19/01/2025 | 07:26 GMT+7, Hà Nội

Ăn sạch không đơn giản (2): Cẩn trọng chiêu trò “tiền nào của nấy”

Cập nhật lúc: 02/02/2018, 06:31

Trước nhu cầu thực phẩm sạch tăng cao, đặc biệt là trong dịp tết, nhiều cửa hàng kinh doanh thực phẩm liên tục đẩy giá lên mức vô lý nhằm đánh vào tâm lý “tiền nào của nấy” của người tiêu dùng.

Cẩn trọng chiêu trò “tiền nào của nấy”

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về ăn uống, sản phẩm sạch, có chất lượng tốt, nhiều cửa hàng kinh doanh thực phẩm liên tục mọc lên như nấm sau mưa. 

Tại Hà Nội, có thể kể đến chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm như Cleverfood, Greener, An Việt Food… Tuy nhiên, giá của các loại thực phẩm tại đây tương đối cao so với các mặt hàng tương đương tại chợ dân sinh hoặc siêu thị.

Cụ thể, nếu tại các chợ dân sinh, rau củ quả có thể bán theo mớ hoặc cân với giá cả khá rẻ, thì với các sản phẩm tương đương gắn mác "thực phẩm sạch" tại các chuỗi cửa hàng có tên tuổi thường được bán với giá gấp hai, thậm chí ba lần.

Người tiêu dùng không nên quá tin vào quảng cáo gia súc, gia cầm nuôi bằng các loại hạt không biến đổi gen hoặc thảo dược. Bởi, giá của các thực phẩm này thường đắt hơn thực phẩm thông thường nhiều lần mà công dụng không quá lớn như quảng cáo (Ảnh: Nguyễn Hạnh)

Người tiêu dùng không nên quá tin vào quảng cáo gia súc, gia cầm nuôi bằng các loại hạt không biến đổi gen hoặc thảo dược. (Ảnh: Nguyễn Hạnh)

Ví dụ, với mỗi kg thịt lợn ba chỉ, các chợ dân sinh hiện đang bán ở mức 70.000 – 80.000 đồng trong khi các cửa hàng thực phẩm sạch bán với từ 145.000 - 165.000 đồng. Một số cửa hàng bán thịt lợn sạch (được quảng cáo là nuôi bằng thảo dược) có giá lên tới hơn 200.000 đồng/kg. 

Hay như thịt gà ta thông thường được bán tại các chợ có giá từ 90.000 - 120.000 đồng/kg thì thịt lợn được một cửa hàng giới thiệu là nuôi theo hướng hữu cơ và giun quế có giá 190.000 đồng/kg đối với gà sống và 215.000 đồng/kg nếu tính theo khối lượng thịt gà sau mổ.

Sầu riêng loại 1 được bán phổ biến ngoài chợ với giá 90.000 - 120.000 đồng/kg nhưng tại một cửa hàng gắn mác thực phẩm sạch, loại hoa quả này được bán với giá 360.000 đồng/kg kèm lời quảng cáo "sầu chín rụng tự nhiên" mà vẫn đắt hàng. 

Giá các loại thịt bò, thịt gia cầm khác tại các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch cũng khá cao và thường đi kèm với các lời giới thiệu khá hoa mỹ như: Hoa quả, rau củ trồng hữu cơ; gia súc, gia cầm được nuôi bằng các loại hạt biến đổi gen, thảo dược, vừa là thực phẩm, vừa có công dụng như một vị thuốc.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo người tiêu dùng không nên quá tin vào những lời quảng cáo vì giá của các loại thực phẩm này thường đắt hơn nhiều lần mà công dụng không quá kỳ diệu như vậy. Đấy là còn chưa kể đến những trường hợp “treo đầu dê bán thịt chó” hay lợi dụng tâm lý "tiền nào của nấy" của khách hàng để tăng giá vô tội vạ. 

Cần tỉnh táo khi chọn thực phẩm sạch

Trước làn sóng thực phẩm bẩn liên tục "tấn công" mâm cơm của các gia đình, một trong những vấn đề làm người nội chợ đau đầu nhất chính là lựa chọn thực phẩm sạch, an toàn cho gia đình, đặc biệt là các gia đình có trẻ nhỏ. Có lẽ vì vậy nên họ không tiếc tiền mua các sản phẩm được quảng cáo "an toàn, hữu cơ, nuôi trồng sạch, nhà tự nuôi".

Tuy nhiên, giá cả đôi khi không đi kèm với chất lượng và người tiêu dùng được khuyến cáo cần tỉnh táo khi chọn thực phẩm sạch để không "tiền mất tật mang". 

Ví dụ như Sói Biển, một cửa hàng tuyên bố bán thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ nhưng thường xuyên dính "phốt" khi bị khách hàng nghi ngờ về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm khi mỗi lần nhân viên trả lời một kiểu hoặc bán hàng với giá quá cao so với giá nhập, hàng quá hạn sử dụng vẫn được bày bán trên kệ,.... 

Ông Đào Ngọc Nam (Giám đốc công ty Thương mại và Sản xuất An Việt) khuyến cáo, đối với người tiêu dùng, khi lựa chọn thực phẩm sạch là tìm những nhà sản xuất, nhà cung cấp, phân phối sản phẩm có quy trình nuôi trồng an toàn, khép kín. Lựa chọn các chuỗi cửa hàng có giấy phép kinh doanh, đầy đủ phiếu kiểm định hợp chuẩn, bố trí hệ thống bảo quản, vệ sinh an toàn thực phẩm tốt.

Cần lựa chọn nguồn thực phẩm đủ an toàn thông qua kiến thức, tìm hiểu kỹ về nguồn thực phẩm, nhà cung cấp thực phẩm (Ảnh: Nguyễn Hạnh)

Cần lựa chọn nguồn thực phẩm đủ an toàn bằng kiến thức và quá trình tìm hiểu về nguồn thực phẩm, nhà cung cấp thực phẩm (Ảnh: Nguyễn Hạnh)

Người tiêu dùng khi sử dụng thực phẩm sạch cũng cần có kiến thức tốt về dinh dưỡng, về quy định đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bởi, về cơ bản, nhìn bằng mắt thường rất khó để phân biệt được đâu là rau củ quả hay thịt gia súc, gia cầm (sau giết mổ) sạch, đâu là thực phẩm “bẩn”.

Đặc biệt, với những loại thịt gia súc, gia cầm được cho là ăn các loại hạt không nhiễm sắc thể, ăn thảo dược, người tiêu dùng cần có sự tinh tế, cân nhắc trước khi sử dụng.

Đơn cử như đối với lợn (được cho là nuôi bằng thảo dược) thường có giá cao gấp đôi đến gấp ba giá thịt lợn ở chợ. Tuy nhiên, thịt lợn thảo dược có thực sự tốt như nhiều người đồn đại hay không, người tiêu dùng không nên kỳ vọng. 

Theo một số nhà dinh dưỡng, hệ tiêu hóa của lợn không giống hệ tiêu hóa của con người. Việc nuôi lợn bằng các loại lá, cây thảo dược có thể giúp cho lợn khỏe mạnh, nhưng không có nghiên cứu nào có thể khẳng định lợn sẽ giữ được những chất quý của thảo dược, để con người hấp thụ qua thịt của chúng.

(còn nữa...)