Ảnh hưởng dịch bệnh, GRDP năm 2021 của Hà Nội vẫn tăng 2,92%
Cập nhật lúc: 29/12/2021, 06:54
Cập nhật lúc: 29/12/2021, 06:54
Tăng trưởng GRDP năm nay đạt thấp hơn kế hoạch năm 2021 (7,5%) và thấp hơn mức tăng trưởng năm 2020 (4,18%), chủ yếu do ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, nhất là trong quý III khi hầu hết các ngành, lĩnh vực bị suy giảm mạnh.
"Tuy nhiên, 2,92% là mức sát với kịch bản cao nhất của TP đề ra GRDP năm 2021 là tăng 2,35 - 3%"- Cục trưởng Cục Thống kê Hà Nội Đậu Ngọc Hùng cho hay.
Dưới tác động nặng nề của dịch Covid-19, đến nay TP vẫn duy trì tăng trưởng kinh tế. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý IV năm 2021 ước tính tăng 6,69% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,55%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,04%; khu vực dịch vụ tăng 6,84%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,92%. Tăng trưởng GRDP quý IV năm nay cao hơn mức tăng 6,29% cùng kỳ năm 2020, đồng thời cao hơn mức tăng của các quý trước, điều này thể hiện rõ xu hướng phục hồi tăng trưởng.
"Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều TP lớn tăng trưởng âm hoặc thấp thì kết quả trên với xu hướng phục hồi tích cực trong quý IV là rất quan trọng, thể hiện tính chủ động, kịp thời, hiệu quả của TP trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh"- Cục Thống kê đánh giá. Với sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng DN để thực hiện mục tiêu "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Ông Đậu Ngọc Hùng cho hay, trong mức tăng trưởng chung, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2021 ước tính tăng 3,46% so với năm 2020, đóng góp 0,07 điểm % vào mức tăng GRDP. Khu vực công nghiệp và xây dựng ước tính năm 2021 tăng 3,85% so với năm 2020, đóng góp 0,87 điểm %.
Ngành xây dựng do chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 trong quý III và tình hình giải ngân, thực hiện vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm thấp, nên mặc dù quý IV tăng khá nhưng cả năm 2021 ngành xây dựng chỉ tăng 1,37%, đóng góp 0,12% vào tăng trưởng chung.
Những tháng cuối năm 2021, Hà Nội cùng cả nước thực hiện mục tiêu "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", nhiều hoạt động thương mại, dịch vụ, nhà hàng dần mở cửa trở lại sau thời gian dài hạn chế và tạm ngừng hoạt động để phòng, chống dịch. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý IV tăng 81,1% so với quý III và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2020. Dù vậy, tính chung cả năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 4,6% so với năm 2020, mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây.
Khu vực dịch vụ năm 2021 ước tính tăng 2,71% so với năm 2020, đóng góp 1,72 điểm % vào mức tăng GRDP, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm gần đây do chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, nhất là các ngành, lĩnh vực: Du lịch, khách sạn, nhà hàng, vận tải, xuất nhập khẩu, vui chơi, giải trí...
Bên cạnh đó, có một số ngành đạt mức tăng trưởng khá đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của TP: Ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 10,26%; thông tin và truyền thông tăng 6,55%; khoa học công nghệ tăng 5,77%; riêng hoạt động y tế và trợ giúp xã hội tăng 27,47%. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tính tăng 2,19% so với năm 2020, chiếm 0,25 điểm % mức tăng chung.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả năm ước tính đạt trên 51 tỷ USD, tăng 13,7% so với năm trước.
Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn TP năm 2021 giảm 0,8% so với năm 2020, mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây do ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 trong quý III và giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2021 đạt 1,5 tỷ USD, trong đó đăng ký mới 364 dự án với số vốn 238 triệu USD; 146 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 813 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 465 lượt, đạt 448 triệu USD.
Năm 2021, TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 24.100 DN, tổng số vốn đăng ký mới đạt 345.700 tỷ đồng. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký DN qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn TP năm 2021 ước thực hiện 255,1 nghìn tỷ đồng, đạt 108,3% dự toán Trung ương giao (đạt 101,5% dự toán HĐND TP giao). Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP đến cuối tháng 12 tăng 1% so tháng trước và tăng 12,6% so với thời điểm kết thúc năm 2020.
Công tác an sinh xã hội được đảm bảo. Tính đến ngày 15/12/2021, Thành phố đã hỗ trợ bằng tiền mặt cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 với tổng kinh phí khoảng 6.561 tỷ đồng, bao gồm tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7//2021 và Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ; Nghị quyết 15/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 của HĐND thành phố Hà Nội; hỗ trợ từ nguồn vận động xã hội hoá và các nguồn khác. Bên cạnh đó thực hiện giảm giá tiền điện cho trên 4,7 triệu lượt khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 31/7/2021 của Chính phủ với tổng số tiền đến hết tháng 11/2021 là 631,3 tỷ đồng. Từ tháng 9/2021 Thành phố thực hiện hỗ trợ giảm 15% tiền nước sinh hoạt cho các hộ dân trong 4 tháng cuối năm, đến hết tháng 11/2021 đã có hơn 4,2 triệu lượt hộ gia đình được trợ giá nước sạch với số tiền 89,2 tỷ đồng…
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn Hà Nội được kiểm soát và điều hành theo kế hoạch. CPI tháng 12 giảm 0,21% so với tháng trước và tăng 2,55% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân năm 2021 tăng 1,77% so với bình quân cùng kỳ năm 2020, là mức tăng thấp trong nhiều năm gần đây.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/xu-huong-bat-dong-san-nao-se-chiem-uu-the-trong-nam-2022-444981.html
11:18, 09/12/2021
14:48, 25/06/2021
18:17, 28/12/2020