22/11/2024 | 15:59 GMT+7, Hà Nội

Air Visual đính chính: "Hà Nội không phải là thành phố ô nhiễm nhất thế giới"

Cập nhật lúc: 07/10/2019, 14:47

Nguyên nhân được đưa ra là ứng dụng đo chỉ số chất lượng không khí Air Visual chỉ khảo sát trên khoảng 90 thành phố và các thông tin chỉ mang tính chất thời điểm...

Thời gian gần đây, việc hệ thống ứng dụng quan trắc không khí AirVisual (Mỹ) liên tục cảnh báo không khí tại Hà Nội trên mức báo động, thậm chí nhiều ngày "dẫn đầu" thế giới về mức độ ô nhiễm với rất nhiều cảnh báo nhiều tác hại về sức khỏe cho con người đã khiến dư luận hoang mang suốt thời gian qua.

Thông tin Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới gây hoang mang cho toàn xã hội trong suốt thời gian qua (Ảnh: Bảo Loan/Hữu Thắng)

Trước thực trạng trên, người dân lo ngại, đua nhau đi mua các sản phẩm máy lọc không khí, khẩu trang. còn các doanh nghiệp phân phối những dòng sản phẩm này cũng nhanh chóng nắm được "cơ hội vàng", "tự tin" giới thiệu những công năng "thần thánh" của sản phẩm khi chưa có căn cứ, cơ sở khoa học nào chứng minh, "đánh" vào nỗi sợ hãi của toàn xã hội để kinh doanh, thu lợi.

Những thông tin trên đã gây ra rất nhiều những phản ứng trái chiều, đa số phản hồi là lo ngại trước tình hình ô nhiễm theo ứng dụng đo chỉ số chất lượng không khí (IQ Air, Air Visual) đưa ra, số còn lại "nghi ngờ" về tính xác thực bởi cũng chưa có căn cứ chính thống về những chỉ số ứng dụng này đưa ra là hoàn toàn chính xác. 

Air Visual đăng tải bài viết đính chính thông tin "Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất Thế giới"

Mới đây, dư luận không khỏi xôn xao khi ứng dụng Air Visual bất ngờ bị gỡ ứng dụng tại Việt Nam. Được biết, theo phát ngôn viên của IQAir AirVisual, lượng đánh giá ứng dụng 1* tăng đột biến là nguyên nhân khiến họ phải gỡ bỏ ứng dụng này tại Việt Nam. Chưa dừng lại ở đó, trên trang chủ của AirVisual cũng đăng một bài đính chính thông tin, rằng "Hà Nội không phải là thành phố ô nhiễm nhất thế giới".

Nguyên nhân được đưa ra chỉ số do AirVisual cung cấp chỉ mang tính chất thời điểm và không thể đại diện cho tình trạng không khí của toàn bộ thành phố. Đồng thời, ứng dụng chỉ khảo sát trên 90 thành phố lớn trên thế giới nên "quy chụp" thành thông tin "Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới" thời gian vừa qua là không chính xác.

Trước đó, đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho rằng các thiết bị đo đạc của các trang như Air Visual hay Pam Air cũng chưa hẳn đã chính xác bởi đây có thể là các thiết bị nhập từ nước ngoài, công thức, và cách tính chỉ số AQI sẽ thích hợp hơn với điều kiện khí hậu nước đó...

Theo khảo sát, thông tin quan trắc chất lượng không khí của Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội lại cho kết quả thấp hơn rất nhiều so với các website nước ngoài. Cụ thể, AQI đo được tại 10 điểm trong thành phố dù vẫn ở mức kém, nhưng chỉ trên dưới 150. Nơi đo được AQI cao nhất là Đại sứ quán Pháp (174), nơi chất lượng không khí tốt nhất là khu vực Mỹ Đình (112).

Kết quả đo chất lượng không khí ngày 30/9 tại Hà Nội của Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội. Ảnh chụp màn hình (Nguồn: Kinh tế môi trường)

Chính vì những thông tin trái chiều trên đã biến vấn đề ô nhiễm môi trường - vốn là "vấn đề nóng" trở thành nỗi sợ hãi của toàn xã hội trong thời gian qua...

Được biết, tổ chức AirVisual được thành lập vào năm 2015, có trụ sở tại Mỹ, Trung Quốc và Thụy Sĩ. Hệ thống này quan trắc chất lượng không khí dựa trên việc tổng hợp số liệu thu được từ cảm biến đặt tại 10.000 thành phố của 80 quốc gia trên thế giới. AirVisual chỉ quan trắc chỉ số bụi mịn PM2.5.

Tại Hà Nội, AirVisual thu thập dữ liệu từ 14 trạm kiểm soát không khí, gồm có 10 trạm thuộc chính phủ.Tại TP HCM, AirVisual có dữ liệu từ 7 trạm, gồm Lãnh sự quán Mỹ, các tổ chức phi chính phủ gồm các đối tác của AirVisual (một đại học và các trường học). Ở mỗi trạm, các chỉ số được thu thập theo thời gian thực, mức độ ô nhiễm được đo và dựa theo Chỉ số chất lượng không khí của Mỹ (U.S. Air Quality Index value). Số liệu xấu nhất về chất lượng không khí được AirVisual công bố cho phép người dùng tra cứu nồng độ một số tác nhân nguy hiểm như: PM2.5, PM10, ozone, nitơ dioxide, sulfur dioxide và carbon monoxide.