19/01/2025 | 09:32 GMT+7, Hà Nội

Áp trần lãi vay theo Nghị định 20: Ba nhóm doanh nghiệp "sốc" nhất

Cập nhật lúc: 26/11/2018, 10:31

Áp trần phí lãi vay đang là bài toán khó cho hầu hết các doanh nghiệp nội. Thậm chí, với những nhóm ngành cần vốn để tạo lợi nhuận và mở rộng quy mô, thì Nghị định 20 được ví như một "cú đòn" hạ gục quyết tâm của doanh nghiệp.

Đầu năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP (Nghị định 20) có hiệu lực từ ngày 1/5/2017 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Đây được cho là dấu mốc quan trọng trong hệ thống quy định pháp luật về giao dịch liên kết; đưa Việt Nam tiến gần hơn đến các chuẩn mực quốc tế về gia tăng tính minh bạch và nỗ lực chống tránh thuế.

Một trong những vấn đề mấu chốt của Nghị định 20 tại khoản 3 điều 8 là khống chế tỷ lệ lãi vay. Cụ thể Nghị định quy định, tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế. Khi đó, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.

Áp trần lãi vay khi tính phí đối với doanh nghiệp thực chất liên quan đến câu chuyện vốn. Khảo sát thị trường tài chính, các doanh nghiệp đói vốn để mở rộng hoạt động kinh doanh thường là các công ty khởi nghiệp, tập đoàn lớn hoạt động theo mô hình liên kết theo hình thức mẹ - con, doanh nghiệp bất động sản, xây dựng.


Mô hình công ty mẹ - con thêm khổ?

Một trong những bất cập nhất của việc khống chế trần lãi vay là tác động lên hoạt động đi vay và cho vay lại giữa công ty mẹ và các công ty thành viên. Trong khi đó, quy trình phổ biến tại các doanh nghiệp là, công ty mẹ đóng vai trò đầu mối huy động vốn vay từ các nguồn trong nước và nước ngoài, sau đó chuyển tiếp phần vốn này cho các công ty con.

Mô hình này được đánh giá tiên tiến bởi nó giúp tăng hiệu quả sử dụng vốn, vừa tối ưu vì hoạt động điều phối sẽ được tập trung về một đầu mối là công ty mẹ. Các công ty con sẽ chỉ tập trung vào sản xuất kinh doanh. Để thực hiện các dự án quy mô vừa và lớn, doanh nghiệp phải huy động lượng vốn vay lớn từ các tổ chức tín dụng dẫn đến chi phí lãi vay cao, vượt xa mức trần theo quy định của Nghị định.

Hoạt động theo mô hình mẹ - con để hỗ trợ nhau thực hiện các công trình lớn, có thể hiểu bản chất các giao dịch của công ty chỉ nhằm mục đích tăng năng lực cạnh tranh, tập trung chuyên môn hoá cho từng công ty trong tổng công ty.

Tại một số nhóm ngành, bản chất các giao dịch liên kết có tính chất "cho vay lại" giữa công ty mẹ và các đơn vị thành viên. Nếu tính giới hạn chi phí lãi vay như quy định tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP thì khiến cả bộ máy gặp khó trong cân đối vốn đầu tư của công ty mẹ khi thực hiện đầu tư dự án nhỏ hơn tại các công ty con.

Trong trường hợp phải áp dụng quy định này tại công ty mẹ và các đơn vị thành viên sẽ chịu phát sinh số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tăng rất lớn. Đối với các khoản vay mà công ty mẹ vay về và cho công ty con vay lại thì chi phí lãi vay phát sinh tại cả công ty mẹ và công ty con tính trên cùng một khoản vay và sẽ bị áp trần 2 lần tại 2 công ty.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Nhiều doanh nghiệp nội địa cho rằng họ có công ty liên kết đều hoạt động ở Việt Nam và cùng chịu một mức thuế thu nhập doanh nghiệp nên không có động cơ chuyển giá nhằm mục đích hưởng lợi về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Cách đây không lâu, một số doanh nghiệp lão làng trong ngành điện EVN, ngành than, cho biết, nếu tránh quy định về mức trần chi phí lãi vay, tránh không có các giao dịch liên kết, doanh nghiệp sẽ buộc phải thuê nhà thầu bên ngoài. Điều này làm giảm năng lực cạnh tranh, không định hướng được chiến lược phát triển, một số công ty ty giảm việc làm và dẫn tới nguy cơ phá sản.

Về lợi nhuận, nếu áp trần phí vay, nhiều công ty sẽ dương lợi nhuận trước thuế nhưng sau thuế lại âm hoặc có công ty lợi nhuận trước thuế đã âm rồi nhưng vẫn phải nộp thêm thuế thu nhập doanh nghiệp dẫn đến tăng lỗ nhiều hơn.

Nhóm doanh nghiệp bất động sản vừa khổ vừa khó?

Các doanh nghiệp bất động sản là một trong những nhóm ngành cần nhiều vốn vay nhất trong hệ kinh tế. Các công ty thuộc nhóm ngành này thường sẽ hình thành mô hình công ty mẹ con, hay công ty liên kết để triển khai dự án cho tập trung và chuyên nghiệp. Với hai yếu tố này (thiếu vốn, hoạt động mô hình mẹ – con), các doanh nghiệp bất động sản sẽ gặp khó khăn kép với Nghị định 20.

Theo quy định của Luật Đầu tư, vốn đầu tư của một dự án bao gồm vốn góp của nhà đầu tư và vốn huy động.
Theo quy định Nghị định 43/2014/NĐ-CP, doanh nghiệp bất động sản có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20ha; không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20ha trở lên. Đồng thời, các doanh nghiệp có khả năng huy động vốn để thực hiện dự án từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức, cá nhân khác.

Như vậy, đối với một dự án đầu tư có sử dụng đất, ngoài vốn tự có, doanh nghiệp có quyền vay hoặc thực hiện các hình thức huy động vốn khác để triển khai dự án với tỷ lệ là từ 80 đến 85%.

Như vậy, chi phí lãi vay trên tổng lợi nhuận tại các doanh nghiệp bất động sản hầu hết cao hơn tỷ lệ chi phí lãi vay theo Nghị định 20. Nếu áp dụng quy định của Nghị định này, doanh nghiệp bất động sản khó triển khai dự án quy mô lớn.

Mầm khởi nghiệp khó thành cây to

Thực tế, việc khống chế chi phí lãi vay cũng khiến các doanh nghiệp mới lớn, khởi nghiệp vô cùng lo lắng. Bản chất những doanh nghiệp này đang nhỏ cả về quy mô lẫn phương tiện sản xuất. Khi chưa đủ nhiều uy tín như các doanh nghiệp khổng lồ, việc vay vốn của công ty mới thành lập cũng thường khó khăn hơn.

Thậm chí họ không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng mà phải vay vốn ngoài với lãi suất cao. Chi phí vốn vay những năm đầu thường tỷ lệ nghịch so với lợi nhuận. Trong khi đó, các doanh nghiệp này hơn bao giờ hết cần phát triển và mở rộng quy mô. Khi không có vốn, họ không thể lớn.

Nhìn chung, với ba nhóm doanh nghiệp nói trên, việc áp trần phí lãi vay là chưa thật công bằng. Lý lẽ đưa ra rằng, chi phí lãi vay của tổng công ty phát sinh thực tế từ việc vay vốn tại các tổ chức tín dụng, theo giá thị trường có hồ sơ, chứng từ hợp lệ. Do vậy, quy định về mức trần trên tổng chi phí lãi vay được trừ bao gồm cả giao dịch liên kết và giao dịch độc lập là chưa phù hợp với bản chất, mục đích của việc quản lý thuế đối với giao dịch liên kết. Do đó, doanh nghiệp cho rằng, quy định đang tạo ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp có quan hệ liên kết và không liên kết.