19/01/2025 | 02:45 GMT+7, Hà Nội

Bác sĩ tim mạch chỉ 9 cách đơn giản để kiểm soát bệnh tim

Cập nhật lúc: 07/08/2018, 22:09

Rung nhĩ là một trong những rối loạn nhịp tim thường gặp, dễ làm hình thành cục máu đông gây đột quỵ, tăng huyết áp, suy tim, nguy cơ tử vong cao.

 

Để kiểm soát rung nhĩ, bác sĩ chuyên khoa tim mạch Trần Lê Vũ (Phòng khám CarePlus) chỉ ra 9 cách đơn giản dưới đây.

1. Có chế độ ăn lành mạnh (hạn chế chất béo và cholesterol).

2. Giữ cân nặng trong giới hạn chuẩn.

3. Hạn chế căng thẳng.

4. Tập thể thao theo sức của bạn nếu bạn đang dùng thuốc điều trị rung nhĩ và không có triệu chứng.

5. Uống thuốc đúng theo toa. Kiểm tra độ loãng máu định kỳ bằng xét nghiệm INR máu.

6. Đến khám ngay với bác sĩ nếu bạn nghi ngờ bị tác dụng phụ của thuốc hoặc nếu bạn có các triệu chứng sau đây mới xuất hiện hoặc trở nặng: chóng mặt, đau thắt ngực, ngất, khó thở.

7. Không thực hiện các hoạt động có nguy cơ gây bầm hoặc chảy máu nếu bạn đang uống thuốc làm loãng máu (thuốc chống đông máu).

8. Không hút thuốc lá.

9. Không uống quá nhiều rượu, bia, cà phê.

Bệnh rung nhĩ thường gây ra các cục máu đông và dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim

Bệnh rung nhĩ thường gây ra các cục máu đông và dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim 

Tim người có bốn buồng: hai tâm nhĩ là các buồng tim nằm trên và hai tâm thất là các buồng tim nằm dưới. Tốc độ và kiểu đập của tim được gọi là nhịp tim và có thể được cảm nhận qua xung động nhịp.

Nhịp tim của bạn được quy định bởi tín hiệu phát ra từ hệ thống (sinh) điện của tim. Nếu tín hiệu điện phát ra lộn xộn không đều thì nó có thể làm cho các buồng tim ở trên (tâm nhĩ) rung lên thật nhanh.

Khi nhịp đập của tim trở nên bất thường thì được gọi là loạn nhịp. Rung nhĩ là một kiểu của loạn nhịp; trong trường hợp này, cơ tim sẽ chỉ lắc lư thay vì co bóp.

 Bình thường, các buồng tim phải co bóp theo một kiểu nhất định để máu di chuyển thích hợp. Hệ thống điện của tim có những tế bào được chuyên biệt hóa để quy định tim khi nào phải co bóp.

Nếu các tế bào này hoạt động sai chức năng và gửi thừa các tín hiệu điện, tâm nhĩ sẽ đập rất nhanh và không đều. Khi tâm nhĩ rung, đó là nói nó co bóp nhanh, nhẹ và không đều.

Trong tình huống này, máu nằm trong tâm nhĩ sẽ không được bơm vào tâm thất, mà ứ lại tại nhĩ. Máu ứ lại có thể bị đông, và sau đó cục máu đông có thể được bơm vào dòng máu tuần hoàn và gây đột quỵ do nghẽn tắc.

Ngoài ra, rung nhĩ làm giảm hiệu quả nhát bóp của tim, giảm lượng oxy đến nuôi tim và có thể phá hủy tế bào cơ tim do nhịp nhanh hoặc không đều lâu ngày; tất cả những điều trên có thể gây ra suy tim.

Có khá nhiều nguyên nhân gây ra rung nhĩ, nhưng nguyên nhân thường gặp nhất là cao tuổi. Những nguyên nhân khác tại tim bao gồm tăng huyết áp, suy tim sung huyết và bệnh van hai lá.

Tuổi cao, tăng huyết áp, suy tim sung huyết và bệnh van hai lá là những nguyên nhân gây ra bệnh rung nhĩ

Tuổi cao, tăng huyết áp, suy tim sung huyết và bệnh van hai lá là những nguyên nhân gây ra bệnh rung nhĩ 

Ngoài ra, bệnh phổi, đái tháo đường và cường giáp cũng làm gia tăng nguy cơ xuất hiện rung nhĩ. Uống cà phê, hút thuốc lá (nicotine) và uống quá nhiều rượu cũng có thể gây ra rung nhĩ, hoặc làm cho một tình trạng rung nhĩ tồn tại sẵn trở nên nặng hơn.

Khá nhiều người bị rung nhĩ nhưng lại không cảm thấy bất kỳ triệu chứng gì. Triệu chứng, nếu có, thường là cảm giác hồi hộp đánh trống ngực (do nhịp tim quá nhanh và/hoặc không đều). Khó thở, đau ngực hoặc ngất có thể xảy ra. Vài bệnh nhân sẽ cảm thấy mệt hoặc không thể gắng sức. Cần chú ý là đau ngực hoặc các dấu hiệu nghĩ đến đột quỵ cần phải được kiểm tra ngay.

Để chẩn đoán rung nhĩ, các bác sĩ sẽ dựa vào phân tích nhịp tim trên điện tâm đồ; họ cũng có thể dựa vào kiểu co bóp của tâm nhĩ khi làm siêu âm tim. Trong trường hợp rung nhĩ lúc có lúc không, bác sĩ có thể yêu cầu bạn đeo nhật ký điện tâm đồ trong 24-48 giờ để “bắt” các cơn rung nhĩ.

Điều trị rung nhĩ chủ yếu nhắm vào điều trị nguyên nhân. Ví như nếu bệnh nhân có bệnh lý của tuyến giáp, thì cần điều trị bệnh tuyến giáp. Nếu do uống quá nhiều cà phê hay rượu gây ra, thì uống ít lại có thể giúp kiểm soát rung nhĩ. Đôi khi rung nhĩ tự nó hết mặc dù không điều trị.

Kiểm soát nhịp và kiểm soát tần số tim bằng thuốc là quan trọng. Những thuốc này được gọi là thuốc chống loạn nhịp, được dùng để làm chậm nhịp tim và làm nó đập đều trở lại.

Huyết khối (cục máu đông) là một trong các biến chứng của rung nhĩ. Các thuốc làm loãng máu (thuốc chống đông máu) như là acenocoumarol (Sintrom) hoặc warfarin (Coumadin) có thể được dùng để làm tan cục máu đông hoặc phòng ngừa sự hình thành của nó.

Loại thuốc này có thể làm bệnh nhân dễ bị bầm hoặc chảy máu, vì thế, độ loãng của máu cần được kiểm tra định kỳ. May mắn là các thuốc chống đông thế hệ mới như dabigatran (Pradaxa), rivaroxaban (Xarelto), và apixaban (Eliquis) không đòi hỏi phải kiểm tra độ loãng máu hoặc nồng độ thuốc định kỳ. 

Nhịp bất thường đôi khi cần được “giật điện” để trở về nhịp bình thường, việc này được gọi là “chuyển nhịp bằng điện” hoặc “shock điện chuyển nhịp”. Trong thủ thuật này, bác sĩ tim mạch sẽ cho tim bạn một nhát giật điện ngắn để tạm thời ngắt hoạt động điện của tim, với kỳ vọng là sau khi hoạt động điện phục hồi, đó sẽ là một hoạt động điện bình thường để tạo ra nhịp tim bình thường. Đau ngực, tụt huyết áp, suy tim, hoặc các dấu hiệu nguy hiểm khác là chỉ định cho việc khử rung cấp cứu.

Máy tạo nhịp có thể được đặt trong tình huống bệnh nhân rung nhĩ có cơn nhịp nhanh/chậm xen kẽ. Ngoài ra, can thiệp triệt đốt qua ống thông hoặc thậm chí mổ tim hở (phẫu thuật Maze) có thể được dùng để phá hủy những phần của tim gây ra rung nhĩ.