Hà Nội nói gì về việc ô nhiễm không khí tiệm cận mức nguy hại?
Cập nhật lúc: 01/10/2019, 08:42
Cập nhật lúc: 01/10/2019, 08:42
Không khí ở Hà Nội nhiều ngày qua luôn ở mức kém và xấu. Ảnh minh hoạ |
Hà Nội đang trải qua đợt ô nhiễm không khí kéo dài khi chất lượng không khí luôn ở mức kém và xấu, gây ảnh hướng tới sức khỏe người dân. Sáng 30/9, có thời điểm chỉ số chất lượng không khí AQI đã lên đến mức cảnh báo màu tím - rất có hại cho sức khoẻ.
Airvisual - hệ thống quan trắc không khí tự động tại 10.000 thành phố trên thế giới tiếp tục ghi nhận Hà Nội là thành phố lớn ô nhiễm nhất thế giới, vượt qua cả Jakarta của Indonesia với chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức 288.
Hệ thống Pam Air cũng ghi nhận chỉ số AQI tại Hà Nội trong sáng 30/9 ở mức rất cao, hầu hết các điểm đo đều trên 170, có những điểm lên tới 250.
Theo bảng quy đổi giá trị AQI, chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức kém (101 - 200) nhóm nhạy cảm cần hạn chế thời gian ở ngoài. Mức xấu (201 - 300) nhóm nhạy cảm tránh ra ngoài, những người khác hạn chế ở ngoài. Mức nguy hại (trên 300) khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà.
Sáng 30/9, theo xếp hạng của Airvisual, không khí Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới. Ảnh chụp màn hình |
Lý giải về hiện tượng này trên báo Tiền Phong, đại diện Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội (TN&MT) cho biết: Tại Hà Nội và các tỉnh thành miền Bắc, ô nhiễm bụi thường tăng cao tập trung vào thời gian mùa đông, đầu xuân và vào những thời điểm chuyển mùa. Đây cũng là hiện tượng thường gặp trong nhiều năm qua.
Theo số liệu quan trắc của hệ thống trạm quan trắc của Sở TN&MT Hà Nội, từ ngày 13/9/2019, chất lượng không khí của Hà Nội, ở nhiều thời điểm trong ngày, nằm ở mức "kém", trong đó, chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn PM 2.5.
Lãnh đạo Sở TN&MT Hà Nội đề nghị người dân tham khảo các trang chính thức của cơ quan chức năng để biết chính xác chất lượng không khí trên địa bàn. Trong đó có các website của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội qua đường dẫn: http://tnmtnd.hanoi.gov.vn/; hoặc website: http://moitruongthudo.vn.
Trong những ngày ô nhiễm không khí hiện nay, Sở TN&MT Hà Nội khuyến cáo người dân ra đường mang theo khẩu trang, hạn chế tham gia giao thông vào giờ cao điểm, tránh các điểm đang tắc đường (có thể đi sớm hơn hoặc muộn hơn...). Tăng cường sử dụng các phương tiện công cộng; Các hộ dân không sử dụng bếp than tổ ong; Đối với các công trình xây dựng phải che chắn đúng quy định, thực hiện các biện pháp phun nước giảm bụi đúng quy định. Ở các vùng ngoại thành, không đốt rơm rạ trên cánh đồng.
Trước đó, đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở TN&MT Hà Nội phản bác thông tin chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) ở Hà Nội chiếm vị trí số 1 thế giới, cho rằng các số liệu thống kê chưa đầy đủ và cũng không khách quan.
"So sánh chỉ số AQI đó mà kết luận Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới là không chính xác. Tại những website thống kê này, họ lấy số liệu từ 1 trạm quan trắc của Đại sứ quán Mỹ, chứ không phải lấy số liệu từ 10 trạm quan trắc của chúng tôi. Vì vậy số liệu này không đại diện cho cả thành phố và cũng không chính xác", đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường nhấn mạnh.
Trong một diễn biến khác có liên quan, các chuyên gia dự báo ô nhiễm không khí ở Hà Nội sẽ còn kéo dài. Trả lời báo Giao thông, TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam nhận định: “Thời tiết hiện nay, ban ngày thì ô nhiễm giảm vì nhiệt độ cao, làm bốc ôn lên nhưng chỉ ở tầng thấp. Ban đêm nhiệt độ mặt đất giảm, bụi tích tụ trên cao lại sà xuống. Phải đợi khi nào có gió lớn mới làm tan được khối không khí ô nhiễm đang tích tụ ở tầng thấp”.
Cũng theo ông Tùng, Hà Nội cần một trận mưa giông diện rộng hoặc gió mùa mới có thể cải thiện được chất lượng không khí hiện nay.
Tuy nhiên, bản tin dự báo thời tiết khu vực Hà Nội của cơ quan khí tượng cho biết, tình trạng không mưa, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ, ngày nắng sẽ còn kéo dài tới 8/10.
06:40, 01/10/2019
19:30, 30/09/2019
17:00, 30/09/2019