18/01/2025 | 12:18 GMT+7, Hà Nội

Amiăng trắng vô cùng độc hại, cấm hay không cấm?

Cập nhật lúc: 20/05/2020, 14:08

Việt Nam là một trong 6 nước vẫn sử dụng lượng lớn amiăng trong sản xuất, với hơn 50.000 tấn mỗi năm. Gần 80% amiăng nhập khẩu được sử dụng để làm tấm lợp, mặc dù nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng amiăng là chất độc hại.

Còn nhiều tranh cãi tại Việt Nam

Theo thông tin trên website của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), amiăng xâm nhập vào cơ thể và gây hại chủ yếu qua đường hô hấp, khi người lao động và người sử dụng hít phải bụi hô hấp có chứa bụi amiăng phát tán trong môi trường. Các công việc phát sinh bụi chủ yếu trong quy trình sản xuất (xé bao, nghiền, trộn, khoan, nổ mìn…) hay trong sử dụng tại cộng đồng khi người dân khoan, cắt, phá dỡ đập các tấm lợp, vật liệu có chứa amiăng, sử dụng các vật liệu amiăng để làm đường, đổ làm móng nhà…

Tác hại của amiăng đến sức khỏe người lao động và cộng đồng được biết đến là gây bệnh bụi phổi - amiăng, ung thư phổi, ung thư trung biểu mô ác tính, ung thư thực quản... Người tiếp xúc với amiăng thường phát bệnh sau khi tiếp xúc rất lâu, từ 20 - 30 năm, nên thường đến khi nghỉ hưu mới mắc bệnh. Do đó, rất khó để kiểm soát mức độ an toàn đối với sức khỏe con người tại các cơ sở sản xuất và sử dụng amiăng.

Các nghiên cứu trên thế giới đều cho thấy, amiăng có khả năng gây bệnh rất cao dù với mức độ tiếp xúc thấp. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đều khuyến nghị các nước loại bỏ sử dụng tất cả các loại amiăng để phòng chống các bệnh liên quan đến amiăng...

Nhiều quốc gia trên thế giới đã ngừng sử dụng amiăng trong xây dựng

Tháng 8/2018, tại hội thảo về giải pháp quản lý và sử dụng amiăng trắng an toàn trong sản xuất vật liệu xây dựng, do Hội Vật liệu xây dựng tổ chức tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp (Bộ Y tế), nêu quan điểm, lâu nay có nhiều ý kiến tranh cãi về amiăng trắng nhưng chúng ta cần cùng thống nhất là amiăng trắng độc hại. 

Vì có độc hại nên cần giải pháp quản lý và có lộ trình phù hợp cấm amiăng trắng. Công nghệ sản xuất của Việt Nam không thể tiên tiến như ở nước ngoài nên cần đưa ra giải pháp quản lý về cách sử dụng, tránh sử dụng sai cách.

Ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng (VLXD) Việt Nam, cho biết hội nhận được nhiều đơn kêu cứu của doanh nghiệp tấm lợp về dự thảo dừng sử dụng amiăng trắng vào năm 2023. Theo ông Nga, tấm lợp amiăng đã có mặt tại Việt Nam từ gần 60 năm qua, nhưng hơn 10 năm trở lại đây, từ khi tấm lợp bằng tôn mạ kẽm phát triển mạnh đã xuất hiện nhiều cuộc tranh luận về cấm sử dụng tấm lợp amiăng để bảo vệ sức khỏe con người.

Hàng chục năm mới phát bệnh

GS.TS Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động Việt Nam cho biết, bệnh bụi phổi amiăng đã được đưa vào danh sách bệnh nghề nghiệp được Nhà nước bồi thường từ năm 1976, nhưng có nhiều lý do, cho đến nay mới có 3 trường hợp được công nhận là bệnh bụi phổi amiăng và được bồi thường.

Việc phát hiện có 3 trường hợp bị bệnh phổi amiăng, có thể là do những nguyên nhân như việc giám sát sức khỏe cho người lao động chưa liên tục, người lao động khi chuyển công việc không được theo dõi về tiền sử tiếp xúc với amiăng hoặc khi nghỉ hưu, người lao động ít được quan tâm về bệnh amiăng; không có các trung tâm đăng ký người lao động tiếp xúc với amiăng nên khó theo dõi được lịch sử tiếp xúc;

Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất tấm lợp có tuổi đời trẻ, dưới 15 năm, trong khi thời gian ủ bệnh lại từ 15 năm trở lên nên người lao động tại các cơ sở sản xuất nhỏ ít có điều kiện kiểm tra sức khỏe; kinh nghiệm chẩn đoán, phát hiện amiăng còn ít, nguồn lực kém trong khi đó bệnh amiăng khá phức tạp, không dễ phát hiện; Ngoài ra, các nghiên cứu dịch tễ học của Việt Nam còn chưa sâu.

Tấm lợp amiăng vẫn được sản xuất rất nhiều tại Việt Nam

GS.TS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K, Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, cho biết hiện nay trên thế giới có 40 nước cấm sử dụng amiăng vì đây là một trong những tác nhân gây ung thư phổi, bụi phổi.

Việt Nam hay dùng sản phẩm ngói có thành phần của bụi amiăng, theo tôi, để bảo vệ sức khỏe của chính mình, chúng ta nên hạn chế sử dụng. Nếu gia đình đang sử dụng tấm lợp A-C thì không tự ý tháo dỡ, vứt bỏ vật liệu chứa amiăng mà cần có tư vấn của cơ quan môi trường địa phương, không dùng các tấm amiăng vỡ để lát đường, làm chuồng trại. Tại Australia, những sản phẩm như ngói cũ hay mảnh vụn làm bằng amiăng rơi xuống đất, khi khảo sát làm nhà, nếu phát hiện còn sót những mảnh vụn đó, người dân cũng phải vứt bỏ”, GS.TS Nguyễn Bá Đức nói.

Mặc dù các kết quả điều tra về những bệnh liên quan đến amiăng ở Việt Nam chưa đưa ra những con số báo động về tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ chết do amiăng vì nhiều lý do khác nhau nhưng các nghiên cứu của những nước tiên tiến trên thế giới đã chỉ ra tính nguy hiểm của amiăng cũng như tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ chết ngày càng tăng cao của những người tiếp xúc với amiăng. Tuy nhiên, với thực tế công nghệ của Việt Nam, để cấm amiăng trắng trong sản xuất vật liệu xây dựng còn rất khó khăn. 

Ngày 01/4/2014, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo "Đánh giá thực trạng nhập khẩu, sử dụng amiăng trắng để sản xuất tấm lợp ở Việt Nam" dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Cao Quốc Hưng.

Báo cáo tại Hội thảo, ông Lưu Hoàng Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất cho biết: Amiăng nâu, amiăng xanh, amiăng trắng được sử dụng sản xuất tấm lợp ở Việt Nam từ năm 1963. Năm 2004, theo Quyết định số 133/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hai loại amiăng nâu và xanh đã bị cấm, chỉ còn amiăng trắng được nhập khẩu, sử dụng. Các năm gần đây, Việt Nam luôn nằm trong số các nước nhập khẩu nhiều amiăng trắng. Theo số liệu tổng hợp của Cục Hóa chất, năm 2013 Việt Nam nhập khẩu khoảng 45.000 tấn, quý I năm 2014, nhập khẩu khoảng 7.720 tấn sử dụng trong sản xuất tấm lợp. Năm 2013, Việt Nam có 39 nhà máy sản xuất tấm lợp, sản xuất khoảng 90 triệu m2 tấm lợp và tiêu thụ hơn 80m2 tấm lợp.

Ngày 22/8/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1469/QĐ-TTG về việc Phê duyệt Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, thay thế Quyết định số 121/2008/QĐ-TTg ngày 29/8/2008. Trong đó tại khoản 4, Điều 1 Thủ tướng đã chỉ đạo: Giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030 xây dựng lộ trình giảm dần, tiến tới chấm dứt việc sử dụng sợi amiăng trắng trong sản xuất vật liệu lợp.

Như vậy, không chỉ Chính phủ mà cả các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh vật liệu chứa amiăng trắng cần gấp rút tìm ra một hướng đi mới trong tương lai. Theo các báo cáo gần đây, thì việc nghiên cứu ra các loại vật liệu thay thế amiăng không phải là vấn đề phức tạp, nhưng cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp thì mới có thể nhân rộng, thay thế dần dần amiăng trắng.

Tại toạ đàm “Trao đổi các thông tin liên quan đến vấn đề sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam” ngày 6/10/2017, PGS.TS Nguyễn An Lương cho rằng, chất amiăng trắng được dùng để sản xuất tấm lợp fibro xi măng độc hại, tác nhân gây ung thư đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế cảnh báo rất nhiều lần.