Bộ Công thương lưu ý người dùng thẻ để tránh các tranh chấp phát sinh
Cập nhật lúc: 10/11/2016, 03:19
Cập nhật lúc: 10/11/2016, 03:19
Có 3 vấn đề lớn cần quan tâm, đó là:
Một số phản ánh, khiếu nại liên quan đến việc việc ngân hàng tự ý thu phí thường niên thẻ năm thứ hai mà không có thỏa thuận trước, không thông báo và không được sự đồng ý của người tiêu dùng.
Hành vi này vi phạm khoản 5 Điều 10 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về các hành vi bị cấm, theo đó, cấm yêu cầu người tiêu dùng thanh toán hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp mà không có thỏa thuận trước với người tiêu dùng.
Để tránh các tranh chấp phát sinh liên quan đến hành vi này, trong quá trình sử dụng thẻ, người tiêu dùng cần liên hệ và làm rõ với ngân hàng về chính sách thu phí thẻ, cụ thể: số tiền, thời điểm thu…
Đặc biệt, do thẻ tín dụng thu phí theo từng năm nên người tiêu dùng cần làm rõ sau khi hết hạn sử dụng của năm đầu tiên thì thẻ sẽ được gia hạn tự động hay theo thỏa thuận giữa người tiêu dùng với ngân hàng; việc thu phí từ năm thứ hai trở đi có được thông báo trước cho người tiêu dùng hay không, phương thức thông báo như thế nào (qua điện thoại, tin nhắn hay email).
Những nội dung này thường sẽ được thể hiện trên hợp đồng hoặc tài liệu đăng ký phát hành thẻ.
Bên cạnh các phản ánh về hành vi thu hồi nợ của các công ty tài chính, trong thời gian gần đây Cục QLCT đã tiếp nhận khiếu nại về việc thu hồi nợ của các ngân hàng.
Theo đó, trong quá trình thu hồi nợ, nhân viên ngân hàng đã liên hệ với người thân và tiết lộ các thông tin cá nhân của người tiêu dùng.
Để tránh xảy ra các hành vi phát sinh không mong muốn trong quá trình thu hồi nợ, người tiêu dùng cần nắm rõ thời hạn trả nợ, đồng thời, tìm hiểu về các biện pháp, chính sách mà ngân hàng có thể áp dụng trong trường hợp có nợ quá hạn.
Hiện, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quy định cụ thể và rõ ràng về chính sách thu thập và sử dụng thông tin.
Theo đó, trường hợp thu thập, sử dụng, chuyển giao thông tin của người tiêu dùng thì ngân hàng có trách nhiệm:
a) Thông báo rõ ràng, công khai trước khi thực hiện với người tiêu dùng về mục đích hoạt động thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng;
b) Sử dụng thông tin phù hợp với mục đích đã thông báo với người tiêu dùng và phải được người tiêu dùng đồng ý;
c) Bảo đảm an toàn, chính xác, đầy đủ khi thu thập, sử dụng, chuyển giao thông tin của người tiêu dùng;
d) Tự mình hoặc có biện pháp để người tiêu dùng cập nhật, điều chỉnh thông tin khi phát hiện thấy thông tin đó không chính xác;
đ) Chỉ được chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi có sự đồng ý của người tiêu dùng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Đối chiếu với các quy định trên, nếu phát hiện quyền lợi của mình bị xâm phạm, người tiêu dùng có quyền phản ánh, khiếu nại tới ngân hàng hoặc các cơ quan, tổ chức để làm rõ và bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Tiếp nhận và giải quyết khiếu nại là một trong những dịch vụ tạo nên thương hiệu của ngân hàng, đồng thời, tạo sự an tâm cho người tiêu dùng trong quá trình sử dụng dịch vụ.
Tuy nhiên, qua quá trình tiếp nhận và xử lý các vụ việc phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng trong lĩnh vực ngân hàng tại Cục QLCT cho thấy, việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng tại các ngân hàng hiện nay thường mất rất nhiều thời gian.
Để có căn cứ hỗ trợ người tiêu dùng tránh các sự cố kéo dài trong quá trình giải quyết tranh chấp tại ngân hàng, khi thực hiện phản ánh, khiếu nại, người tiêu dùng nên ưu tiên sử dụng các phương thức khiếu nại qua email hoặc bằng văn bản.
Trường hợp ngân hàng có dấu hiệu kéo dài thời gian giải quyết vụ việc hoặc vụ việc không được phản hồi trong thời hạn 7 ngày làm việc từ ngày ngân hàng nhận được phản ánh, khiếu nại, người tiêu dùng nên phản ánh, khiếu nại vụ việc tới các tổ chức, cơ quan về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để được hỗ trợ và tư vấn giải quyết.
01:03, 13/08/2016
21:43, 12/08/2016
06:35, 02/07/2016