Suối cá thần Cẩm Lương - Danh thắng độc nhất vô nhị Việt Nam
Cập nhật lúc: 12/02/2019, 16:00
Cập nhật lúc: 12/02/2019, 16:00
Không có bất cứ một nguồn tư liệu thành văn nào chứng minh được suối Ngọc và đàn cá Thần có từ khi nào. Cũng chẳng có một ngành khoa học nào trong thời đại văn minh có thể giải thích nổi tại sao trải qua bao thăng trầm, biến động của thiên nhiên, bao năm tháng sinh tồn của con người, đàn cá Thần vẫn thủy chung với dòng nước suối Ngọc. Chỉ có thể giải thích sự bí hiểm ấy bằng những huyền tích dân gian.
Lễ hội rước thần Cá, làng Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy
Huyền thoại cá Thần
Huyền tích kể rằng: Xưa kia có hai vợ chồng nhà nọ sống ở ven suối, tuy tuổi đã cao mà vẫn hiếm muộn. Một hôm người vợ ra suối bắt cá liền nhặt được một quả trứng lạ. Những tưởng ý trời thương vợ chồng mình hiếm muộn, bà liền đem quả trứng về nhà cho gà ấp. Ít lâu sau nghe gà cục tác, vợ chồng họ ra xem thử thì thấy trứng đã nở ra một con rắn khổng lồ. Hoảng sợ, người vợ bàn với chồng đem rắn thả về khe Ngọc nhưng rắn chẳng chịu ở mà đêm đêm lại tìm cách về nhà. Lâu dần thành quen, từ đó rắn trở thành con vật thân thiết với dân làng. Tương truyền từ khi có rắn lạ xuất hiện lũ lụt không còn, mùa màng tốt tươi, bản làng ấm no, rộn ràng lời ca tiếng hát. Bỗng một đêm sấm gào, chớp giật, mưa to gió lớn, chàng rắn biến mất. Sáng ra thấy xác chàng dạt vào ven suối bên chân núi Trường Sinh. Thương tiếc chàng rắn, dân làng Ngọc lập đền thờ để tưởng nhớ công lao diệt trừ thủy quái, bảo vệ cuộc sống bình yên cho mình. Cũng từ đó trước cửa suối Ngọc nơi thờ thần rắn xuất hiện một đàn cá lạ đến chầu thần.
Suối cá thần dưới chân núi Trường Sinh
Khởi nguồn từ huyền tích mộng mơ ấy, hằng năm cứ vào mùng 8, mùng 9 tháng Giêng, nhân dân làng Lương Ngọc, dưới chân núi Trường Sinh lại tổ chức lễ hội rước Thần Cá. Từ năm 2009, Lễ hội được phục dựng, bảo tồn đúng như nghi lễ truyền thống nhằm tỏ lòng thành kính đối với các vị thần linh, cầu mong các vị thần linh phù hộ độ trì cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cây cối tươi tốt, dân bản ấm no hạnh phúc.
Tuyệt tác thiên nhiên
Cẩm Lương là một xã miền núi, cư dân chủ yếu là người Mường, sinh sống bằng nghề trồng lúa và nghề dệt vải những khi nông nhàn, mùa rỗi. Xã Cẩm Lương nằm gọn trong sự che chở của dãy núi Bồ Um hình cánh cung chạy dài từ hướng Đông Nam sang hướng Tây Nam, trước mặt là dòng sông Mã đỏ nặng phù sa ngàn năm lắng bồi, tạo nên những bản làng trù mật xanh tươi. Cẩm Lương có hệ thống núi đá vôi với rất nhiều hình thù kỳ vĩ do hiện tượng cát-tơ xâm thực đưa lại. Từ trong lòng dãy núi đá vôi Trường Sinh xuất hiện dòng suối đêm ngày róc rách, uốn lượn quanh bản Ngọc, rồi chảy gọn vào lòng sông mẹ. Nước suối quanh năm trong suốt dẫu là mùa khô hay mùa lũ, vì thế nên có tên gọi là suối Ngọc hay suối Minh Châu. Suối Ngọc nằm gọn trong thung lũng, xung quanh là đại ngàn xanh ngát như một chiếc nôi khổng lồ bao bọc chở che.
Loài cá kỳ bí
Điều làm cho suối Ngọc trở thành dòng suối huyền thoại với bao sự tích huyền bí mang đậm sắc màu tâm linh chắc chắn không phải là sự trong mát của dòng suối mà chính là sự xuất hiện và sinh sôi của đàn cá thần có tự bao đời nay. Không ai biết đàn cá có từ bao giờ, chỉ biết rằng trong lòng núi Trường Sinh có một hồ nước lớn, trong mát, nơi ấy chính là chốn sinh sôi nảy nở của đàn cá Thần. Người dân địa phương cho biết: không thể thống kê đầy đủ số lượng cá trong hang nhưng chắc chắn có những con cá chúa nặng tới trên dưới 20kg, thân to đến mức không thể lọt qua cửa hang ra ngoài.
Mặc dù nhân dân quanh vùng và du khách vẫn quen gọi là cá Thần nhưng theo những phân tích của các nhà ngư loại học thì đàn cá ở suối cá Cẩm Lương phần lớn là cá dốc, thuộc bộ cá chép, có tên trong sách đỏ Việt Nam, ngoài ra còn có cá mại, cá chài. Hình thù của các loài cá này rất lạ với nhiều màu sắc phong phú, khi bơi thân chúng phát ra nhiều tia sáng lấp lánh. Đặc biệt, cá rất hiền, nên du khách đến đây có thể thoải mái vui đùa với chúng. Nhưng chắc chắn không một ai dám lội suối bắt cá bởi những truyền thuyết tâm linh được truyền từ đời này qua đời khác như một lời nguyền cho số phận bất hạnh của những ai dám bắt cá Thần.
Du khách đùa vui nhưng không một ai dám bắt cá thần.
Theo các cụ cao niên ở làng Ngọc thì việc bảo vệ suối cá Thần đã trở thành ý niệm tâm linh của người Mường nơi đây từ xa xưa. Không có người trực tiếp bảo vệ đêm ngày nhưng truyền thống làng bản, ý thức cộng đồng của người Mường đã góp phần gìn giữ suối cá đến hôm nay. Trong kho tàng những giai thoại dân gian đầy tự hào của người Mường ở Cẩm Lương vẫn còn lưu truyền câu chuyện cảm động về ý thức giữ gìn suối cá như một báu vật của quê hương. Chuyện kể rằng: năm ấy hạn hán mất mùa, dân bản phải vào rừng đào củ mài, hái rau rừng ăn cho qua bữa, không ít người già trẻ con chết đói. Thế nhưng, không một ai dám ra suối bắt cá Thần về ăn, bởi theo họ nếu làm như thế sẽ bị thần rắn trừng phạt. Chính vì thế, cư dân nơi đây đã lập bàn cầu thần ngay bên bờ suối cá. Ba ngày ba đêm nghi ngút khói hương, cuối cùng trời đã đổ mưa, cây cối mùa màng tốt tươi trở lại. Từ đó, hằng năm cứ vào các dịp lễ tết hội hè, dân làng Ngọc lại dâng lễ vật tế thần cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa vụ bội thu, bản làng ấm no, yên bình, hạnh phúc.
Suối Ngọc là một dòng suối ngắn chỉ chừng 200m, nơi rộng nhất của suối không quá 6m và nơi sâu nhất là 50cm. Lòng suối không có bùn, cũng không có nhiều thực vật làm nguồn thức ăn cho cá thế nhưng điều kỳ lạ là đàn cá Thần vẫn sinh sôi nảy nở và ngày càng đông hơn. Đặc biệt hơn nữa, những khi lũ đầu nguồn tràn về, đàn cá vẫn không rời suối, vẫn thủy chung với nguồn nước trong mát của suối Ngọc. Chưa bao giờ thấy cá Thần chết do nhiễm độc và cũng chưa hề thấy hiện tượng vốn rất tự nhiên và có tính quy luật của sinh vật sống, đó là: cá lớn nuốt cá bé. Nếu gạt bỏ những yếu tố tâm linh huyền bí, chỉ có thể giải thích rằng, cá Thần ở Cẩm Lương chỉ phù hợp duy nhất với môi trường nước ở suối Ngọc. Suối Ngọc trước đây là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho cả vùng, còn ngày nay dân làng vẫn ra nơi cuối nguồn con suối để rửa rau, tắm giặt.
Đánh thức tiềm năng du lịch
Mặc dù là một thắng cảnh nổi tiếng của xứ Thanh, nhưng trước thập kỷ 90 của thế kỷ XX, chưa nhiều người biết đến suối cá Cẩm Lương. Từ năm 1993 trở đi, sau nhiều lần tiến hành khảo sát, ngành văn hóa thông tin và ngành du lịch Thanh Hóa đã có nhiều biện pháp tích cực nhằm giới thiệu hình ảnh của khu thắng cảnh Cẩm Lương đến du khách thập phương. Kết quả là quần thể thắng tích Cẩm Lương đã được Nhà nước công nhận là khu danh lam thắng cảnh quốc gia cuối năm 1993. Ngay sau đó, các hoạt động tổ chức dịch vụ du lịch đã được chính quyền địa phương và các ngành có liên quan xúc tiến từng bước. Tuy nhiên, do đã quen với tập quán sinh hoạt của cư dân nông nghiệp miền núi nên các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch ở Cẩm Lương thời kỳ đầu còn gặp nhiều khó khăn, hầu hết các dịch vụ du lịch còn giản đơn, manh mún, thiếu chuyên nghiệp, chưa biết cách tạo dựng thương hiệu riêng.
Ngày càng có nhiều du khách đến suối cá Cẩm Lương
Những năm gần đây, du lịch sinh thái Cẩm Lương có bước chuyển mình đáng kể. Huyện Cẩm Thủy đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2016 – 2020 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, quy hoạch, mở rộng Khu du lịch suối cá Cẩm Lương; quy hoạch làng nghề du lịch, trình diễn, như: Nghề dệt thổ cẩm tại xã Cẩm Thạch, Cẩm Lương. Theo báo cáo của huyện Cẩm Thủy, năm 2015 có 250.000 lượt khách du lịch đến suối cá Cẩm Lương. Con số này năm 2017 là 300.000 lượt khách.
Tuy nhiên trong tương lai gần, khu du lịch suối cá Cẩm Lương cần phải được đầu tư dài hơi hơn nữa, đặc biệt là đối với các dịch vụ ăn nghỉ cho du khách từ xa đến. Bên cạnh đó, huyện phải tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng mở rộng không gian phát triển du lịch; kêu gọi, thu hút đầu tư các khu du lịch, phát triển du lịch gắn với bảo tồn cá giá trị văn hóa truyền thống.
Quang Duy
06:01, 07/02/2019
11:00, 05/02/2019
00:28, 29/01/2019