất hiện nhiều và đến 2018 lại gia tăng C4 trở lại”, PGS Lân thông tin.
Theo Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, qua đánh giá chứng minh, những năm có dịch C4 thì tỉ lệ mắc và tỉ lệ biến chứng cao hơn hẳn.
Mặc dù bệnh tay chân miệng đang có diễn biến phức tạp, nhiều ca mắc mới nhưng theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, bệnh mới đang vào giai đoạn đầu mùa, vẫn được kiểm soát chặt chẽ.
Các dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Các chuyên gia dịch tễ cho biết, bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin dự phòng. Bệnh thường ghi nhận cao vào tháng 9 - 11 hàng năm, đặc biệt là mùa đầu năm học mới do vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường còn thấp kém, đặc biệt là kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên trong nhà trẻ, trường mẫu giáo nên nguy cơ lây truyền trong cộng đồng còn cao trong thời gian tới nếu không tích cực, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống.
Do đó, nguy cơ lây truyền trong cộng đồng còn cao trong thời gian tới nếu người dân không tích cực, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh để tránh gặp phải những nguy cơ đáng tiếc có thể xảy ra.
21:01, 09/10/2018
07:20, 07/10/2018
14:01, 20/09/2017
09:35, 18/05/2017