19/01/2025 | 12:11 GMT+7, Hà Nội

“Áp trần” hạn mức giải ngân trực tiếp: Khó cho cả ba bên

Cập nhật lúc: 11/04/2019, 16:38

Điểm cốt lõi nhận được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia khi bàn về dự thảo là việc kiểm soát chặt chẽ mục đích sử dụng vốn của khách hàng.

Cơ quan quản lý Nhà nước sẽ khó kiểm tra, giám sát và quan trọng hơn là khó đạt được mục tiêu đẩy lùi “tín dụng đen”; các Công ty tài chính (CTTC) bị bó hẹp phạm vi và phương thức hoạt động còn khách hàng có nhu cầu thì khó tiếp cận nguồn vốn.

Đây là những bất cập lớn trong việc “áp trần” hạn mức giải ngân trực tiếp theo tinh thần dự thảo sửa đổi Thông tư 43.

“Siết” quá sẽ khó đạt mục tiêu xóa “tín dụng đen”

Trong thời điểm hiện tại, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc bổ sung, sửa đổi Thông tư 43 là động thái đáng ghi nhận, tín hiệu quan trọng trong những giải pháp hạn chế “tín dụng đen”. Tuy nhiên, nếu “siết chặt” quá theo dự thảo sẽ khó đạt mục tiêu… Bởi vì, khi đó người tiêu dùng sẽ khó tiếp cận được nguồn vay (nếu so với vay nóng, vay tín dụng phi chính thức), lúc này vô hình trung trở thành “rào cản” cho mục tiêu đã đề ra.

Muốn tín dụng tiêu dùng góp phần giảm thiểu “tín dụng đen” thì các tổ chức tín dụng, Công ty tài chính phải đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng. Ảnh minh họa

Muốn tín dụng tiêu dùng góp phần giảm thiểu “tín dụng đen” thì các tổ chức tín dụng, Công ty tài chính phải đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng. Ảnh minh họa

Cụ thể, luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên VIAC, Chủ tịch Công ty luật BASICO nhận định, việc hạn chế quá chặt chẽ phát triển tín dụng tiêu dùng sẽ hạn chế người dân tiếp cận được nguồn vốn này. Trong bối cảnh nhu cầu vay vốn tiêu dùng trong xã hội ngày càng lớn, thì sẽ buộc người dân phải tìm đến các hình thức cho vay rủi ro cao hoặc phi pháp (vay nặng lãi, tín dụng đen…) gây bất ổn cho xã hội.

Trong khi đó, TS. Phan Minh Ngọc - Giám đốc Intelligence Service Partners (Singapore) nhấn mạnh rằng: “Người vướng vào “tín dụng đen” thường là người có nhu cầu vay tiền mặt ngay, chứ không phải là người vay tiền để mua hàng hóa và dịch vụ… Vì thế, siết lại việc cho vay giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay của CTTC cũng cần thiết nhưng nếu “chặt quá” thì người dân buộc phải “trông chờ” vào “tín dụng đen” để giải quyết nhu cầu cấp bách. Lúc đó chủ trương chống “tín dụng đen” của NHNN sẽ khó thành hiện thực”.

Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, muốn tín dụng tiêu dùng góp phần giảm thiểu “tín dụng đen” thì các tổ chức tín dụng, CTTC phải đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng. Nếu người đi vay có điều kiện cần một số tiền để tổ chức một bữa tiệc liên hoan hoặc trả tiền viện phí… trong khi tổ chức tín dụng, CTTC bị khống chế 30% giải ngân tiền mặt nên không thể giải ngân được thì có thể họ sẽ đẩy các khách hàng này vào trường hợp đi vay “tín dụng đen” để phục vụ cho chi phí nóng. Chính vì thế, việc giới hạn giải ngân về tiền mặt sẽ không hỗ trợ giải quyết “tín dụng đen” nếu chúng ta có trần khống chế 30%.

Theo các chuyên gia, dư nợ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn ở mức thấp, trong khi những đóng góp của tiêu dùng đối với tăng trưởng kinh tế là rất tích cực. Chính vì vậy, khi điều chỉnh các chính sách cho vay với lĩnh vực tiêu dùng cũng cần hài hòa các mục tiêu, vừa kiểm soát được hoạt động cho vay nhưng đồng thời phải đảm bảo sát thực tiễn mới hy vọng mang lại lợi ích cả về kinh tế và hiệu quả xã hội.

Kiểm soát mục đích sử dụng vốn

Điểm cốt lõi nhận được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia khi bàn về dự thảo là việc kiểm soát chặt chẽ mục đích sử dụng vốn của khách hàng. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành của Luật các Tổ chức tín dụng và Thông tư 39 của Ngân hàng Nhà nước cho thấy rằng, cho dù là phương thức giải ngân nào thì các tổ chức tín dụng đều có trách nhiệm kiểm soát mục đích sử dụng vốn.

Về nguyên tắc, tổ chức tín dụng không thể đặt hết niềm tin vào sự ngay tình của khách hàng hay những thông tin mà khách hàng cung cấp liên quan đến việc sử dụng vốn vay. Do đó, tổ chức tín dụng sẽ chủ động kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay thông qua việc tiến hành kiểm tra định kỳ và yêu cầu khách hàng vay cung cấp một số tài liệu, chứng từ…

Phân tích kỹ hơn cơ sở pháp lý này, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng: Cơ quan hành chính Nhà nước sẽ rất khó để có thể thanh tra, giám sát được hoạt động cho vay sẽ được tiến hành theo hình thức nào. Điều đó là phi thực tế và hoàn toàn không thể kiểm soát được, nhất là trong bối cảnh, tín dụng tiêu dùng đang có tiềm năng phát triển mạnh mẽ.

“Thậm chí theo tôi, chi phí để có thể thanh tra, giám sát với hàng triệu lượt vay tiêu dùng có thể sẽ lớn hơn cả chi phí lãi vay trong nhiều trường hợp. Ngoài ra, việc quy định này là không cần thiết, bởi thực tế, khi vay tiêu dùng, khách hàng đã phải chịu quy định theo hợp đồng và chứng minh khả năng trả nợ; còn CTTC đã phải thẩm định và chịu trách nhiệm khi cho vay”, TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích thêm.

Ngoài ra, theo luật sư Trương Thanh Đức, khi triển khai sản phẩm cho vay tiêu dùng giải ngân cho người thụ hưởng, CTTC buộc phải thu thập hồ sơ cho vay bao gồm cả các hóa đơn, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn trước khi giải ngân.

“Trong khi đó, nhiều nhu cầu vay vốn như đóng học phí, du lịch, hiếu hỷ, sửa chữa nhà cửa, trang trải chi phí sinh hoạt gia đình, người dân không có chứng từ hoặc chỉ có thể hoàn thiện chứng từ sau giải ngân. Khách hàng theo đó khi có nhu cầu sẽ tìm cách hợp lý hóa chứng từ để rút tiền mặt, điều này có thể gây rủi ro lớn cho hoạt động tín dụng”, luật sư Đức dự báo những kẽ hở có thể bị “lách”.

Như vậy, dù xét trên góc độ pháp lý lẫn thực tế, rõ ràng là phương thức giải ngân cho người thụ hưởng không phải là phương pháp duy nhất để kiểm soát vốn vay; Công ty tài chính tùy theo tính chất và mức độ rủi ro của từng sản phẩm sẽ có biện pháp phù hợp để kiểm soát vốn vay nhằm đảm bảo quyền lợi cũng như an toàn vốn cho chính mình. Điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế khi ở hầu hết các quốc gia có nền tài chính phát triển thì việc kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay chỉ đơn thuần được xem là quyền của tổ chức tín dụng./.

Hương Nguyễn