19/01/2025 | 10:23 GMT+7, Hà Nội

Bắc Ninh: Tiềm ẩn nguy hại từ Nhà máy vật liệu chịu lửa kiềm tính Việt Nam

Cập nhật lúc: 03/10/2019, 09:18

Nhiều năm qua, người dân phường Đình Bảng (thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) phải sống trong nỗi lo môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng...tất cả bắt nguồn từ những tiềm ẩn nguy hại từ một nhà máy kiềm tính.

Người dân bị “tra tấn” ngày đêm

Vài năm trở lại đây, thị xã Từ Sơn luôn là vùng kinh tế năng động của tỉnh Bắc Ninh. Nơi đây tập trung nhiều làng nghề truyền thống, khu, cụm công nghiệp đã và đang phát triển có quy mô, giá trị cao. Thế nhưng, điều đó cũng đồng nghĩa với nguy cơ ô nhiễm môi trường tăng cao.

Trên thực tế, việc phát triển kinh tế chung cũng phần nào tác động tiêu cực đến môi trường và ảnh hưởng cục bộ đến người dân địa phương. Nhiều năm qua, người dân phường Đình Bảng luôn phải sống trong cảnh như bị tra tấn vì khói bụi, mùi ngột ngạt, tiếng ồn. Cùng với đó là hạ tầng kỹ thuật, đường xá chưa phát triển đồng bộ. 

Khảo sát trên tuyến phố Lý Nhân Tông, phường Đình Bảng đã có hàng chục nhà máy, xưởng sản xuất: giấy, thủy tinh,... Hàng ngày, tuyến phố này phải oằn mình chịu đựng những lượt xe tải chạy rầm rập. Đó là chưa kể tuyến đường này rất chật chội vì có Trường Cao đẳng Kinh tế, Kỹ thuật và Thủy sản và chợ Thủy sản cũng nằm sát mặt đường.

Khi chia sẻ về vấn đề môi trường tại khu vực này, nhiều người tỏ ra bức xúc trước việc luôn phải sống trong tâm lý lo sợ, về việc môi trường có nguy cơ bị ô nhiễm.

Nhiều người không khỏi giật mình khi chứng kiến hàng loạt các nhà máy, nhà xưởng mọc lên, nằm lọt thỏm giữa khu dân cư hay nơi sinh hoạt công cộng của người dân. Thế nhưng, vì điều kiện kinh tế không cho phép, người dân vẫn cố bám trụ lại dù biết rằng sẽ phải đánh cược với mạng sống của mình.

Nhà máy vật liệu chịu lửa kiềm tính Việt Nam - thuộc Công ty Xi măng Hoàng Thạch, đóng trên địa bàn phường Đình Bảng là một trong những nguồn cơn khiến người dân lo ngại về vấn đề môi trường? (Ảnh: Hà Cường)

Theo phản ánh, việc Nhà máy vật liệu chịu lửa kiềm tính Việt Nam - thuộc Công ty Xi măng Hoàng Thạch, đóng trên địa bàn phường Đình Bảng là một trong những nguồn cơn khiến người dân lo ngại về vấn đề môi trường. Nhà máy này tọa lạc trong khuôn viên đất rộng khoảng 4,1 héc-ta, nằm sát các nhà máy, xưởng sản xuất và khu dân cư. 

Người dân khu phố Tân Lập cho biết, nhiều năm qua họ phải sống trong cảnh bị tra tấn vì mùi khó chịu từ nhà máy kiềm tính, đặc biệt là vào đợt gió mùa Tây Nam. Người dân chia sẻ, cùng với mùi nồng nặc, họ còn cảm thấy khó thở, đau họng. Thậm chí, đêm ngủ người dân còn phải sử dụng khăn ướt đắp lên mặt.

Còn người dân sống tại khu tập thể Trường Cao đẳng Kinh tế, Kỹ thuật và Thủy sản thì cho biết, mỗi khi gió Đông Bắc thì người dân sinh sống tại đây cũng chịu cảnh tra tấn như ở khu phố Tân Lập.

“Ở đây chúng tôi luôn phải sống trong tình trạng ô nhiễm về không khí, mùi khó chịu. Người dân ở xóm này rất nhiều trường hợp mắc bệnh ung thư, chết trẻ. Tính sơ sơ ở đây cũng đã 5 người tử vong vì bệnh ung thư rồi. Chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn kêu cứu lên phường và thị xã nhưng cũng chẳng thấy có phản hồi gì cả”, người dân khu tập thể Trường Cao đẳng Kinh tế, Kỹ thuật và Thủy sản bức xúc nói.

Một người dân sinh sống liền kề với nhà máy lắc đầu chia sẻ, việc tồn tại các nhà máy, nhà xưởng sát khu dân cư đã gây ô nhiễm môi trường, khói bụi, tiếng ồn quanh năm. Chưa kể, nguồn nước ngầm khu vực này bị ô nhiễm nghiêm trọng.

“Gia đình tôi dùng giếng khoan, thế nhưng nước bơm lên đen kịt, mặc dù đã lọc qua 3 lần những vẫn không thể đảm bảo. Chúng tôi biết là như vậy, thế nhưng vì kinh tế không có, không thể mua nhà để chuyển đi sinh sống ở nơi khác được”, người dân sống cạnh Nhà máy vật liệu chịu lửa kiềm tính Việt Nam chia sẻ.

Người dân lo ngại tác động của nhà máy đối với cộng đồng dân cư. (Ảnh: Hà Cường)

Không chịu được cảnh sống chung với ô nhiễm, nhiều gia đình có điều kiện đã bán nhà, bán đất rời xa nơi “chôn rau cắt rốn” để tìm một nơi ở mới. “Bao nhiêu năm chúng tôi phải hít mùi khó chịu từ nhà máy kiềm tính. Chúng tôi đã có nhiều lần gửi đơn những tình trạng này vẫn tái diễn. Tôi sắp phải chuyển nhà đi nơi khác rồi đây…”, một người dân khu phố Tân Lập nghẹn ngào nói. 

Theo tìm hiểu, trước đây khoảng hơn 10 năm, thế giới thường dùng loại gạch chịu lửa kiềm tính Magiê - Crôm (Mg-Cr). Nhưng sau đó, do phát hiện ra gạch Magnê-Crôm là loại vật liệu rất độc hại, có khả năng gây ung thư rất mạnh cho nên thế giới đã cấm sản xuất và sử dụng loại gạch Mg-Cr.

Ở nước ta, Nhà nước cũng đã khuyến cáo không sản xuất và sử dụng loại gạch Mg-Cr từ hơn 10 năm nay. Hiện nay, Nhà máy vật liệu chịu lửa kiềm tính Việt Nam đang sản xuất loại gạch kiềm tính là Mg-Spinel cũng là gốc Mg.

Nhiều chuyên gia đánh giá, về loại gạch kiềm tính là Mg-Spinel, chưa có nghiên cứu nào công bố liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng và cộng đồng hay không. Thế nhưng, với hai loại gạch kiềm tính cùng gốc Mg, thì không ai có thể kết luận là gạch Mg-Spinel là vô hại?

Trong khi đó, nhà máy gạch kiềm tính này lại được đặt trong lòng thị xã Từ Sơn, tại khu dân cư đông đúc, nhà cửa san sát. Người dân đặt câu hỏi, ai có thể đánh giá được tác động của nhà máy đối với cộng đồng dân cư?

Hiểm họa khôn lường!

Những lo ngại trên của người dân không phải là không có cơ sở, khi mới đây đã xảy ra hàng loạt các vụ cháy nổ tại các nhà máy, nhà xưởng nằm giáp khu dân cư. Việc này đã khiến cho môi trường bị ô nhiễm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.

Chắc hẳn chúng ta vẫn chưa quên vụ cháy tại Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông (TP. Hà Nội) vào ngày 28/8/2019. Vụ cháy đã gây thiệt hại lớn về tài sản của công ty, người dân và tác động tiêu cực đến môi trường. Thậm chí, nhiều ngày sau vụ cháy, các cấp chính quyền đã phải vào cuộc khắc phục vấn đề môi trường tại khu vực nhà máy bị cháy.

Báo chí cũng đưa tin, theo một kết quả quan trắc không khí tại khuôn viên phía trước khu vực đám cháy, nhà kho của Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông bị cháy, nồng độ thủy ngân (thủy ngân được lưu trữ trong nhà máy bị cháy) trong mẫu không khí được lấy cao vượt ngưỡng 10-30 lần theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới. Đây là ngưỡng ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe con người.

Kết quả phân tích cho thấy, theo quy chuẩn Việt Nam thì có 1/12 mẫu nước mặt có giá trị thủy ngân vượt quy chuẩn 1,3 lần, 1/8 mẫu trầm tích có giá trị thủy ngân vượt tiêu chuẩn 1,36 lần. Qua so sánh kết quả quan trắc với tiêu chuẩn của WHO, Mỹ, châu Âu và Canada cho thấy có 4 vị trí lấy mẫu vượt quy chuẩn, hướng phát tán tại vị trí cách hàng rào 200m, 500m, 1.000m đều phát hiện có thủy ngân vượt chuẩn, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân ở đô thị.

Những con số báo động trên phần nào cho thấy mức độ nguy hiểm, nguy cơ ảnh hưởng xấu đến môi trường, sức khỏe của người dân khi các nhà máy, xưởng sản xuất gần khu dân cư xảy ra bất kỳ sự cố nào.

Nhiều năm qua, người dân phường Đình Bảng luôn phải sống trong cảnh như bị tra tấn vì khói bụi, mùi ngột ngạt, tiếng ồn. Cùng với đó là hạ tầng kỹ thuật, đường xá chưa phát triển đồng bộ. (Ảnh: Hà Cường)

Trao đổi nhanh với phóng viên về những phản ánh của người dân phường Đình Bảng, một lãnh đạo thị xã Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) cho biết, trước đó tại các cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều người dân đã có ý kiến phản ánh về vấn đề đất đai, môi trường từ việc các nhà máy, nhà xưởng sản xuất trên địa bàn. Theo chủ trương, các cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn sẽ chuyển dần sang đô thị, nhưng theo lộ trình từng giai đoạn.

“Nhà máy này (Nhà máy vật liệu chịu lửa kiềm tính Việt Nam – PV) thuộc tổng công ty, không thuộc địa phương. Thực ra tại các đợt tiếp xúc cử tri, người dân có kiến nghị các vấn đề về đất đai, môi trường. Mỗi lần đại biểu Quốc hội về tiếp xúc cử tri, người dân cũng đều phản ánh về vấn đề tiếng ồn, không khí,…Qua ý kiến phản ánh của báo chí, thị xã cũng sẽ tổng hợp để kiến nghị tỉnh và sau đó tỉnh kiến nghị các ngành”, vị lãnh đạo này cho biết thêm.

Tuy nhiên, khi nói về những vấn đề mà người dân lo ngại môi trường, cuộc sống người dân bị tác động tiêu cực từ việc nhà máy hoạt động, ông Nguyễn Đức Thuận - lãnh đạo Nhà máy vật liệu chịu lửa kiềm tính Việt Nam đã phủ nhận việc này.

Theo ông Thuận, Công ty Xi măng Hoàng Thạch tiếp nhận nhà máy từ năm 2003. Từ năm 2004, nhà máy không sản xuất gạch Mg – Cr vì theo đánh giá ảnh hưởng sức khỏe con người. Hiện nhà máy chỉ sản xuất gạch Mg-Spinel. Nguyên liệu sản xuất được nhập khẩu 100% từ nước ngoài. Nhà máy cũng đã lắp đặt hệ thống xử lý khói thải, nước thải.

“Người dân có ý kiến mình vẫn phải tôn trọng và giải quyết cho người dân. Ở đây có cả rác thải của các nhà máy như giấy, tấm lợp fibro xi măng,…”, ông Thuận trần tình.

Vị lãnh đạo này cũng cho biết, hiện nhà máy chỉ đạt 50-60% công suất. “Về hiệu quả kinh tế, mọi năm có lãi nhưng không nhiều. Năm nay thì lỗ 2,5 tỷ, lý do vì đặc thù giá nguyên liệu đầu vào nhập khẩu tăng vọt, thị trường trong nước giá bán không tăng được trong khi chi phí sản xuất vẫn giữ nguyên”, ông Thuận giãi bày.

Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh sớm vào cuộc, đánh giá một cách khách quan và giải quyết thấu đáo những phản ánh, kiến nghị trên của người dân.

Còn tiếp...