18/01/2025 | 20:02 GMT+7, Hà Nội

Bà nội trợ “canh cánh” nỗi lo thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc khi Tết cận kề

Cập nhật lúc: 15/01/2020, 18:00

Mặc dù cơ quan chức năng đã vào cuộc thanh tra, kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm nhưng trước sự tinh vi của các đối tượng, người tiêu dùng vẫn canh cánh nỗi lo về thực phẩm “bẩn”, không rõ nguồn gốc.

Sự ảnh hưởng của đại dịch tả lợn châu Phi không những khiến giá cả mặt hàng thịt lợn tăng cao mà giá của các mặt hàng thực phẩm khác cũng bị "kéo" theo. Vì vậy, khi Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 chỉ còn khoảng 10 ngày, vấn đề khiến người tiêu dùng quan tâm hàng đầu lúc này không chỉ giá cả thực phẩm, mà là cả vấn đề chất lượng.

Theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, khi chỉ còn 2 ngày nữa là chính thức ngày cúng ông Công ông Táo, trên các tuyến phố Hà Nội, tình hình mua sắm hàng hóa Tết của người dân đã bắt đầu nhộn nhịp.

Từ hè phố đến các cửa hàng bán lẻ, đại lý, siêu thị… các mặt hàng hóa như trái cây, cây cảnh, bánh kẹo, mứt, giỏ quà tết, hạt dưa, ô mai… đã được bày bán với nhiều mẫu mã đa dạng.

Chị Nguyễn Anh Thư (35 tuổi, ở Nhân Chính, Thanh Xuân) cho biết: "Vấn đề lo ngại nhất là thực phẩm đông lạnh, nhất là mặt hàng thực phẩm xông khói và có xuất xứ nước ngoài. Gia đình tôi có thói quen dùng thực phẩm xông khói với rượu vang trong ngày Tết nên tôi đặt quan tâm hàng đầu đến mặt hàng này".

"Tôi thấy mặt hàng chủ yếu mà cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ trong thời gian cận Tết là thực phẩm, trong đó có lườn ngỗng xông khói, thịt xông khói, thực phẩm tươi sống như vịt, các bộ phận của gia cầm… Chính vì vậy, như mọi năm, ngoài bánh, kẹo, mứt tôi chọn mua ở siêu thị thì mặt hàng thực phẩm, tôi đặt người quen hoặc chọn mua ở các siêu thị lớn cho an tâm", chị Thư cho hay.

Cũng theo chị Thư: "Trong khi cơ quan chức năng bắt giữ rất nhiều vụ thực phẩm không rõ nguồn gốc ở các cửa khẩu biên giới thì ở nội địa, cũng rất nhiều vụ vận chuyển, tiêu thụ thực phẩm không rõ nguồn gốc bị phát giác. Vậy thì cơ sở nào khẳng định những sản phẩm thực phẩm được quảng cáo "có cánh" trên mạng internet là an toàn?

Người tiêu dùng có thể thấy rõ sự tinh vi của các đối tượng buôn bán hàng thực phẩm bẩn, chính vì vậy, bản thân tôi không đặt hết niềm tin vào những lời quảng cáo có cánh trên mạng mà tùy tiện mua về thực phẩm không an toàn cho gia đình".

Mặc dù thời gian sắm sửa hàng hóa cho ngày Tết còn khá dài nhưng bà Nguyễn Diệu Hương (53 tuổi, ở Văn Khê, Hà Đông) đã liên hệ với một số người bạn để "đặt hàng" nguồn thực phẩm tươi ngon.

Bà Hương cho biết: "Món lạp xưởng không thể thiếu trong mâm cơm gia đình ngày Tết, nên năm nào cũng vậy, tôi đặt cùng lúc nhiều hàng hóa ở Lai Châu về Hà Nội. Năm nay, tôi tiếp tục đặt lạp xưởng, nấm hương rừng, miến dong, mộc nhĩ và lá dong. Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên năm nay, giá thành lạp xưởng là 400.000 đồng/kg, trong khi đó, những năm trước đó, mặt hàng này chỉ có giá hơn 200.000 đồng/kg".

Cũng theo bà Hương: "Người tiêu dùng không thể giao phó sự an toàn cho lực lượng chức năng, mà chính người tiêu dùng phải tự trở nên thông thái, "sành sỏi" trong việc lựa chọn thực phẩm cho gia đình, bằng chính kinh nghiệm nội trợ của mình".

"Bởi khi đã vi phạm pháp luật thì chắc chắn, các đối tượng vi phạm sẽ rất tinh vi, người tiêu dùng khó mà nhận biết đâu là thực phẩm thiếu an toàn. Vì vậy, cứ sản phẩm có đầy đủ tính pháp lý thì người tiêu dùng mới chọn. Đơn cử như mặt hàng bánh, kẹo, mứt… trên bao bì sản phẩm phải có địa chỉ rõ ràng, đơn vị sản xuất, nơi sản xuất, hạn sử dụng, thời gian sản xuất và đặc biệt nhất là phải có liên hệ của đơn vị chịu trách nhiệm sản phẩm ghi trên bao bì", bà Hương cho hay.