21/11/2024 | 18:44 GMT+7, Hà Nội

64% người Việt sử dụng internet để xem video trực tuyến

Cập nhật lúc: 03/10/2016, 15:43

Báo cáo về Xu hướng Đa nền tảng tại Việt Nam 2015 của Nielsen (Nielsen Vietnam Cross-Platform Insights Report 2015) cho hay, tỉ lệ xem video trực tuyến mỗi ngày đã tăng chỉ từ 10% lên đến 64% trong số những người sử dụng internet tại Việt Nam.

Có thể đánh giá rằng tỉ lệ xem video mỗi ngày của người tiêu dùng đã gia tăng đáng kể qua từng năm.

Việt Nam đang dẫn đầu xu hướng xem video trực tuyến

Báo cáo về Xu hướng Đa nền tảng tại Việt Nam 2015 của Nielsen (Nielsen Vietnam Cross-Platform Insights Report 2015) cung cấp một cái nhìn toàn diện về cách người Việt truy cập nội dung số như thế nào trong môi trường đa nền tảng hiện nay, từ đó giúp hiểu chi tiết hơn về mức độ tiêu thụ nội dung số trên các thiết bị kết nối.

Theo đó, với mức độ sở hữu các thiết bị kết nối của người tiêu dùng Việt Nam ngày càng tăng, người tiêu dùng hoàn toàn có thể chủ động truy cập vào các dịch vụ nội dung số vào bất cứ khi nào và ở bất cứ nới đâu và bằng bất kỳ thiết bị nào.

Ngày càng nhiều người dùng xem video trực tuyến

Nielsen nhận định, xem video trực tuyến đang trở thành một điều không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật của người Việt.

Không chỉ riêng ở Việt Nam, con số thống kê cho thấy, tại khu vực Đông Nam Á lượng người xem video trực tuyến tại ngày càng tăng mạnh. Đặc biệt, ở một số nước còn có sự tăng mạnh vượt trội.

Báo cáo chỉ ra rằng Việt Nam đang dẫn đầu xu hướng xem video trực tuyến mỗi tuần, với 92% người được hỏi nói rằng họ xem video trực tuyến hàng tuần.

Xem video trực tuyến này bao gồm cả việc xem video trực tuyến lẫn việc tải bất kỳ một video nào, không nhất thiết là một chương trình TV hay phim ảnh.

Các quốc gia theo sau Việt Nam là Ấn Độ (87%), Philippines (85%), Indonesia (81%), Thái Lan (76%) và Malaysia (74%).

Smartphone là tất cả những gì người dùng cần

Các thiết bị dùng để xem video trực tuyến

Qua con số thống kê của Nielsen có thể thấy, smartphone - điện thoại thông minh là tất cả những gì người dùng cần để giải trí và có thể là làm việc nữa.

Xu hướng xem video trực tuyến trên điện thoại thông minh đang phát triển vô cùng mạnh mẽ.

Báo cáo năm 2015 cho hay: 62% người sử dụng internet ở Việt Nam xem video trực tuyến trên điện thoại thông minh, tăng khá nhiều so với con số 39% trong năm 2014.

Tỉ lệ sử dụng máy tính bảng để xem video trực tuyến cũng tăng từ 15% trong năm 2014 lên 18% trong năm 2015.

Gần sáu trong mười người sử dụng internet tại Việt Nam (58%) vẫn tiếp tục xem video trực tuyến trên máy tính để bàn và laptop.

Tuy nhiên, tỉ lệ này đã sụt giảm mạnh qua từng năm, từ 91% năm 2014 xuống còn 58% trong năm 2015.

Nguyên nhân khiến cho người Việt nói chung đang ngày càng "gắn bó mật thiết" với những chiếc điện thoại thông minh một phần là do tốc độ truy cập internet ngày càng cao, chức năng của những chiếc điện thoại này ngày càng đa dạng và nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ tin tức, video cũng đang dần nâng cao chất lượng tin tức, hình ảnh trên các video.

Điều này đã thúc đẩy người dùng xem video để giải trí, cập nhật tin tức thay vì đọc báo hay xem tivi, nghe đài.

Người dùng xem video trực tuyến để giải trí thay vì cập nhật tin tức

Người dùng lựa chọn phim ảnh và tin tức

Trong top 3 loại hình video được xem nhiều nhất thì có tới 2 loại hình là để giải trí, đó là phim ảnh và các chương trình giải trí.

Tin tức thời sự chỉ đứng thứ 3 trong top này trong nhóm nhu cầu của người dùng Việt.

Ngay cả khi các kênh truyền hình truyền thống tiếp tục là nguồn nội dung quan trọng cho phim ảnh và đài truyền hình vẫn là các nhà sản xuất nội dung chính, thì việc xem trực tuyến các video thời lượng dài ngày càng trở nên phổ biến hơn trong số những người sử dụng internet tại Việt Nam.

Nielsen cho hay, có đến 97% người Việt được hỏi cho biết họ sử dụng dịch vụ chương trình "video theo nhu cầu" để xem phim, kế đến là xem các chương trình giải trí (90%), các chương trình tin thức/thời sự từ các kênh truyền hình trong nước (89%), các chương trình ca nhạc/MV ca nhạc (87%), phim truyền hình nước ngoài (84%), các chương trình về phong cách sống (82%), phim truyền hình trong nước (81%) và các chương trình thể thao trong nước trên các kênh truyền hình trong nước (80%).