19/01/2025 | 15:57 GMT+7, Hà Nội

Ấn Độ dừng nhập hương nhang Việt Nam, nguy cơ hơn 2,5 vạn lao động lao đao

Cập nhật lúc: 11/10/2019, 19:00

Việc Ấn Độ áp dụng hạn chế nhập khẩu đối với mặt hàng hương nhang từ Việt Nam đã đe dọa sự tồn tại của hơn 100 doanh nghiệp sản xuất hương nhang xuất khẩu và cuộc sống của hơn 2,5 vạn lao động.

Theo thống kê sơ bộ của Bộ Công Thương dựa trên số liệu của các doanh nghiệp, căn cứ các hợp đồng đã ký với đối tác Ấn Độ trước ngày 31/8/2019, thì hiện trong nước còn tồn hơn 300 công hàng của các doanh nghiệp Việt Nam không thể xuất sang Ấn Độ.

Ngoài ra, còn 14 công hàng hương nhang của Việt Nam đã xuất đi nhưng hiện đang mắc tại cảng của Ấn Độ không thể làm thủ tục thông quan.

Bộ Công Thương nhận định, ngành sản xuất và xuất khẩu hương nhang của Việt Nam không thể chuyển đổi sản xuất hương nhang cho thị trường khác, không thể tận dụng nguồn nguyên liệu, máy móc.

Theo đó, việc Ấn Độ ra thông báo dừng nhập hương nhang từ Việt Nam đe dọa sự tồn tại của hơn 100 doanh nghiệp sản xuất hương nhang xuất khẩu và cuộc sống của hơn 2,5 vạn lao động.

Ấn Độ hiện là thị trường xuất khẩu hương nhang chính (không có thị trường thay thế) của ngành hương nhang xuất khẩu của Việt Nam. 

Tính trung bình, mỗi tháng các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu khoảng hơn 300 công hàng hương nhang sang thị trường Ấn Độ (kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang Ấn Độ năm 2018 - 2019 là 76,85 triệu USD).

Do vậy, việc hạn chế nhập khẩu hương nhang của Ấn Độ theo Thông báo 15 nói trên khiến cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp ngay lập tức bị dừng lại. Các doanh nghiệp đã phải ngừng vận chuyển công hàng theo hợp đồng.

Trong khi đó, tháng 9 hàng năm là tháng cao điểm cho hoạt động xuất khẩu hương sang Ấn Độ nhằm phục vụ cho dịp lễ lớn nhất của Ấn Độ trong tháng 10.

Việc Ấn Độ ra thông báo dừng nhập hương nhang từ Việt Nam đe dọa sự tồn tại của hơn 100 doanh nghiệp sản xuất hương nhang xuất khẩu và cuộc sống của hơn 2,5 vạn lao động.

Trước đó, các doanh nghiệp của Việt Nam đều tập trung nhân lực, tài chính, nguyên vật liệu để sản xuất hàng. Lượng hàng tồn kho rất lớn, không xuất khẩu đi nước khác được do không có thị trường xuất khẩu thay thế. Nhà xưởng phải tạm ngừng sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp và việc làm, đời sống của hàng nghìn công nhân.

Được biết, ngay sau thông báo của Ấn Độ về việc áp dụng hạn chế nhập khẩu đối với mặt hàng hương nhang Việt Nam, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trước nguy cơ ngành này bị thiệt hại nghiêm trọng.

Trước đó, vào ngày 31/8/2019, Bộ Công Thương Ấn Độ (Tổng cục Ngoại thương) ban hành Thông báo số 15/2015- 2020 về việc điều chỉnh chính sách nhập khẩu đối với mặt hàng hương nhang (Agarbatti). 

Theo đó, việc nhập khẩu hương nhang và các chế phẩm khác vào Ấn Độ được chuyển từ trạng thái "tự do nhập khẩu" sang "hạn chế nhập khẩu", có hiệu lực ngay ngày 31/8/2019.

Theo chính sách điều chỉnh, để có thể nhập khẩu vào Ấn Độ, các doanh nghiệp hương nhang và chế phẩm khác phải xin giấy phép nhập khẩu từ Bộ Công Thương Ấn Độ (do Tổng cục Ngoại thương cấp). 

Tuy nhiên, đến nay, Bộ Công Thương Ấn Độ chưa đưa ra hướng dẫn chi tiết về thủ tục cấp phép nhập khẩu cũng như thời gian cấp phép. Theo phản ánh của các đối tác nhập khẩu hương nhang tại Ấn Độ, chưa có doanh nghiệp nào xin được giấy phép nhập khẩu.

Việc Ấn Độ áp dụng chế độ cấp phép nhập khẩu hương nhang đột ngột (có hiệu lực ngay tại thời điểm thông báo), không thông báo trước đã tạo ra những khó khăn nghiêm trọng cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Được biết, ngay sau thông báo của Ấn Độ về việc áp dụng hạn chế nhập khẩu đối với mặt hàng hương nhang Việt Nam, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trước nguy cơ ngành này bị thiệt hại nghiêm trọng.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, sẽ có các biện pháp quyết liệt hơn như phối hợp với Bộ Ngoại giao để đưa lên cấp cao hơn nữa, đồng thời tiếp tục đề nghị với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, thương vụ Việt Nam bám sát, đôn đốc phía Ấn Độ.

Bên cạnh đó, xem xét, tạm thời ngừng áp dụng biện pháp cấp phép nhập khẩu trong thời gian nhu cầu thị trường ở mức đỉnh điểm (tháng 9 và tháng 10/2019) và về lâu dài hủy bỏ biện pháp quản lý nhập khẩu nói trên.

Phản hồi đề xuất của lãnh đạo Bộ Công Thương, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam rất chia sẻ về những tác động nghiêm trọng do biện pháp chính sách của phía Ấn Độ gây ra đối với doanh nghiệp và người dân Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu hương nhang.

Phía Đại sứ quán Ấn Độ đã liên hệ với các cơ quan để chuyển các đề nghị của phía Việt Nam tới trực tiếp Chính phủ Ấn Độ và cho biết sẽ sớm có hướng giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp. Trước mắt sẽ cố gắng cho thông quan đối với 14 công hàng đang nằm tại các cảng của Ấn Độ.

Theo thống kê của Ấn Độ, kim ngạch nhập khẩu hương nhang của Ấn Độ (mã HS 33074100) liên tục tăng trưởng qua các năm. Năm 2018- 2019, Ấn Độ nhập khẩu 83,58 triệu USD hương nhang từ các nước trên thế giới.

Hai nước xuất khẩu chính hương nhang sang Ấn Độ là Việt Nam và Trung Quốc. Trong đó, Việt Nam luôn chiếm khoảng 90% thị phần nhập khẩu của Ấn Độ.