19/01/2025 | 18:35 GMT+7, Hà Nội

ADB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 đạt 6,5%

Cập nhật lúc: 06/04/2023, 09:12

Vừa qua, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) họp báo công bố dự báo tình hình phát triển kinh tế Việt Nam.

ADB ước tính nếu Việt Nam giải ngân được 30 tỷ USD vốn đầu tư công như cam kết sẽ tạo đột phá mạnh, đóng góp tăng trưởng 1% GDP.
ADB ước tính nếu Việt Nam giải ngân được 30 tỷ USD vốn đầu tư công như cam kết sẽ tạo đột phá mạnh, đóng góp tăng trưởng 1% GDP.

Châu Á sẽ tăng trưởng nhanh hơn năm 2023

Báo cáo dự báo nền kinh tế đang phát triển ở châu Á và Thái Bình Dương tăng trưởng nhanh hơn trong năm nay, khi những biện pháp hạn chế do đại dịch tiếp tục được nới lỏng giúp thúc đẩy tiêu dùng, du lịch và đầu tư. Trung Quốc mở cửa là yếu tố chính giúp triển vọng tăng trưởng của khu vực trở nên sáng sủa.

ADB dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á đạt 4,8% trong năm 2023, cao hơn mức 4,6% đưa ra trong dự báo hồi tháng 12/2022. Năm 2022, các nền kinh tế này tăng trưởng 4,2%. Nhóm các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á gồm 46 nước thành viên ADB, trải dài từ Kazakhstan tại Trung Á tới quần đảo Cook ở Thái Bình Dương.

ADB nêu rõ, các triển vọng kinh tế của khu vực châu Á đang phát triển được cải thiện đáng kể nhờ quá trình mở cửa nhanh chóng của Trung Quốc. Điều này hỗ trợ tăng trưởng cho các nhà xuất khẩu hàng hóa tiêu dùng, hàng hóa trung gian và hàng hóa thành phẩm trong khu vực. ADB dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5% trong năm 2023 và 4,5% trong năm 2024, đều cao hơn mức 3% năm 2022 - mức thấp nhất trong 40 năm, chủ yếu do ảnh hưởng của đại dịch và khủng hoảng ngành bất động sản tại nước này.

ABD cho rằng, lạm phát của khu vực, tính cả giá thực phẩm và năng lượng, được dự báo ở mức 4,2% năm 2023 và 3,3% năm 2024, đều cải thiện so với mức 4,4% của năm 2022. Nếu không tính Trung Quốc, lạm phát khu vực đang phát triển ở châu Á là 6,2% trong năm 2023 và 4,4% trong năm 2024. Bên cạnh đó, ADB cảnh báo xung đột tại Ukraine sẽ làm trầm trọng thêm tình hình lạm phát, dẫn tới các đợt tăng lãi suất mới. Nam Á được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh nhất khu vực, trong đó Ấn Độ có thể tăng trưởng 6,4% nhờ nhu cầu trong nước ổn định. Năm 2022, kinh tế Ấn Độ tăng trưởng 6.

Kinh tế Việt Nam cần có 3 đột phá chính

Theo báo cáo của ADB mới được công bố, dự báo năm 2023 nền kinh tế của Việt Nam sẽ bị hạn chế do suy thoái toàn cầu, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt và tác động lan tỏa từ cuộc xung đột Nga - Ukraine. Tuy nhiên, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp cân bằng những yếu tố bất lợi này và nền kinh tế được dự báo sẽ tăng trưởng 6,5% vào năm 2023 và 6,8% vào năm 2024.

Trong Báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam và dự báo trong năm 2023 - 2024 vừa, ADB nhấn mạnh, để có thể đạt được mức tăng trưởng 6,5% trong năm nay, Việt Nam cần có 3 đột phá chính. Cụ thể, đầu tư công là động lực đầu tiên để phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Đầu tư công sẽ là động lực chính cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2023. Dự kiến một lượng đáng kể vốn đầu tư công sẽ được giải ngân trong năm 2023. Chính phủ cam kết giải ngân 30 tỉ USD trong năm nay, trong đó 90% đã được phân bổ cho các bộ, ngành và tỉnh để giải ngân từ tháng 1/2023. ADB ước tính nếu Việt Nam giải ngân được 30 tỷ USD vốn đầu tư công như cam kết sẽ tạo đột phá mạnh, đóng góp tăng trưởng 1% GDP.

Tiếp đến là tận dụng cơ hội từ sự mở cửa thị trường Trung Quốc để đẩy mạnh dịch vụ du lịch và hoạt động xuất khẩu nông sản. Theo báo cáo của ADB, sản lượng nông nghiệp dự kiến sẽ tăng 3,2% trong năm nay do nhu cầu trong nước phục hồi và mở cửa trở lại ở Trung Quốc - thị trường chiếm tới 45% kim ngạch xuất khẩu trái cây và rau củ của Việt Nam. Ngoài ra, lượng khách du lịch Trung Quốc bắt đầu quay trở lại từ ngày 15/3 được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho ngành du lịch và dịch vụ ở Việt Nam, với dự báo tăng trưởng của ngành đạt 8,0% trong năm nay.
Cuối cùng, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân 30 tỉ USD đầu tư công là rất quan trọng. Cùng với việc tiếp tục thực hiện chương trình phục hồi kinh tế được thông qua trong tháng 1/2022, khoản chi tiêu này sẽ tạo ra tác động đa chiều, tạo động lực mạnh mẽ cho cả nền kinh tế. Về dài hạn, cần tiếp tục cải cách tài chính để giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng và nâng cao tính minh bạch trên thị trường trái phiếu.

Nhà kinh tế trưởng Albert Park nhấn mạnh: “Tác động của những căng thẳng địa chính trị đối với thương mại và chuỗi cung ứng, cùng với những hậu quả của biến đổi khí hậu sẽ là những cơn gió ngược đe dọa triển vọng tăng trưởng của châu Á. Để đối phó với những thách thức này, các chính phủ trong khu vực cần tập trung vào các chính sách hỗ trợ hợp tác và hội nhập mạnh mẽ hơn để thúc đẩy thương mại, đầu tư, năng suất và khả năng phục hồi”.

Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/adb-du-bao-tang-truong-kinh-te-viet-nam-nam-2023-dat-65-330748.html