19/01/2025 | 07:22 GMT+7, Hà Nội

Ăn cá chết do chất độc ảnh hưởng như thế nào tới sức khoẻ?

Cập nhật lúc: 25/04/2016, 11:20

Đau bụng, nôn, tiêu chảy, toàn thân bị lạnh rồi sốt, suy nhược cơ thể… là những triệu chứng mà nạn nhân có thể mắc phải sau khi ăn sản phẩm được chế biến từ cá chết, cá nhiễm độc.

Trước thông tin cá chết hàng loạt tại miền Trung, nhiều người tiêu dùng đã tỏ ra lo ngại trước những sản phẩm được chế biến từ cá và hạn chế các món ăn từ hải sản, cá biển.

Vậy nếu không may chúng ta ăn vào những sản phẩm chế biến từ cá chết do nhiễm độc này thì hậu quả sẽ ra sao?

Theo chia sẻ trên Gia đình Xã hội, TS Bùi Quang Tề, Chuyên gia bệnh học thủy sản (nguyên Trưởng phòng Sinh học thực nghiệm, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I) cho hay: Thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như cá, trứng, thịt là các chất giàu đạm, rất dễ trở thành môi trường tốt cho các vi sinh vật, nhất là vi khuẩn gây bệnh phát triển.

Bình thường cá sống đã mang những mầm bệnh có thể lây qua người. Cá có thể bị nhiễm các vi khuẩn, ấu trùng sán và một số virus. Loại ký sinh trùng này nếu không được tiêu diệt có thể lây sang cơ thể người và cư trú trong ruột của người suốt nhiều năm gây bệnh cho người.

Khi cá mới chết (trong vòng 2 tiếng đổ lại) thì trong thịt cá chưa có vi khuẩn gây hại, vẫn giữ được các thành phần các chất dinh dưỡng.

Nhưng nếu cá chết lâu hoặc không ướp lạnh ngay, cá dễ bị ươn, thối. Khi đó vi khuẩn gây thối sẽ phát triển mạnh tạo thành những chất độc. Vi khuẩn gây thối nhiều thì dù có chiên lên ở nhiệt độ cao thì cũng không thể làm mất hết độc được.

Nếu ăn phải thức ăn chế biến từ cá chết có thể khiến người ăn bị ngộ độc do vi khuẩn Ecoli, Salmonella gây ra.

Khoảng 12-14h sau khi ăn thực phẩm có chứa vi khuẩn, nạn nhân sẽ có các triệu chứng như đau bụng, nôn, tiêu chảy, toàn thân bị lạnh rồi sốt, suy nhược cơ thể…

Ảnh minh họa. (Nguồn: Lao động)

Còn theo chia sẻ từ BS Trần Văn Ký, Chuyên gia về vệ sinh an toàn thực phẩm (Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN) thì cá tươi có chất dinh dưỡng chủ yếu là protein, lipit… Nhưng khi cá không còn tươi thì dinh dưỡng không còn nữa, nó chuyển hoá thành một số chất độc như amoniac NH3 và nhiều chất khác…

Chưa nói, với cá ươn, người chế biến phải sử dụng hóa chất, phụ gia để làm mất mùi thối, tanh của cá.

Họ sẽ cho những hoá chất tẩy trắng, cho hương vị tạo mùi và chất dai giòn vào kết hợp với nhau quánh lại tạo thành độ dính của phụ gia hoá chất, chứ không phải của cá.

Khi ăn, người tiêu dùng bị đánh lừa cảm giác thấy ngon miệng vì hương, mùi vị, màu của phụ gia. Những hoá chất, phụ gia sẽ gây hại cho người sử dụng vì chúng thường không mất đi qua chế biến.

Nguyên nhân khiến cho cá chết hàng loạt đến nay vẫn chưa được làm rõ. Vì vậy, việc người tiêu dùng lo ngại về chất lượng và gần như "quay lưng" với các sản phẩm biển là điều có thể hiểu được.

Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của chính mình và người thân, mỗi bà nội trợ, người tiêu dùng cần lựa chọn sản phẩm đảm bảo uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.