19/01/2025 | 22:06 GMT+7, Hà Nội

67 dự án giao thông mới dự kiến được khởi công giai đoạn 2021 - 2025

Cập nhật lúc: 12/11/2021, 06:30

Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án khởi công mới dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, dự kiến sẽ triển khai 67 dự án khởi công mới.

Để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị các dự án khởi công mới, Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư, trình phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án khởi công mới dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án nhóm B, C còn lại, trình Bộ GTVT thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trước ngày 10/11/2021.

Trong giai đoạn 2021 - 2025 Bộ GTVT dự kiến sẽ triển khai 67 dự án khởi công mới. (Ảnh: Hoàng Hà)
Trong giai đoạn 2021 - 2025 Bộ GTVT dự kiến sẽ triển khai 67 dự án khởi công mới. (Ảnh: Hoàng Hà)

Sau thời hạn nêu trên, Thủ trưởng các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng đối với các dự chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư, dẫn tới không được tổng hợp danh mục dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo thông tin từ Bộ GTVT, trong dự kiến phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 theo tổng mức vốn được Quốc hội phân bổ tại Nghị quyết số 29 và được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1535, Bộ GTVT dự kiến sẽ triển khai 67 dự án khởi công mới. Trong đó, có 6 dự án quan trọng quốc gia, 10 dự án nhóm A và 51 dự án nhóm B, C.

Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư 3 dự án nhóm A và Bộ GTVT đã phê duyệt chủ trương đầu tư theo thẩm quyền 35 dự án nhóm B,C. Còn lại 6 dự án quan trọng quốc gia, 7 dự án nhóm A và 16 dự án nhóm B, C chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư.

Vì vậy, Bộ GTVT yêu cầu các Ban Quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ lập, hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A trình cấp có thẩm quyền theo đúng tiến độ yêu cầu của lãnh đạo Bộ đối với từng dự án.

Bộ GTVT cũng đề nghị các Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Đối tác công - tư đẩy nhanh thẩm định, tham mưu trình lãnh đạo Bộ phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án nhóm B, C theo đúng tiến độ yêu cầu; Tổ chức thẩm định nội bộ, hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A để tham mưu lãnh đạo Bộ trình các cấp có thẩm quyền.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định, phương án kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 bố trí theo thứ tự ưu tiên. Cụ thể, thu hồi dứt điểm số vốn ứng trước kế hoạch đã được tổng hợp, báo cáo trong giai đoạn trước; Hoàn thành các dự án chuyển tiếp, giảm số dự án khởi công mới so với giai đoạn trước. Đồng thời, tiếp tục khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, bảo đảm tổng số dự án thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 dưới 5.000 dự án.

Trong đó, dự kiến bố trí 100.000 tỉ đồng để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), gồm: CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số 50.000 tỉ đồng; CTMTQG xây dựng nông thôn mới 30.000 tỉ đồng và CTMTQG giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững 20.000 tỉ đồng.

Trao đổi với báo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, trong 10 năm tới đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án cao tốc kết nối vùng như các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển kết nối nhiều tỉnh, thành phố, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ... có ý nghĩa rất lớn. Đây là những tuyến huyết mạch để lưu chuyển hàng hóa, nếu được đầu tư hiện đại sẽ giảm bớt đáng kể chi phí vận tải.

Vì vậy các Bộ, ngành, địa phương cần đầu tư tập trung vốn, sớm đưa dự án vào sử dụng. “Tránh tình trạng đầu tư cùng lúc hàng trăm dự án nhưng cái nào nào cũng dở dang, làm phân tán nguồn lực. Đồng thời cần lưu ý tới năng lực các nhà thầu làm dự án đầu tư công, để không xảy ra những trường hợp như đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đầu tư cả chục ngàn tỉ đồng nhưng nhiều năm sau vẫn chưa thể đưa vào khai thác”, ông Lâm nhấn mạnh.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/67-du-an-giao-thong-moi-du-kien-duoc-khoi-cong-giai-doan-2021-2025-60990.html