Ba Vì: Gần 100 biệt thự "mọc" trên đất nông nghiệp sẽ được xử lý thế nào?
Cập nhật lúc: 16/05/2020, 08:01
Cập nhật lúc: 16/05/2020, 08:01
Lời dẫn: Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Trước tình trạng này, mới đây chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.
Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc chống sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, chúng tôi sẽ phản ánh đến độc giả những thông tin trung thực, chính xác nhất về công tác xử lý, khắc phục các vi phạm trên tại địa bàn Hà Nội. Tin rằng, với những hành động quyết liệt từ bộ máy chính quyền thành phố, các sai phạm này sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.
Theo phản ánh của người dân, từ nhiều năm nay hàng nghìn m2 đất nông nghiệp ở thôn 7, xã Ba Trại đã bị gia đình ông Nguyễn Hà Hòa sử dụng sai mục đích. Thay vì chăn nuôi, trồng cây ăn quả như đề án đã được phê duyệt, ông Hòa đã cho xây dựng 20 biệt thự, cùng nhiều công trình phụ trợ trên diện tích 29.368m2 đất nông nghiệp và đất trồng cây lâu năm đã được UBND huyện Ba Vì cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2009.
Theo đó, 20 biệt thự và các công trình phụ trợ như nhà điều hành, bể bơi, sân tenis, sân bóng đá mini… được ông Hòa cho xây tường bao xung quanh. Bên ngoài cổng khu vực này được treo biển "Trang trại nghiên cứu và thử nghiệm giống bưởi Phúc Kiến vỏ đỏ", thế nhưng mỗi khi có người lạ tỏ ý định muốn vào thăm trang trại thì đều bị đội ngũ bảo vệ ở đây xua đuổi.
Điều đáng nói là các công trình này đã tồn tại từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Một người dân tại khu vực cho biết, ông Hoà cùng một nhóm bạn 20 người chơi với nhau, góp tiền xây 20 căn biệt thự cùng bể bơi, sân tenis, sân bóng đá mini... trên diện tích đất trang trại được thuê. Sau khi xây dựng xong, 20 người này bốc thăm chia nhà, ai bốc được biệt thự nào thì sở hữu biệt thự đó.
Ngày 23/9/2016, UBND xã Ba Trại đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với ông Nguyễn Hà Hòa (địa chỉ tại P516, nhà D2, Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội) về hành vi: Tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất sản xuất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép; tự ý xây nhà ở và các công trình khác trên đất thuộc dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi tại khu vực thôn 7, xã Ba Trại, huyện Ba Vì vi phạm quy định tại điểm b, Khoản 2, Điều 8, Nghị định 102 ngày 10/11/2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Khi phát hiện vụ việc, UBND huyện Ba Vì đã ra quyết định thu hồi dự án khu trang trại. Năm 2019, Uỷ ban kiểm tra trung ương vào kiểm tra, chỉ ra hàng loạt sai phạm tại đây. Trước những sai phạm này, UBND TP Hà Nội đã giao cho Sở Xây dựng chủ trì giải quyết. Tuy nhiên, Sở Xây dựng không giải quyết được, mới đây UBND TP Hà Nội lại giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý.
Cũng trong năm 2016, người dân địa phương đã phản ánh tình trạng tồn tại 60 biệt thự xây dựng không phép và đã được chủ đầu tư rao bán gần hết nằm ở khu nghỉ dưỡng Điền Viên thôn thuộc làng Chóng, xã Yên Bài, huyện Ba Vì. Khu nghỉ dưỡng này được chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Thăng Long Xanh đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 2012.
Được biết, đây là một phân khu nằm trong tổng thể khu nghỉ dưỡng Zen Resort & Camping, đã được xây dựng ở nhiều địa điểm khác nhau.
Sáng 6/4/2016, báo cáo thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội về vụ việc “Điền Viên thôn” xây dựng trái phép, chủ tịch UBND huyện Ba Vì, ông Bạch Công Tiến thừa nhận có chuyện “bỏ lọt” vụ việc xây dựng trái phép gần 60 căn biệt thự khi chuyển giao nhiệm kỳ.
Theo ông Tiến, khu vực xảy ra vi phạm hiện nay quy hoạch về đất đai trước và sau năm 2010 đều là quy hoạch về đất ở nông thôn, tổng diện tích là 4,8ha.
“Việc tự ý làm nhà trái phép và mua bán với số lượng lớn như vậy thì đây là sai phạm trong quá trình từ năm 2012 trở về đây. Việc này hiện nay huyện cũng tập trung tích cực ngăn chặn không để tái phạm, tái diễn, không để tiếp tục tiến hành thi công nữa, đã yêu cầu dừng hoạt động kinh doanh dịch vụ”, ông Tiến cho biết.
Tuy nhiên, kéo dài từ năm 2011 cho đến nay, việc xử lỷ dứt điểm những căn biệt thự không phép tại Điền Viên thôn vẫn chưa có kết quả cuối cùng.
Đồi Hoàng Long, thôn Hoàng Long, xã Tản Lĩnh, Ba Vì mới đây ghi nhận hàng chục công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại khu vực đồi M3 thuộc Xí nghiệp gà giống trứng dòng thuần Ba Vì, Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Cụ thể, tại đồi Hoàng Long hiện có 12 công trình xây dựng trái phép bao gồm nhà xưởng làm đồ mộc, làm phân lân, còn lại là các công trình đều đã xây dựng với kiến trúc hiện đại.
Nổi bật nhất là công trình trái phép với quy mô bề thế của bà Nguyễn Thị Hương (trú tại quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội). Công trình này ẩn mình sau những ngọn đồi, vườn cây bạt ngàn nằm trong trang trại Tùng Anh với diện tích hơn 3ha.
Liên quan đến hàng loạt công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại thôn Hoàng Long, xã Tản Linh, huyện Ba Vì, trả lời cơ quan truyền thông ngày 15/5, đại diện huyện Ba Vì cho biết đang lên kế hoạch cưỡng chế công trình sai phạm.
Tại thông báo kỳ họp 35 phát đi chiều 5/5/2019, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết đã xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì, TP Hà Nội và các cá nhân liên quan về các vi phạm, khuyết điểm đã được kết luận tại kỳ họp 34 của Ủy ban này.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết đã xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì, TP Hà Nội và các cá nhân liên quan về các vi phạm, khuyết điểm đã được kết luận tại kỳ họp 34 của Ủy ban này.
Cụ thể, Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ, trong quản lý, sử dụng đất đai, quản lý trật tự xây dựng, thực hiện các dự án, công trình trên địa bàn huyện; chấp hành không nghiêm kết luận thanh tra, kiểm tra và chỉ đạo của Thường trực Thành ủy Hà Nội.
Các ông Hà Xuân Hưng - Bí thư Huyện ủy, Hoàng Thanh Vân - nguyên Thành ủy viên, nguyên Bí thư Huyện ủy, Bạch Công Tiến - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện - chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện.
Các ông Nguyễn Văn Hà - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, Nguyễn Văn Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện, Nguyễn Đình Dần - Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện, Nguyễn Thế Hà - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện - cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện và chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì trong các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 và các cán bộ nêu trên, theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Tại kỳ họp 35, xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Hà Xuân Hưng - Bí thư Huyện ủy - và ông Bạch Công Tiến - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện. Ông Nguyễn Văn Hà - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ba Vì - thì bị khiển trách.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020.