22/11/2024 | 02:59 GMT+7, Hà Nội

67% người tiêu dùng Việt đã từng mua hàng hóa trực tuyến

Cập nhật lúc: 22/07/2016, 14:44

Báo cáo của Công ty Nghiên cứu Thị trường Asia Plus mới đây cho hay, 67% người dân thành thị tại Việt Nam đã từng mua hàng hóa trực tuyến trước đây. Trong đó, hơn 30% thường mua ít nhất 1 lần 1 tháng.

Khảo sát nghiên cứu thị trường thương mại điện tử Việt Nam trong tháng 7 của Asia Plus được thực hiện qua ứng dụng nghiên cứu Q&Me. 

Đối tượng nghiên cứu bao gồm cả nam và nữ trong độ tuổi 18 - 39, hiện đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.

 

Khảo sát nghiên cứu thị trường thương mại điện tử của Asia Plus

 

Hơn 60% người tiêu dùng Việt đã từng mua sắm trực tuyến

Kết quả khảo sát cho hay: Có tới 67% người dân thành thị tại Việt Nam đã từng mua hàng hóa trực tuyến trước đây.

Trong đó, hơn 30% thường mua ít nhất 1 lần/tháng.

Danh sách những trang thương mại điện tử phổ biến được nhắc đến là: Lazada, HotDeal and Tiki.

Ngoài ra tại Việt Nam, Facebook cũng là một kênh thương mại điện tử phổ biến với hơn 45% người tiêu dùng đã từng mua hàng trên kênh này.

Người tiêu dùng mua sắm chủ yếu qua smartphone

Khoảng 48% người tiêu dùng sử dụng điện thoại di động để mua sắm, điều này phần nào đã chứng tỏ được tốc độ phát triển mạnh mẽ của việc dùng điện thoại thông minh ở Việt Nam.

Trong số này, một nửa người dùng xem hàng trên trình duyệt điện thoại, còn lại sử dụng ứng dụng để mua sắm.

30% người mua sắm trực tuyến đều đã từng hủy đơn hàng

Có một con số không nhỏ người dùng đã phải hủy đơn hàng khi mua sắm trực tuyến.

Hai nguyên nhân chính khiến 35% người mua phải hủy đơn hàng là do “sản phẩm giao hàng bị lỗi” (36%) và “thay đổi ý kiến” (27%) sau khi đặt hàng.

Báo cáo của Asia Plus cho hay, điều này có thể bắt nguồn từ việc 85% người mua sắm trực tuyến chi trả tiền mặt khi giao hàng nên họ có thể hủy đơn hàng bất kì lúc nào trước khi giao.

Thời trang là nhóm hàng mua sắm trực tuyến phổ biến

Thời trang là ngành hàng phổ biến nhất với 46% người chọn đã từng mua sản phẩm thuộc ngành hàng này.

Tiếp đó là nhóm sản phẩm Đồ điện tử/Điện thoại di động (39%) và Đồ gia dụng (35%).

Thói quen mua sắm của nam giới và nữ giới cũng có sự khác biệt khi phần lớn khách hàng nữ chọn mua sản phẩm Thời Trang và Điện gia dụng nhiều hơn, trong khi đó, cánh mày râu lại thiên về các sản phẩm Điện tử/Điện thoại di động.