22/11/2024 | 13:19 GMT+7, Hà Nội

Amway nói gì về kết quả thanh tra của Bộ Công thương?

Cập nhật lúc: 18/01/2017, 14:42

Trao đổi với DĐDN, Đại diện công ty Amway cho biết, Bộ Công Thương vừa công bố kết quả thanh tra hoạt động bán hàng đa cấp 2016 đối với hai công ty là Amway và Thiên Ngọc Minh Uy, tuy nhiên Amway luôn cam kết và tuân thủ pháp luật của Việt Nam.

Đại diện Amway khẳng định đã gửi thông báo bằng thư bảo đảm tới 63 sở công thương cho cả 7 lần thông báo sửa đổi bổ sung giấy phép bán hàng đa cấp, tổng cộng là 441 thông báo

Đại diện Amway khẳng định đã gửi thông báo bằng thư bảo đảm tới 63 sở công thương cho cả 7 lần thông báo sửa đổi bổ sung giấy phép bán hàng đa cấp, tổng cộng là 441 thông báo.

Đại diện Amway cũng cho rằng DN này luôn nỗ lực tuân thủ quy định pháp luật Nhà nước về bán hàng đa cấp, cụ thể là Nghị định 42/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý đối với hoạt động bán hàng đa cấp.

Công ty cũng đã được Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai cấp giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp số 47-02-000001 ngày 29/11/2006 theo Nghị Định 110/2005/ND-CP và được Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp số 002/QLCT-GCN ngày 17/10/2014 theo Nghị định 42 để được phép hoạt động trên phạm vi toàn quốc và thực hiện nghĩa vụ thông báo hoạt động đến 63 tỉnh thành. Sau mỗi lần sửa đổi giấy phép, công ty đều đã thực hiện việc thông báo bổ sung tới 63 tỉnh thành tại Việt Nam.

Chia sẻ thêm về kết luận công ty Amway chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thông báo hoạt động bán hàng đa cấp tới các địa phương, đại diện công ty cho biết: “Amway đã gửi thông báo bằng thư bảo đảm tới 63 sở công thương cho cả 7 lần thông báo sửa đổi bổ sung giấy phép bán hàng đa cấp, tổng cộng là 441 thông báo theo quy định của Nghị định 42, tuy nhiên số lượng phản hồi và ra văn bản tiếp nhận thông báo của một số địa phương là không đầy đủ.

Một số địa phương đã giữ quan điểm, “cấm bán hàng đa cấp” tại địa phương mình. Điều này là chưa đúng với tinh thần của luật hiện hành và thể hiện sự phân biệt đối xử với bán hàng đa cấp vốn đã được Việt Nam thừa nhận và bảo vệ trong Luật cạnh tranh”.

Theo trích dẫn từ nội dung “Báo cáo cho Bộ Công Thương về thông báo Hoạt động bán hàng đa cấp tại 63 tỉnh thành” của công ty Amway, có một số bất cập như sau:

“Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC theo quy định của Nghị định 42/2014/NĐ-CP, Công ty đã thực hiện nghĩa vụ thông báo tổ chức hoạt động BHĐC tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo quy định tại Điều 17 Nghị định 42/2014/NĐ-CP.

Trong số 63 tỉnh, thành phố Công ty thực hiện thông báo hoạt động, có 6 Sở Công Thương có tiếp nhận hồ sơ thông báo hoạt động nhưng không ban hành xác nhận tiếp nhận thông báo hoạt động và một Sở Công Thương từ chối tiếp nhận hồ sơ thông báo.

Căn cứ Điều 17, Nghị Định 42/2014/NĐ-CP quy định về nghĩa vụ thông báo hoạt động BHĐC, thông báo sửa đổi bổ sung, Công ty đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thông báo của mình. Đề Nghị Bộ Công Thương có chỉ đạo kịp thời hoặc biện pháp xử lý đối với trường hợp này để tạo điều kiện cho hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh chân chính”.

Phía công ty Amway cũng cho biết: “Hiện nay Bộ Công Thương đang soạn thảo nghị định mới thay thế Nghị định 42 trong đó có nhiều điểm mới nhằm khắc phục những bất cập trên thực tế, cụ thể như doanh nghiệp bán hàng đa cấp được phép thực hiện đào tạo cơ bản trực tuyến/online, hoặc sở công thương địa phương có nghĩa vụ xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp trong vòng 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký của doanh nghiệp…

Quan điểm của nghị định là không cấm hoạt động bán hàng đa cấp, mà phải tìm cách quản lý tốt ngành này, vì bán hàng đa cấp chân chính không phải là nguyên nhân của những vấn đề của ngành, mà việc cơ quan quản lý phân biệt rõ giữa công ty bán hàng đa cấp chân chính với bất chính mới là giải pháp thực sự để ngành phát triển”.