19/01/2025 | 07:06 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội: Hơn 1.600 ca mắc tay chân miệng, nhiều trẻ biến chứng não

Cập nhật lúc: 07/10/2018, 07:20

Tại Hà Nội, dấu hiệu bệnh đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp, số ca mắc đã tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho thấy, số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm đến nay trên địa bàn là hơn 1.600 ca, so với cùng kỳ năm ngoái đã tăng gần gấp đôi, tuy nhiên không đột biến do số ca mắc trung bình trong nhiều năm trở lại đây đều dao động từ 2.000 – 4.000 ca. Trong đó, mức 4.000 ca là đỉnh dịch năm 2011. Hiện tại, trung bình mỗi tuần có thêm 30-50 ca mắc mới.

Trong đó, số bệnh nhân tiếp nhận tại Bệnh viện Nhi Trung ương là đông nhất, với 770 trường hợp mắc từ đầu năm đến nay. Hiện tại khoa Truyền nhiễm (BV Nhi Trung ương) đang điều trị cho 12 ca bệnh, có biến chứng vào tim, phổi, não.

ThS.BS Trần Thị Thu Hương - Phó trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, so với cùng kỳ năm 2017, số trẻ nhập viện do tay chân miệng tăng gấp 4, trong đó có nhiều ca biến chứng nặng vào tim, phổi, não, riêng biến chứng viêm não chiếm 15-20%, trong khi mọi năm tỷ lệ này dưới 5%.

Đáng lưu ý, phần lớn mẫu bệnh phẩm xét nghiệm tìm căn nguyên gây bệnh tay chân miệng đều phát hiện trẻ nhiễm chủng Enterovirus 71 (EV71) - loại virus từng gây dịch lớn trên cả nước vào năm 2011, làm nhiều trẻ tử vong.

Hà Nội: Hơn 1.600 ca mắc tay chân miệng, nhiều trẻ biến chứng não

Bệnh nhi bị tay chân miệng đang được điều trị tại bệnh viện

Theo BS Hương, bệnh tay chân miệng xuất hiện quanh năm; tuy nhiên, hiện nay đang là giai đoạn chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát triển có thể gây thành dịch lớn. Ban đầu bệnh diễn biến nhẹ, nhưng bệnh phát triển nhanh chỉ trong vài giờ và có thể có biến chứng nguy hiểm. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng nặng như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp thậm chí dẫn đến tử vong.

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 53.529 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó 6 trường hợp tử vong tại khu vực phía Nam. Vụ dịch tay chân miệng lớn nhất tại Việt Nam là năm 2011 với hơn 113.000 trường hợp mắc và 170 trường hợp tử vong. Nguyên nhân dịch tay chân miệng năm 2011 được xác định do nhiễm EV71. Trong số các virus đường ruột, EV71 là các tác nhân phổ biến gây bệnh tay chân miệng.

Hệ thống giám sát của Viện Pasteur TP.HCM cho thấy trong 2 tháng qua, tỷ lệ virus EV71 chiếm 25% số mẫu xét nghiệm bệnh tay chân miệng, so với dưới 1% phát hiện EV71 trong 6 tháng đầu năm. Sự gia tăng đột biến này cũng được ghi nhận trong vụ dịch năm 2011 (từ 32% trong 6 tháng đầu năm lên 56% từ tháng 7 đến tháng 9).

Đánh giá về các trường hợp tử vong tay chân miệng, PGS.TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Paster TP.HCM cho rằng, cùng kỳ năm 2015-2017 chỉ ghi nhận 0-4 trường hợp tử vong thì năm nay đã ghi nhận 6 trường hợp tử vong.

"Đa số các bệnh nhân tay chân miệng tử vong trong năm nay không đến ngay cơ sở y tế khi xuất hiện các dấu hiệu của bệnh mà tự điều trị tại nhà (khám phòng khám tư nhân hoặc tự mua thuốc uống), khi trẻ có dấu hiệu chuyển bệnh nặng mới đưa đến các bệnh viện. Kinh nghiệm từ vụ dịch năm 2011 cũng cho thấy 61% trường hợp tử vong là tự điều trị tại nhà", PGS Lân nói.

Do đó, người dân không nên chủ quan trước bệnh tay chân miệng. Khi phát hiện trẻ có biểu hiện bệnh như sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông, các phụ huynh cần liên lạc với cơ sở y tế để được tư vấn và xử lý kịp thời.

Để phòng bệnh tay chân miệng, các chuyên gia y tế khuyến cáo, cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi. Không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.